Về Côn Sơn

Khung cảnh thanh tịnh ở chùa Côn Sơn. Ảnh: MINH NGUYỆT

Côn Sơn - một trong ba trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm - cũng là nơi thờ Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Mỗi lần đến với danh sơn huyền thoại của miền “địa linh, nhân kiệt” Chí Linh (tỉnh Hải Dương), lòng dâng lên bao cảm xúc…

Nơi lan tỏa tư tưởng yêu nước thương dân

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”

Là một trong ba trung tâm của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, chùa Côn Sơn thờ các đức Phật và tam tổ Trúc Lâm: Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền nhập thế gắn đạo với đời, vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần. Sau khi lãnh đạo quân dân ta 2 lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược và giành thắng lợi rực rỡ, nhà vua xuất gia, tu tại núi Yên Tử và sáng lập Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Bên cạnh tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là tổ thứ hai và thứ ba: Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang.

Bài Côn Sơn ca của người anh hùng lỗi lạc ngân lên trong tâm tưởng khi chúng tôi trở lại Côn Sơn vào một ngày đông se se lạnh, nắng vàng rải nhẹ khắp rừng thông. Dân địa phương nói rằng cây thông tượng trưng cho khí tiết của người quân tử và gắn với Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Sau khi về sống ở đây, Quan Đại tư đồ cho trồng rất nhiều thông trên núi Côn Sơn, còn phu nhân cho trồng cây thanh hao dưới chân núi. Thông và thanh hao là những loại cây gắn với vùng danh sơn huyền thoại này.

Đền thờ Nguyễn Trãi là một công trình trọng điểm trong khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn. Để vào đền, khách hành hương đi qua cây cầu đá bắc ngang suối Côn Sơn. Đền gồm đền thờ chính, tả vu, hữu vu, nghi môn nội, nghi môn ngoại, nhà bia…Đền chính có 3 tòa: tiền tế, trung từ và hậu cung. Tượng Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được thờ tại hậu cung, hai bên thờ thân phụ và thân mẫu của người. Bên trái đền là dãy núi Ngũ Nhạc, bên phải là núi Kỳ Lân. Dòng suối Côn Sơn rì rầm cạnh đền, và những câu thơ của vị anh hùng lỗi lạc như vọng về trong tiếng suối.

Đền thờ Nguyễn Trãi được khánh thành vào năm 2002, nhân kỷ niệm 560 năm ngày mất của nhân vật lịch sử lỗi lạc. Đây là một công trình văn hóa tâm linh tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, để tư tưởng yêu nước thương dân của ông luôn ngời sáng và lan tỏa.

Phía trên, bên trái đền thờ Nguyễn Trãi là đền thờ Trần Nguyên Hãn - đại công thần nhà Lê, em con cậu ruột của Nguyễn Trãi. Trên nữa là đền thờ Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của danh nhân Nguyễn Trãi, người đã nuôi dạy Nguyễn Trãi trưởng thành.

Bia “Thanh thư động” - bảo vật quốc gia. Ảnh: MINH NGUYỆT

Bia “Thanh thư động” - bảo vật quốc gia. Ảnh: MINH NGUYỆT

Ngôi chùa được trời ban phúc

Chùa Côn Sơn (tên chữ là Thiên Tư Phúc tự - ngôi chùa được trời ban phúc) được xây dựng dưới chân núi Côn Sơn vào thế kỷ thứ X và mở rộng quy mô vào thế kỷ thứ XIII. Ngôi chùa có hồ bán nguyệt, tam quan, điện thờ Phật, tòa Cửu phẩm liên hoa, tổ đường, hậu đường…, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của quốc gia. Nơi đây có 6 tấm bia được tạo dựng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ thứ XIX, ghi lại lịch sử của ngôi chùa, trong đó 2 tấm bia trên sân được công nhận là bảo vật quốc gia: bia “Thanh Hư động” và bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Bia “Thanh Hư động” được tạo dựng từ thời Long Khánh (1373-1377), là hiện vật độc bản lưu lại bút tích của vua Trần Duệ Tông. Khi đến đây thăm Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà vua ban tặng ba chữ “Thanh Hư động” và cho người khắc vào bia đá. Còn tấm bia hình lục lăng “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” được tạo dựng vào năm 1607, dưới thời Lê.

Chùa Côn Sơn gắn liền với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm (hình thành và phát triển rực rỡ dưới thời Trần). Năm 1330, thiền sư Huyền Quang, Đệ tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm, về trụ trì chùa Côn Sơn và cho xây dựng các công trình kiến trúc ấn tượng, đặc biệt là tòa Cửu phẩm liên hoa - một trong những tinh hoa của kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, là biểu tượng tối cao của cõi Niết Bàn. Đến thời Lê, thiền sư Mai Trí Bản cho trùng tu tòa Cửa phẩm liên hoa với 385 pho tượng. Vào thế kỷ thứ XIX, công trình kiến trúc độc đáo này không còn nữa.

Một góc cây Cửu phẩm liên hoa. Ảnh: YÊN LAN

Một góc cây Cửu phẩm liên hoa. Ảnh: YÊN LAN

Phục dựng tòa Cửu phẩm liên hoa

Năm 2012, Ban quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật tại vị trí sân sau Phật điện chùa Côn Sơn để tìm lại nền móng của tòa Cửu phẩm liên hoa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy 2 lớp nền móng kiến trúc của tòa Cửu phẩm liên hoa ở thời Trần và thời Lê. Từ kết quả khai quật này cùng với các tư liệu, văn bia, tòa Cửu phẩm liên hoa đã được phục dựng trong 2 năm 2015-2016, với 250m3 gỗ lim, 15m3 gỗ vàng tâm, hàng trăm mét khối đá xanh Thanh Hóa và hàng ngàn viên gạch ngói được chế tác theo kiểu cổ. Đây là công trình kép, gồm nhà phẩm và cây phẩm. Cây phẩm cao gần 10m, có 8 mặt tượng trưng cho 8 hướng, 9 tầng tháp hoa sen, mỗi tầng chạm 3 lớp cánh sen… Trên cây phẩm nặng gần 10 tấn này bài trí tổng cộng 217 pho tượng Phật, đều được tạc bằng gỗ thếp vàng. Riêng 8 đầu rồng được tạc bằng đồng nguyên khối để làm tay vịn quay cây phẩm. Cột chịu lực được làm bằng gỗ lim, đường kính gần 1m, gắn với ổ bi ở bên dưới.

Từ trên cao nhìn xuống, tòa Cửu phẩm liên hoa như một đóa sen với 3 lớp cánh hoa mãn khai, tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong không gian thanh tịnh chốn tùng lâm Côn Sơn.

Chị Nguyễn Thị Thu Dung, thuyết minh viên Ban quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Côn Sơn là một trong bốn tòa Cửu phẩm liên hoa hiện có trong cả nước (tỉnh Hải Dương có ba tòa, tỉnh Bắc Ninh có một tòa tại chùa Bút Tháp).

Về Côn Sơn - nơi lưu bao dấu tích của người xưa, lòng dâng lên cảm xúc…

NGỌC LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/233670/ve-con-son.html