Về đất Tổ, xem nông dân làm giàu với những mô hình tiền tỷ
Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều năm nay, người dân huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các cây trồng thế mạnh vào sản xuất, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trong khi nhiều lao động chọn hướng thoát ly ra thành phố lập nghiệp, một số thanh niên ở xã Thu Cúc đã chọn hướng khởi nghiệp tại quê hương. Họ đã tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương để sản xuất và phát triển kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền như: Mật ong Tân Sơn, chè Nàng Cúc, rượu Mường Cúc...
Làm giàu trên quê hương
Một trong những điển hình nổi bật nhất trong phong trào khởi nghiệp làm giàu ở Thu Cúc là anh Hà Văn Sao sinh năm 1992, hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc.
Năm 2017, khi tròn 25 tuổi, anh Sao tình cờ được biết và tiếp cận với chương trình hỗ trợ học nghề sản xuất nông nghiệp an toàn cho đoàn viên thanh niên ưu tú của Huyện đoàn Tân Sơn. Kết thúc lớp học, anh Sao đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất thực phẩm sạch, mang đậm phong cách đồng quê.
Không chỉ tự làm giàu cho bản thân, anh Sao đã chủ động bắt tay cùng 13 cộng sự để thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương.
HTX đi vào hoạt động đã góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp theo tổ, nhóm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
“Chỉ với 3 mô hình là thu gom, xử lý rác thải; kinh doanh buôn bán các sản phẩm chè, mật ong, dược liệu; cung cấp các loại cây giống, vật nuôi cho bà con nhân dân cũng đã tạo việc làm cho gần 40 lao động, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng”, anh Sao nói.
Tương tự, năm 2012, anh Đặng Quang Tiệp ở khu Đồng Than, xã Thạch Kiệt là hộ tiên phong trồng cây có múi và đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay tại quê hương.
Đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ
Anh Tiệp chia sẻ: “Để xem cây có múi có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng hay không, gia đình tôi lấy mẫu đất và đưa đi phân tích. Sau đó, tôi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình trồng ở các tỉnh và tham dự nhiều lớp tập huấn trồng, chăm sóc cam, quýt... Trồng bưởi, cam, quýt không khó, nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, có như vậy cây mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon”.
Hiện nay, gia đình anh Tiệp có gần 10ha cây ăn quả, trong đó có hơn 3ha cam lòng vàng ghép mắt trên thân bưởi, 3ha quýt ghép mắt trên thân cây ba lá. Mỗi khi vào chính vụ, cam có giá 20-25 nghìn đồng/kg, dịp giáp Tết quýt sẽ có giá 30-35 nghìn đồng/kg. Nhờ chất lượng thơm ngon nên khách tìm và đặt mua, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể thấy, những điển hình sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương trên địa bàn huyện Tân Sơn ngày càng nhiều. Để có được những kết quả này, thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kiểm tra công tác triển khai thực hiện kế hoạch, việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất ở cấp xã, thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của các tổ chức cá nhân.
Điển hình, đối với cây ăn quả, huyện thực hiện duy trì trên 400 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 150 ha bưởi, 35 ha cam, quýt, còn lại là các cây ăn quả khác; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu.
Trong đó, có mô hình trồng bổ sung, ghép cải tạo 6 ha cam, quýt và cấp chứng chỉ VietGap cho 15ha cây ăn quả đã có tại xã Thu Cúc và xã Kiệt Sơn theo Nghị quyết 06/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND huyện.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có hơn 10 ha cam, quýt ghép trên thân bưởi, ba lá đang sinh trưởng phát triển tốt. Bước đầu sản xuất mang lại hiệu quả, thể hiện sự năng động, dám nghĩ, dám làm của bà con đồng bào dân tộc trong tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tiếp tục nhân rộng để tăng thu nhập, dần nâng cao đời sống người dân.
Khẳng định hướng đi bền vững
Đặc biệt, những năm qua, huyện Tân Sơn đã tích cực khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc ít có tiềm năng, kém hiệu quả để trồng các cây ăn quả có giá trị; hỗ trợ sản xuất theo quy trình GAP cho các trang trại, HTX, tổ hợp tác có diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng cây có múi đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt 20 tấn/ha/năm, cho thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm. Trong đó, diện tích bưởi, cam, quýt tập trung chủ yếu tại các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn, Minh Đài, Văn Luông…
Chính những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp huyện Tân Yên đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo. Tính đến đầu năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm được 1,92%.
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn động viên, khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tuyên truyền, duy trì và nâng cao chất lượng, duy trì diện tích cây ăn quả hiện có.
Đặc biệt, huyện tập trung vào các loại cây có múi và một số diện tích cây trồng mới đưa vào trồng thử nghiệm và đạt hiệu quả tốt góp phần xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đưa các giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất; tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ.