Về đây sao cứ rưng rưng!
Tôi, nhà văn Trần Gia Thái cùng nhà báo Dương Văn Hiến của báo Thái Nguyên sau khi làm việc xong với anh Đỗ Xuân Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tại nhiệm sở có về xã Mỹ Yên theo lời mời của Chủ tịch xã Chu Thị Nhì.
Là tôi nghĩ đây cũng là dịp may vì anh Gia Thái cũng cần biết về nơi này. Chí ít anh ấy là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, lại gần gũi với giới văn nghệ sỹ tại Thủ đô, biết đâu đấy?(!)
Tại nơi này (Xóm Chòi, xã Mỹ Yên) các tên tuổi như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nam Cao… từng ở và làm việc.
Xe chúng tôi dán logo của Đài PT - TH Hà Nội, chạy theo hướng Tây. Trước mũi xe là dãy Tam Đảo sừng sững trải dài mấy chục cây số suốt từ Đèo Nhe thuộc đất Phổ Yên đến Núi Hồng cuối của Đại Từ. Xe qua xóm Bàn Cờ thuộc xã Hùng Sơn, nơi có di tích Quốc gia, nơi 72 năm trước, Bác Hồ cho công bố lấy ngày 27/7 hằng năm làm ngày để toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa với Thương binh - Liệt sỹ...
Dãy Tam Đảo mùa này mang màu xanh thẫm, trời trong veo. Ai đã đặt tên cho dãy núi là Tam Đảo? Đi ở phía sườn đông mạn Thái Nguyên sẽ nhìn rõ có 3 ngọn cao hẳn, ngọn cao nhất 1.143 mét. Anh Trần Gia Thái tỏ vẻ thích thú với cuộc đi, cứ hỏi liên tục. Điều này cũng thật dễ hiểu. Từ một phóng viên, biên tập viên của Đài PT-TH Hà Nội, 8 năm trời trước khi nghỉ hưu, làm Tổng giám đốc Đài kiêm nhiệm Phó Chủ tịch HNBVN, anh tối mặt với công việc, đặc biệt lo gồng gánh cho ngót nghìn người của Đài có lương xôm xôm và được lao động sáng tạo, anh chẳng có mấy lúc thư thái mà ngao du, lãng đãng mây chiều thế này...
Anh Thái bảo: Lao động nghề báo không rời được chữ sáng tạo, luôn mới. Sáng tạo được một chương trình hay đã khó, giữ được mà phải luôn hay còn khó hơn nhiều… Muốn thế lại phải trân quý tài năng, chăm lo cho họ thu nhập dù ngọ ngằn mấy cũng phải đủ sống…
Đường về Di tích.
Để giúp anh Gia Thái thoát ra khỏi sự đau đáu nghề nghiệp, tôi chỉ cho anh đỉnh ngọn núi Quạt Nan cao vời trước mặt và kể: Quạt Nan, đỉnh núi gần như cao nhất của sườn đông Tam Đảo, chủ yếu nằm trong địa phận huyện Đại Từ. Những năm Mỹ dùng chiến tranh phá hoại miền Bắc, máy bay giặc từ căn cứ Utapao, U đon (Thái Lan) khi vào vùng trời Thái Nguyên, Hà Nội bay vọt qua đỉnh Quạt Nan, thường bay thấp dưới núi để tránh ra đa, trút nhanh bom rồi hoảng loạn bay về. Nhưng cũng vì thế máy bay địch bị không quân, tên lửa ta đón đánh, cháy, rơi vô số... Đỉnh Quạt Nan cũng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của không quân ta. Đó là vào ngày 30/4/1971, một máy bay Mic 21U do 1 huấn luyện viên Liên Xô tên là YuriPoyarkov và 1 phi công trẻ Việt Nam tên Công Phương Thảo đã hy sinh nơi đỉnh ngọn núi…
Dòng suối trong vắt từ đỉnh Tam Đảo đổ về.
Muốn đến được nơi chúng tôi cần đến là Di tích nơi đóng trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ, Nhà Xuất bản Văn nghệ và Trường Văn nghệ nhân dân… trong kháng chiến chống Pháp, xe chúng tôi phải chạy 4 - 5 cây số men theo chân núi Tam Đảo. Di tích nói trên là một điểm nhấn quan trọng của báo chí, văn nghệ kháng chiến, chính vì vậy, việc tìm đến nơi này với chúng tôi là hết sức cần thiết.
Sườn Đông Tam Đảo bắt đầu từ những ngọn núi thấp của vùng Sóc Sơn, Hà Nội vươn dần lên khu vực đèo Nhe xã Quân Chu, Cát Lê, Ký Phú, Văn Yên, Mỹ Yên rồi tiếp giáp với Tuyên Quang tại núi Hồng, Đèo Khế. Theo tài liệu lịch sử từ đầu những năm 1947, văn nghệ sỹ, cán bộ, bộ đội đi theo kháng chiến thường hành quân tiến theo con đường này để đến với trung tâm ATK đóng tại Định Hóa, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Giới văn nghệ thường đóng quân gần hậu phương, chính vì thế, xóm Chòi, xã Mỹ Yên có địa thế núi rừng hiểm trở tiến thoái đều tiện nên cơ quan văn nghệ kháng chiến đóng ở đây. Không riêng Tạp chí Văn nghệ (tiền thân của Báo Văn nghệ) mà có tới 04 cơ quan (như đã nói ở trên) đóng quân và được sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Những tên tuổi lớn, một số tác phẩm có giá trị của văn nghệ kháng chiến cũng được viết, xuất bản tại nơi này. Trong bức ảnh chụp kỷ niệm được lưu lại cho đến nay thấy rõ sự có mặt của nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đào Vũ.v.v... Những tác phẩm như "Nhật ký ở rừng" của nhà văn Nam Cao, "Bên kia biên giới" của nhà văn Lê Khâm, "Trận Phố Ràng" của Trần Đăng hay Bộ tiểu thuyết 3 tập "Lưu lạc, Hoa lửa, Dải lụa" của nhà văn Đào Vũ,... cũng ra đời nơi này.
Nhà văn Trần Gia Thái và Nhà báo Phan Hữu Minh bên khu Di tích.
Bia Di tích được xây dựng sơ sài, tấm bia khắc chữ đơn giản có lời chú thích khó đọc, mờ mịt, bụi đất lấm láp trên lưng chừng đồi cạnh nhà dân đó là gia đình bà Tạ Thị Vệ, năm nay 96 tuổi cũng là người chứng kiến các hoạt động của cơ quan văn nghệ thời đó. Một cảm giác ngậm ngùi trong chúng tôi và câu hỏi được đặt ra là vì sao một điểm di tích lịch sử quan trọng như vậy lại chưa được quan tâm đầu tư ngang tầm vóc của nó? Nằm ngay chân Tam Đảo, không khí dịu mát, trong lành, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm để nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử mà còn là chốn đi về của văn nghệ sỹ…
Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên Chu Thị Nhì cho biết:
Là xã ATK, xã Anh hùng, nhân dân Mỹ Yên tự hào vì chính quê hương mình trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ là nơi đóng quân của rất nhiều cơ quan, đơn vị. Trong khánh chiến chống Pháp, An Dưỡng Đường số 2 được thành lập năm 1947 nằm tại xóm Đồng Cháy, được gia đình cụ Đặng Văn Ẩm hiến nhà, hiến ruộng, trâu bò, thóc lúa để nuôi thương binh tại An Dưỡng Đường. Đến nay cũng chưa hề được ghi danh nơi có hoạt động ý nghĩa ấy. Chính bà Tạ Thị Vệ hiện ở liền kề Di tích Hội Văn nghệ cũng là một phụ nữ đi đầu trong phong trào nhận nuôi dưỡng và kết hôn với thương binh. Lúc bấy giờ phụ nữ xã Mỹ Yên có mấy chục chị em lấy thương binh làm chồng. Bệnh viện 354 của Quân đội, nhiều đơn vị quân giới, phụ nữ cứu quốc lấy Mỹ Yên làm địa điểm đóng quân thời chống Pháp. Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đóng quân tại xã trong những năm tháng chống Mỹ…Mỹ Yên luôn là địa phương gương mẫu xưa và nay.
Về đây sao cứ thấy có gì đó xót xa, rưng rưng! Hình như chúng ta còn nhiều thiếu sót với tiền nhân, với lịch sử ./.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-day-sao-cu-rung-rung-post68368.html