Vẻ đẹp của phụ nữ da đen được tái hiện trong tác phẩm điêu khắc kim loại tuyệt đẹp từ nghệ sĩ người Nigeria

Theo hãng CNN, tôn vinh vẻ đẹp của 'phụ nữ da đen và bảo vệ môi trường vì một tương lai sạch - không lãng phí' là tác phẩm của nhà điêu khắc kim loại và nghệ sĩ thị giác người Nigeria Dotun Popoola.

Tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ da đen trên thế giới

Trong thời gian dài, nghệ sĩ Popoola luôn sáng tạo một tác phẩm gây ấn tượng riêng bằng cách biến kim loại phế liệu thành những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc về động vật và con người, giải quyết các vấn đề bao gồm quản lý chất thải và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế.

Dotun Popoola cho biết tác phẩm “Irinkemi Asake” được lấy cảm hứng từ vợ anh, Adeola, người trong ảnh. Ảnh: Dotun Popoola.

"Nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ việc sử dụng các vật liệu bỏ đi từ xe máy, má phanh, thanh chống ô tô, bu lông, đai ốc và các bộ phận máy phát điện, tất cả đều là những đồ dùng không còn sử dụng được nữa và thành vật liệu cho tác phẩm sáng tạo", ông Popoola nói thêm.

Đặc biệt, tác phẩm điêu khắc gần đây nhất của ông Popoola cao 12 foot, nặng 882 pound, mô phỏng phần đầu và cổ của người phụ nữ da đen châu Phi, đặc biệt lấy cảm hứng từ vợ ông.

Với tên gọi "Irinkemi Asake" - tạm dịch là "kim loại đã nâng cao cuộc sống của tôi" trong ngôn ngữ Yoruba, tác phẩm đã được trưng bày tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế Artmiabo ở Lagos.

Được tạo nên từ hơn 4.000 con bướm kim loại nhỏ, làm thủ công hàn và cắt bằng tay riêng lẻ, tác phẩm điêu khắc đều được làm từ kim loại bỏ đi, ống mạ kẽm, phụ tùng ô tô, thép không gỉ và sắt rèn, đồng thời được phủ một lớp chống gỉ và chống tia cực tím.

"Tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của phụ nữ da đen trên khắp thế giới", ông Popoola nói về tác phẩm của mình.

Ông Popoola mô tả: "Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy những đường cong duyên dáng, vẻ đẹp nguyên sơ và sức mạnh bẩm sinh của một phụ nữ da đen. Và tác phẩm cũng tượng trưng cho nỗi đau mà những phụ nữ da đen đã phải trải qua. Mỗi mảnh vụn và những con bướm như đang kể một câu chuyện về những khó khăn phải chịu đựng và những rào cản vượt qua của họ. Mọi thứ bạn nhìn thấy trong tác phẩm điêu khắc đều nhằm mục đích làm nổi bật vẻ đẹp của một phụ nữ da đen. Phụ nữ tạo ra cuộc sống của chúng ta, họ cho chúng ta cuộc sống và họ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa".

Sức lan tỏa của tác phẩm

Trong vòng chưa đầy 24 giờ kể từ khi ra mắt tác phẩm điêu khắc trên Instagram vào đầu năm nay, nghệ sĩ Popoola đã nhận được hơn 50.000 người theo dõi từ khắp nơi trên thế giới.

"Tôi thậm chí còn nhận được một tin nhắn tuyệt vời từ Naomi Campbell. Sự ủng hộ của phụ nữ trên khắp thế giới đã khiến tôi rơi nước mắt vì sung sướng. Tôi biết mình đã làm đúng", ông Popoola nói thêm.

Ông Popoola cũng nhận được tin nhắn từ bà Tera DuVernay, phó giám đốc Bảo tàng Di sản ở thành phố Montgomery, Alabama.

"Bà Tera rất yêu thích tác phẩm điêu khắc và muốn biết làm cách nào để có thể đưa tác phẩm đến bảo tàng ở Alabama", Popoola nói.

Ông Popoola nhấn mạnh tôi đã có tác phẩm được trưng bày ở Dubai, Qatar, Ấn Độ và trên khắp thế giới. Tôi tự nhủ rằng mục đích tạo nên những tác phẩm giờ đây không phải là kiếm tiền mà sản phẩm của mình xứng đáng với danh hiệu cao nhất.

Bryan Stevenson, người sáng lập và giám đốc điều hành của Equal Justice Initiative, đơn vị thành lập Bảo tàng Di sản ở Alabama nhấn mạnh chúng tôi rất vui mừng khi có được tác phẩm điêu khắc đặc biệt của nghệ sĩ Dotun Popoola tại Công viên Điêu khắc Tượng đài Tự do.

"Công viên đang lưu lại những khoảnh khắc về người da đen trong quá khứ nhưng cũng thể hiện sự kiên cường, dũng cảm và yêu thương cộng đồng của họ. Tác phẩm của ông Popoola sẽ được đặt tại vị trí thuận lợi tại công viên của chúng tôi vì đã thể hiện xuất sắc sức mạnh, vẻ đẹp và sự tháo vát của những phụ nữ da đen", ông Bryan Stevenson nói thêm.

Truyền cảm hứng nghệ thuật tới thế hệ trẻ

Tác phẩm là một thành tựu đỉnh cao đối với nghệ sĩ Popoola, người có năng khiếu nghệ thuật nổi lên từ khi còn trẻ - khi đó sản phẩm của ông vẫn rất độc đáo.

"Những khám phá sáng tạo thời thơ ấu luôn khiến tôi gặp rắc rối. Bố tôi có một chiếc ghế da rất đẹp trong nhà của chúng tôi. Tôi nhớ mình đã sử dụng một lưỡi dao cạo sắc bén để khắc hoa văn lên vật liệu khi tôi lên 9 tuổi", ông nói.

Để nuôi dưỡng niềm đam mê của con trai, cha của Popoola từng đăng ký cho ông vào một lớp nghệ thuật nơi anh được dạy vẽ và điêu khắc, sau đó anh theo học tại Đại học Obafemi Awolowo ở Nigeria để học điêu khắc để lấy bằng thạc sĩ và hoàn thành vào năm 2014.

"Tác phẩm đã trở thành ngôn ngữ hình ảnh của tôi. Tôi cảm thấy như thể mình đang làm công việc của một nhà bảo vệ môi trường, một nhà hoạt động và một nghệ sĩ cùng một lúc. Nghệ thuật phải là chất xúc tác cho sự thay đổi, một công cụ để kiểm tra cảnh quan văn hóa xã hội của chúng ta, một phương tiện tái cấu trúc và một hình thức phản đối sự suy thoái môi trường", nghệ sĩ Popoola nói.

Để truyền bá sứ mệnh, ông Popoola đã mở Bảo tàng Nghệ thuật Phế liệu , tập trung vào việc nuôi dưỡng tài năng trẻ trên khắp Châu Phi. Bảo tàng - có trụ sở tại Bang Osun, Tây Nam Nigeria và được trang trí bằng nghệ thuật 3D từ vật liệu tái chế - đào tạo các nhà sáng tạo trẻ và truyền cảm hứng đóng góp vào cộng đồng nghệ thuật địa phương.

Ông cũng thuê người dân địa phương thu thập kim loại cho bảo tàng và hứa hẹn sẽ mang lại cho họ thu nhập ổn định. Đối với ông Popoola, thành công là thước đo cho những nỗ lực của ông với tư cách là một nghệ sĩ.

"Tôi muốn kể câu chuyện thực tế bằng công việc của mình. Quan trọng nhất, tôi muốn nói với các nghệ sĩ trẻ hãy tiếp tục nuôi hy vọng. Nếu bạn tiếp tục làm những gì bạn đang làm, một ngày nào đó bạn sẽ tạo nên kỳ tích và cả thế giới sẽ dõi theo", ông Popoola nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ve-dep-cua-phu-nu-da-den-duoc-tai-hien-trong-tac-pham-dieu-khac-kim-loai-tuyet-dep-tu-nghe-si-nguoi-nigeria-20240507092938797.htm