Về Chiềng Lao
Cuối tháng 6, chúng tôi về vùng quê tái định cư Chiềng Lao (Mường La). Một ngày trải nghiệm với nhiều cảm xúc về sự nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân nơi đây, những mong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống mới bên bờ Đà giang.
Là xã vùng 3, Chiềng Lao có 18 bản, với 2.159 hộ dân, thuộc ba dân tộc Thái, Mông và La Ha cùng chung sống. Tuy diện tích tự nhiên khá lớn, hơn 13.000 ha, nhưng diện tích đất sản xuất hằng năm chỉ 1.600 ha, chủ yếu là đất nương dốc bạc màu, năng suất cây trồng không cao. Việc canh tác hơn 70 ha ruộng bán ngập cũng bấp bênh, do mực nước không ổn định.
Trong bước đường phát triển, Chiềng Lao gặp nhiều khó khăn, bởi địa hình đồi núi chia cắt, dễ xảy ra sạt lở đất; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của bà con ở một số bản vùng cao hạn chế. Vào mùa mưa lũ, một số bản trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Đơn cử như điểm TĐC bản Tà Sài có tới 40/98 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ đá lăn và lũ ống, lũ quét hoặc bị ngập lụt...
Không chấp nhận cuộc sống đói, nghèo, người dân Chiềng Lao đang từng ngày nỗ lực tìm phương kế đổi thay cuộc sống. Về thăm khu vực nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của gia đình ông Lường Văn Biển, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tà Sài, giữa mênh mông sông nước, ông Biển kể cho chúng tôi nghe về quá trình phát triển kinh tế của 98 hộ dân trong bản: Từ khi nước hồ thủy điện dâng, bà con trong bản đã khai thác lợi thế diện tích mặt hồ để phát triển nghề nuôi cá lồng. Ngay từ khi khởi nghề đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm lồng và cá giống. Sau này, chúng tôi lại tiếp tục được hỗ trợ theo chính sách của HĐND tỉnh.
Hiện, bản có 39 lồng cá, chủ yếu là các loại cá lăng, trắm cỏ, rô phi... Sản lượng đạt 6 tạ cá/lồng/năm, trừ chi phí thu 25 triệu đồng/lồng/năm. Cùng với nuôi cá lồng, bà con còn đầu tư nuôi 200 con bò, hơn 200 con dê và hàng nghìn con gia cầm làm hàng hóa; trồng 70 ha sắn cao sản, năng suất đạt từ 10-15 tấn sắn củ tươi/ha; 100 ha ngô, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha... Đời sống bà con trong bản được cải thiện rõ rệt.
Rời bản Tà Sài, chúng tôi về bản Huổi Quảng - bản của đồng bào dân tộc thiểu số ít người La Ha, được anh Lò Văn Châu giới thiệu về mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Anh Châu bảo: Tôi dự định đổ bê tông đoạn đường nối từ quốc lộ 279D vào khu chăn nuôi này để thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục duy trì chăn nuôi 22 con bò sinh sản và bò thương phẩm; 1 ha trồng chuối cho thu nhập kép: Quả để bán, thân cây làm thức ăn cho đàn lợn, bò; duy trì hoạt động của chiếc máy xúc làm dịch vụ đào ao, cải tạo ruộng, làm đường giao thông... cho bà con trong bản, trong xã. Từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ của máy xúc, trừ chi phí gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng vào cuộc xóa đói nghèo với người dân, các tổ chức đoàn thể của huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã đã và đang triển khai một số mô hình kinh tế. Trong đó, 10 mô hình nuôi dê nhốt chuồng, với tổng đàn 328 con; 143 mô hình nuôi 906 con trâu, bò; 4 mô hình nuôi 267 con lợn; 1 mô hình nuôi 115 con dúi. Mô hình khai thác mật ong rừng được triển khai tại 4 bản vùng cao: Huổi Hậu, Pá Sóng, Phiêng Phả, Đán Én, với 88 hộ dân đang khai thác 2.188 tổ ong, sản lượng gần 6.000 kg mật/năm, tổng thu nhập gần 500 triệu đồng.
Chiềng Lao bây giờ có 247 lồng cá được nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng bình quân đạt 6 tạ cá thương phẩm/lồng; hơn 293 ha cây ăn quả các loại, năng suất bình quân 6-7 tấn/ha quả xoài, nhãn và 12-13 tấn/ha quả chuối; trên 46.000 con gia súc, gia cầm... Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,33% năm 2019 xuống còn 33,67% năm 2020; xã đã đạt 14/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ với chúng tôi về nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế trong thời gian tới, đồng chí Quàng Thị Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Lao, cho biết: Đảng ủy chỉ đạo UBND xã và các tổ chức đoàn thể phối hợp với ban quản lý các bản hướng dẫn nhân dân tiếp tục phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La theo hướng liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác xã, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, tạo sản phẩm an toàn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng xây dựng trang trại, chăn nuôi tập trung, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế; tận dụng diện tích ruộng bán ngập trồng cây màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập...
Dù cuộc sống hôm nay của người dân Chiềng Lao còn khó khăn, vất vả, nhưng với sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ, chính quyền và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân trong xã, chúng tôi tin, tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành vùng quê trù phú và cuộc sống của người dân no ấm, tiến bộ.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-chieng-lao-40985