Về cụm bản Ba Nhất

Vùng đất Thuận Châu, nơi có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Những tấm biển 'Di tích lịch sử cầu Nà Hày, bản Ba Nhất', xã Thôm Mòn đã đưa chúng tôi tìm về cội nguồn.

Một góc cụm bản Ba Nhất hôm nay.

Một góc cụm bản Ba Nhất hôm nay.

Chúng tôi đến bản Nà Hày khi màn sương sớm và khói bếp còn lơ lửng trên những mái nhà sàn. Tiếp chúng tôi, Trưởng bản Quàng Văn Thiện cho biết: Ba Nhất là tên của cụm 3 bản Nà Hày, bản Lụa, bản Nong Quang. Theo lời kể lại của những người già, trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong thời kháng chiến chống Mỹ, nhân dân cụm bản Ba Nhất đã có nhiều đóng góp về lương thực, thực phẩm và tích cực lao động sản xuất, HTX Ba Nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Để hiểu rõ về bản Ba nhất, chúng tôi tìm gặp cụ Lò Văn Piếng, năm nay đã 89 tuổi, từng là Trưởng bản Lụa năm xưa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn 5 gian, khang trang, ông Piếng giọng đầy tự hào kể lại: Trước đây, bản Lụa chỉ có 17 hộ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vận động người dân trong bản quyên góp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch, mỗi hộ góp đủ 30 kg thịt lợn/năm và nhiều thóc, gạo; riêng gia đình tôi góp thêm cho bộ đội một con trâu. Bên cạnh đó, các bản còn làm tốt công tác vận động thanh niên đi bộ đội và đã có hàng chục thanh niên lên đường nhập ngũ.

Nhấp ngụp trà, cụ Piếng kể tiếp: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giặc Mỹ tập trung đánh bom vào cầu Nà Hày- cây cầu nằm trên con đường huyết mạch quốc lộ 6, bắc ngang qua con suối Muội, đây là đoạn đường nằm ở vị trí giữa hai ngọn núi, nếu bị phá hỏng thì giao thông sẽ ách tắc. Do bị đánh bom ác liệt nên bà con nhân dân phải sơ tán vào hang. Dứt tiếng bom, người dân cụm bản Ba Nhất lại cùng bộ đội, công nhân giao thông nhanh chóng sửa đường, sửa cầu đảm bảo giao thông thông suốt. Ban ngày giặc Mỹ ném bom, ban đêm chúng tôi lại vận động bà con ra đồng sản xuất, đảm bảo người dân không bị đói và có lương thực ủng hộ kháng chiến.

Để tìm hiểu về HTX Ba Nhất năm xưa, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Quàng Văn Né là kế toán HTX, ông Né cho biết: Năm 1965, tiến hành hợp nhất 3 bản Nong Quang, bản Lụa, Nà Hày thành lập HTX Ba Nhất, khi đó, mỗi bản có khoảng 15 con trâu, tập trung cày, bừa; người dân tích cực chặt cây chó đẻ ủ làm phân xanh bón cho lúa. Về thủy lợi, HTX vận động nhân dân tích cực làm phai chặn con suối Muội để dẫn nước về cho đồng ruộng. Cơ cấu giống chủ yếu là nếp tan trồng vụ chiêm, vụ mùa thì trồng lúa tẻ dòng 47, I1, với diện tích khoảng 30-40 ha. HTX luôn cho năng suất cao và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; về cá nhân thì có 4 người được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương. Trong đó, bản thân tôi được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; ông Lò Văn Piếng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì...

Phát huy truyền thống cách mạng, bà con nhân dân cụm bản Ba Nhất hôm nay luôn tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Con đường nội bản, các ngõ xóm đã được đổ bê tông, dọc theo quốc lộ 6, những ngôi nhà xây kiên cố nhiều tầng với nhiều hàng quán, dịch vụ.

Hiện nay, cụm bản Ba Nhất có 244 hộ. Bà con duy trì thâm canh gần 30 ha lúa 2 vụ, năng suất bình quân đạt 5,6 tấn/ha; cây cà phê là cây chủ lực, với tổng diện tích hơn 60 ha, đạt năng suất 7-8 tấn/ha… Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân cụm bản Ba Nhất đã từng bước được cải thiện. 100% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm, hiện chỉ còn 7,8%.

Anh Quàng Văn Phương, Trưởng bản Lụa dẫn chúng tôi đi thăm bản trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, dẫn đến những ngôi nhà kiên cố, khang trang, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt... được đầu tư đồng bộ. Dừng chân tại cửa hàng cung ứng phân bón của chị Tòng Thị Lan, chị chia sẻ: Gia đình tôi mở cửa hàng được 4 năm, chủ yếu cung ứng phân bón cho bà con, năm nay đã cung ứng hơn 50 tấn, thu nhập gần 200 triệu đồng. Còn anh Lò Văn Tài cho biết: Gia đình tôi duy trì thâm canh 1.600 m2 ruộng lúa 2 vụ, với cơ cấu giống chủ yếu là nếp 68, thu hoạch được gần 2 tấn thóc/năm.

Trước khi chia tay cụm bản Ba Nhất, chúng tôi được ông Quàng Văn Né dẫn đi thăm di tích lịch sử Cầu Nà Hày, chúng tôi cảm nhận thêm về những năm tháng hào hùng của người dân cụm bản Ba Nhất đã cùng bộ đội quyết tâm bảo vệ cầu, đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Phát huy truyền thống cách mạng, tin tưởng rằng, người dân cụm bản Ba Nhất tiếp tục xây dựng cụm bản ngày càng giàu đẹp.

Quàng Hưởng

(ghi theo lời kể của các nhân vật)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-cum-ban-ba-nhat-27671