Về chuyến phà cuối cùng trên rạch Gò Công
Chúng tôi có dịp đi trên chuyến phà nối đôi bờ xã Bình Xuân (TX. Gò Công) trên sông Gò Công, người dân trong vùng hay gọi là rạch Gò Công vào ngày 5-10. Những chuyến phà của hôm nay mang lại cho bao người nhiều cảm xúc. Bởi đến 12 giờ, những chuyến phà này đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mấy mươi năm, chính thức khép lại để nhường chỗ cho cầu Bình Xuân vừa được thông xe.
Nhìn vào chặng đường đã qua, những chuyến phà qua rạch Gò Công cũng đã lớn lên từng ngày. Người dân trong vùng kể lại với chúng tôi rằng, xưa bà con muốn qua bên kia phải đi xuồng chèo, rồi đến đò máy, nay là phà sắt. Trong ký ức của người dân vùng đất Anh hùng này, từ ngày thành lập làng Bình Xuân năm 1780 (đến nay tròn 240 năm), con rạch Gò Công đã ngăn cách đôi bờ.
Chuyến phà cuối cùng qua rạch Gò Công.
Rạch Gò Công xưa là thủy lộ chính lưu thông huyết mạch của sinh hoạt xứ Gò Công đi các nơi và cũng là đường ngăn bước tiến của giặc ruồng bố trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, khi Bình Xuân bên kia sông là căn cứ địa cách mạng. Xưa thuận lợi, nhưng từ ngày hòa bình lập lại đến nay đã 45 năm, việc ngăn cách của rạch Gò Công có nhiều khó khăn cho sinh hoạt, đi lại cho nhân dân trong và ngoài xã Bình Xuân… rộng hơn là đường tắt từ vùng Gò Công Tây, Chợ Gạo về TP. Hồ Chí Minh. Vì lẽ đó, người dân xã Bình Xuân mơ ước có được một cây cầu bắt ngang để nối nhịp đôi bờ.
Và nay, niềm mơ ước đó đã thành hiện thực.
Với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Tiền Giang nói riêng muốn qua sông phải lụy đò. Nhiều bến phà, đò ngang, đò dọc vốn dĩ tồn tại hàng mấy mươi năm trên chính vùng đất với đặc thù sông nước này. Những chuyến phà qua lại cũng đã rất quen thuộc với bao thế hệ người dân. Nhưng giờ đây những bến đò dọc, đò ngang đã dần được thay thế.
Người dân vui mứng qua cầu Bình Xuân ngày thông xe 5-10-2020.
Trong hành trình phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Tiền Giang nói riêng đã có nhiều chuyến phà hoàn thành nhiệm vụ lịch sử hàng trăm năm để nhường chỗ cho những chiếc cầu được xây mới. Đó là phà Mỹ Thuận, Rạch Miễu qua sông Tiền; mới đây là phà Ngũ Hiệp qua sông Năm Thôn và gần nhất là phà Bình Xuân… Trong chặng đường mới, nhiều cây cầu khác tiếp tục được xây mới, điều này đồng nghĩa là những bến phà tiếp nối đi vào dĩ vãng.
Đất nước ngày càng phát triển, nhịp sống hiện đại đòi hỏi những đổi thay, năng động. Những chuyến phà dần trở thành ký ức của bao thế hệ người dân vùng sông nước; đó là những ký ức đẹp, bởi nó gắn liền với cuộc sống bao đời của người dân trong vùng. Những chiếc cầu mới được hình thành sẽ tiếp tục nối nhịp cuộc sống, văn minh hiện đại hơn, thể hiện sự phát triển vươn lên của mỗi địa phương, của đất nước.
Bình Xuân hôm nay đã khác xưa, cuộc sống người dân từng ngày thay da đổi thịt. Những chiếc phà sắt đã chính thức khép lại để Bình Xuân tiếp tục bước lên những “chuyến phà” khác. Đó là “chuyến phà” của sự đổi mới, đi lên, để tiếp bước truyền thống vẻ vang của vùng đất Anh hùng…