Buôn Akŏ Dhông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) có diện tích 62,3ha với 247 hộ dân, được xem là buôn làng đẹp nhất ở Đắk Lắk. Buôn AKô Dhông theo tiếng Ê đê có nghĩa là "đầu nguồn", được lập ở thượng nguồn của 6 dòng suối: Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M'nung và Ea Nuôl.
Vào những năm 50 thế kỷ trước, già làng Ama H’rin đã đưa một số hộ dân ở huyện M’Đrắk lên đây định cư. Đến nay, buôn Akõ Dhông có 32 ngôi nhà dài truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ.
Buôn Akŏ Dhông là điểm đến của nhiều du khách để tìm hiểu văn hóa đặc sắc của người Êđê và vẻ đẹp, sự bình yên của buôn trong lòng thành phố.
Người dân trang trí đá, cây xanh bên đường, trước cổng để du khách ghé thăm, chụp ảnh miễn phí
Con đường được trang trí nhiều tượng điêu khắc bằng gỗ
Bao năm qua, những ngôi nhà sàn nơi đây vẫn vững chãi cùng mưa nắng Tây Nguyên. Trong ảnh: Khuôn viên nhà sàn Già làng Ama H'rin
Bên trong nhà Già làng Ama H'rin
Các linh vật, biểu tượng của người Êđê
Cổng vào của một gia đình có họa tiết khắc những hoạt động, điệu múa thường ngày của người Ê đê
Theo nhiều du khách, buôn Akõ Dhong rất yên bình, không khí trong lành
Nhà dài người Ê đê có 2 cầu thang, đó là cầu thang đực và cầu thang cái. Theo quan niệm của người Ê đê, mọi vật đều có linh hồn. Khi làm cầu thang, họ cúng Giàng (thần linh) để xin đấng bề trên cho phép và che chở để công việc suôn sẻ. Thợ được chọn làm cầu thang là những nghệ nhân có kinh nghiệm và giỏi nhất của buôn làng. Khi làm cầu thang, những người thợ kiêng cữ rất nghiêm ngặt.
Theo phong tục của người Ê đê, đàn ông trong gia đình bắt buộc phải đi cầu thang đực, còn cầu thang cái dành riêng cho phụ nữ. Cầu thang nhà dài thường có 5 hoặc 7 bậc. Người Ê đê quan niệm, số lẻ sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc và sự sung túc.
Bộ bàn ghế của một hộ dân ở trong buôn
Bếp trong gian nhà dài của người Ê đê
Ông Nguyễn Minh Thắng (58 tuổi, du khách đến từ TPHCM) cho biết, hiếm có một buôn đồng bào Ê đê nào ở Tây Nguyên còn rất nhiều những ngôi nhà dài cổ, những vật dụng hằng ngày của người Ê đê được trưng bày như buôn Akõ Dhong. Khám phá buôn cổ, du khách rất thích thú và mong muốn trở lại để tìm hiểu kỹ hơn văn hóa của người Ê đê.
Bà H Min Niê (40 tuổi) cho biết, trong buôn có nhiều người gắn bó với nghề dệt truyền thống nên luôn muốn mang nét văn hóa truyền thống này giới thiệu đến nhiều du khách trong và ngoài nước, quảng bá cũng như góp phần bảo tồn cho thế hệ sau này.
Hiện nay, buôn Ako Dhông có 247 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó có 64 hộ Ê đê với 317 nhân khẩu; 32 ngôi nhà dài truyền thống. Tại buôn Ako Dhông, ngoài những người dân sinh sống từ thời lập buôn, còn có những người nơi khác đến lập nghiệp, mở dịch vụ du lịch, nhà hàng.
Khi dạo quanh buôn, du khách có thể ghé các sạp bán trái cây, rau rừng của người Ê đê.
Trong dòng chảy nhộn nhịp của đô thị, buôn Ako Dhông mang dáng dấp riêng với khung cảnh yên bình, vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Bên cạnh những kiến trúc cao tầng, bà con vẫn luôn gìn giữ những ngôi nhà dài. Nhà dài không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Ê đê. Căn nhà được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất nên có huyền thoại nhà dài như tiếng chiêng ngân. Trong không gian ấy, đêm đêm đại gia đình quây quần sum vầy bên bếp lửa. Phụ nữ dệt vải; người già kể sử thi, các lễ nghi, tập tục của người Êđê được thể hiện. Mất nhà dài coi như mất hồn cốt người Ê đê.
Khả Hưng