Vẻ đẹp độc đáo từ những chiếc mặt nạ của người Dogon
Dogon (hay có tên gọi khác là Kaador, Kaado) là một bộ tộc bản địa sinh sống ở khu vực cao nguyên miền Trung Mali, gần thành phố Bandiagara của Mali. Dân số của bộ tộc Dogon hiện nay là khoảng 800.000 người. Người Dogon nổi tiếng với truyền thống tôn giáo, nghệ thuật tạo hình mặt nạ và các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ. Kể từ thế kỷ XX, khu vực người Dogon sinh sống là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn của Mali.
Theo những truyền thuyết lịch sử của người Dogon, bộ tộc có nguồn gốc từ bờ Tây sông Niger từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13. Sau đó, người Dogon di cư về phía Bắc Burkina Faso. Khoảng năm 1490, bộ tộc Dogon tiếp tục di cư và dừng chân ở khu vực gần thành phố Bandiagara.
Người Dogon chủ yếu trồng hành tây để tiêu thụ trong Mali và xuất khẩu sang Sudan. Họ cũng trồng kê và các loại cao lương, lạc (đậu phộng), sa nhân và sắn. Giống như rất nhiều người dân làm nông nghiệp ở châu Phi, đất đai đóng một phần quan trọng trong quan điểm tôn giáo của người Dogon. Người Dogon thường ngăn các thửa đất trồng bằng tường thấp. Việc phân chia đất dựa vào độ tuổi của đàn ông trong các ngôi làng, đàn ông lớn tuổi sẽ được nhận mảnh đất gần làng hơn. Kê được trồng sau trận mưa đầu tiên vào tháng 6 hoặc tháng 7, đến tháng 10 hằng năm là mùa thu hoạch. Hành tây thường được trồng trên đỉnh cao nguyên, hệ thống tưới tiêu sử dụng nước từ các hồ chứa nhỏ. Ở một số làng, nước uống ngày càng khan hiếm do mực nước ngầm giảm xuống, khiến người Dogon phải đào sâu giếng. Ngoài ra, người Dogon coi cây cối là nguồn tài nguyên quan trọng. Ví dụ như cùi và lá của cây bao báp được dùng làm thực phẩm và vỏ cây được sử dụng để làm dây thừng. Những cây nằm gần làng có thể thuộc quyền sở hữu của cá nhân hoặc gia đình người Dogon. Làm việc chăm chỉ giúp đàn ông Dogon trẻ tuổi được người lớn tuổi tôn trọng và có thể nâng cao vị thế của họ trong làng. Nam giới Dogon làm phần lớn các công việc nông nghiệp và chịu trách nhiệm chế tạo đồ dùng gia đình, xây dựng và bảo trì nhà cửa. Trong những năm có lượng mưa ít, những người đàn ông Dogon trẻ tuổi có thể đi đến các thị trấn gần làng để tìm việc làm thời vụ. Phụ nữ Dogon đảm nhiệm các công việc như gánh nước, giã kê, nấu bia và nhặt củi. Khi hoàn thành các công việc trên, phụ nữ Dogon có thể tham gia trồng trọt cùng nam giới trên cánh đồng.
Phần lớn các cuộc hôn nhân trong bộ tộc Dogon là một vợ một chồng, nhưng chế độ đa thê vẫn được chấp nhận trong văn hóa của người Dogon. Theo truyền thống, người vợ chỉ sống với gia đình của chồng sau khi sinh đứa con đầu lòng. Việc chọn vợ do cha mẹ của người đàn ông thực hiện. Phụ nữ Dogon có thể bỏ chồng sau khi kết hôn, nhưng nếu cặp vợ chồng đã có con, vấn đề ly hôn sẽ do hội đồng làng xem xét quyết định. Trong trường hợp ly hôn, người phụ nữ chỉ được quyền mang theo đứa con út và những người con còn lại vẫn thuộc gia đình của người chồng.
Điểm nổi bật trong số các nghi lễ của người Dogon đó là các điệu nhảy truyền thống với mặt nạ gỗ (hay còn gọi nghi lễ dama). Các vũ công thực hiện điệu múa thường là những thanh niên trẻ. Thời gian tổ chức nghi lễ dama vào tháng 4 hằng năm. Trước đó 1 tháng, để chuẩn bị cho nghi lễ, người Dogon sẽ bắt đầu chạm khắc và sơn mặt nạ mới, may trang phục và luyện tập múa.
Yếu tố ấn tượng nhất làm nên thần thái của vũ công là chiếc mặt nạ được buộc bằng các dải vải, cùng với vỏ sò và hạt trang trí trên mặt nạ. Bộ tộc Dogon có hơn 60 mẫu mặt nạ khác nhau tượng trưng cho thế giới của người sống và người chết; một số tượng trưng cho động vật hoặc con người, và một số khác miêu tả các sinh vật tâm linh hoặc các thuộc tính của con người. Mặt nạ được người Dogon cho là có chứa sinh lực bên trong cả con người và động vật, vì vậy phụ nữ Dogon không được chạm hoặc tiếp xúc với mặt nạ.
Các sự kiện được tổ chức trong phần đầu tiên của nghi lễ dama được giới hạn cho người trong làng. Các buổi biểu diễn công cộng sau đó được mở cho du khách từ các làng khác và người nước ngoài.
Hiện nay, một số ngôi làng của người Dogon đã xây nhiều nhà nghỉ dành cho khách du lịch tới khám phá cuộc sống của bộ tộc trên cao nguyên. Ngành du lịch đã giúp phát triển kinh tế tại các ngôi làng của bộ tộc Dogon – nơi nhiều người Dogon trẻ tuổi lựa chọn tham gia vào các ngành nghề du lịch của địa phương.