Vẻ đẹp hoang dã U Minh Thượng- vườn di sản rừng trên đất than bùn
Vườn quốc gia U Minh Thượng là một trong ba khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới, là Vườn di sản rừng trên đất than bùn đầu tiên của Đông Nam Á...
Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng được thành lập theo Quyết định 11/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 về chuyển hạng mục Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thành VQG U Minh Thượng.
Nằm trên địa bàn 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, VQG U Minh Thượng có tổng diện tích 21.107ha, trong đó, vùng lõi 8.038ha và vùng đệm 13.069 ha.
Năm 2006, VQG U Minh Thượng được UNESCO công nhận là một trong ba khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang.
Ngày 18/12/2012, Ban Thư ký ASEAN công nhận VQG U Minh Thượng là Vườn di sản của ASEAN, Vườn di sản thứ 5 của Việt Nam và là Vườn di sản rừng trên đất than bùn đầu tiên của Đông Nam Á.
Ngày 30/4/2015, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận VQG U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.
VQG U Minh Thượng có nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, tài nguyên động, thực vật rừng; bảo tồn các loài động thực vật rừng quý, hiếm đặc biệt là các nguồn gen nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học, học tập và phát triển bền vững.
Nơi đây cũng có nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch, các sinh cảnh tự nhiên, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và xã hội. Tổ chức lập quy hoạch, đề án, phương án, dự án bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái.
Do tính độc đáo của hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn đã hình thành sự phong phú của chuỗi dinh dưỡng tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển nguồn tài nguyên động vật hoang dã đa dạng phong phú với sự hiện diện của 32 loài thú, 184 loài chim, 50 loài bò sát lưỡng cư, 64 loài cá, 209 loài côn trùng.
Trong đó, có 54 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và danh mục IUCN (2021).
Theo thống kê từ năm 2016 đến năm 2021, lực lượng quản lý bảo vệ rừng VQG U Minh Thượng đã phát hiện, bắt giữ 65 vụ, 103 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Đã đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính 53 vụ, 63 đối tượng; xử lý hình sự 5 vụ, 11 đối tượng (1 vụ, 1 đối tượng tái phạm).
Từ khi thành lập (2014) đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG U Minh Thượng đã tiếp nhận 16 loài, với 1.417 cá thể; tái thả về môi trường tự nhiên 1.275 cá thể; tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 89,9%/năm; gây nuôi phát triển được 8 loài, với 298 cá thể.
Tuy nhiên, theo đại diện VQG này, tình trạng săn bắt động vật hoang dã vẫn còn xảy ra thường xuyên, phạm vi hoạt động của động vật hoang dã ngày càng giảm. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu; nhận thức của một số người dân sống gần rừng còn hạn chế nên còn vào rừng săn bắt động vật hoang dã, các loài động vật nguy cấp, quý hiếm gây áp lực đến tài nguyên rừng...
Trong khuôn khổ dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Liên minh Châu Âu tài trợ, cuối tháng 11/2022 tại Kiên Giang, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hội thảo tập huấn “Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã: Nguy cơ sức khỏe con người và hệ sinh thái”. Chương trình nhằm chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD).
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều phóng viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM đã có chuyến tham quan VQG U Minh Thượng và khảo sát tình hình buôn bán, tiêu thụ ĐVHD tại các chợ, nhà hàng ở Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ...