Về ca khúc 'Nối vòng tay lớn' của Trịnh Công Sơn: 'Nụ cười nở' hay 'nối' trên môi?

Thật ra, từ nở hoàn toàn không đúng với cấu trúc của chủ đề Nối vòng tay lớn

Một trong những lý do khiến ca sĩ hát sai lời khi không có văn bản trong tay, đơn giản cũng chỉ vì họ không hiểu ý nghĩa ca từ mình đang hát đó, nhất là vốn từ mà người nhạc sĩ đã sử dụng uyển chuyển, có chủ đích trong tác phẩm của họ.

Sự sai sót này, chỉ là vô tình chứ không phải cố ý. Thế nhưng cái sai này nguy hại ở chỗ người sau cứ thế hát theo để dẫn đến tình trạng "tam sao thất bổn", từ đó góp phần làm méo mó đi sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đáng tiếc này, hiện nay vẫn còn phổ biến.

Ca khúc "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn là một trong nhiều trường hợp như thế.

Năm 1968, cơ sở ấn loát Nhân Bản ấn hành tập nhạc "Kinh Việt Nam" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có bản nhạc "Nối vòng tay lớn" xếp cuối tập, tức bài số 12. Có điều là một câu trong bài này nhiều người vẫn cứ hát: "Và nụ cười nở trên môi". Nghe thì thấy đúng quá, vì sau khi đã nối vòng tay thì việc nở nụ cười hài lòng là hợp lý, có lẽ do nghĩ thế nên ít ai phân vân, thắc mắc gì về từ "nở" trong câu hát này.

Một đoạn của văn bản ca khúc “Nối vòng tay lớn” trong tập nhạc “Kinh Việt Nam” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ấn hành năm 1968

Một đoạn của văn bản ca khúc “Nối vòng tay lớn” trong tập nhạc “Kinh Việt Nam” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ấn hành năm 1968

Thật ra, từ "nở" hoàn toàn không đúng với cấu trúc của chủ đề "Nối vòng tay lớn". Ta hiểu nối ở đây có nghĩa là làm liền lại với nhau, chặp thêm cho dài, tác giả mơ ước nhằm mục đích "để nối sơn hà", "nối tròn một vòng Việt Nam" như một cách biểu hiện cho tinh thần, khát vọng thống nhất đất nước trong thời điểm đó. Nhằm nhấn mạnh yếu tố này, tác giả đã sử dụng cả thảy 13 từ "nối", kể cả nhan đề của bài hát. Có thể kể: rừng núi nối biển xa; cờ nối gió; thành phố nối thôn xa; Bắc Nam nối liền nắm tay; người chết nối linh thiêng vào đời; biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh… là khẳng định sự kết nối/ gắn kết như một lẽ tất nhiên, vốn có theo suy nghĩ của tác giả. Quan sát ca từ, ta thấy hành động này diễn ra là từ sự vật/ sự việc này được nối với sự vật/ sự việc khác.

Riêng, nụ cười lại không. Chỉ là câu khẳng định "Và nụ cười nối trên môi", tức là nụ cười của người này nối tiếp nụ cười của người kia, chứ không phải "nở". Nếu "nở" là chỉ sự riêng biệt của một ai đó mà thôi, còn "nối" lại khác, nó cho thấy nụ cười này vẫn nằm trong mạch cảm xúc của chủ đề mà ca khúc này đã nêu ra.

Hơn nữa, khi tác giả lặp đi lặp lại từ "nối" cũng là thủ pháp nghệ thuật nhằm nhấn mạnh điều cốt lõi cần truyền tải đến người tiếp nhận. Trịnh Công Sơn cũng sử dụng từ "nối" theo thủ pháp điệp ngữ. Do đó, không thể từ "nở" lạ quẻ lọt vào đây. Với ý nghĩa này, từ "nối" đã đóng vai trò chủ đạo và xuyên suốt. Và ngay cả, nụ cười cũng nối trên môi của nhau là vậy. Nếu hát/ đọc "nở" là không đúng với tinh thần của ca khúc này.

Lê Minh Quốc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ve-ca-khuc-noi-vong-tay-lon-cua-trinh-cong-son-nu-cuoi-no-hay-noi-tren-moi-20201114203517652.htm