Vẻ đẹp lộng lẫy của các nhà thờ ở Hà Nội dịp Giáng sinh
Trong đêm Giáng sinh, nhiều nhà thờ tại Hà Nội được trang trí lung linh, rực rỡ sắc màu, thu hút nhiều đông đảo người dân và du khách đến tham quan.
Nhà thờ Cửa Bắc
Được ví là "bản giao hưởng" kiến trúc giữa lòng Hà Nội, nhà thờ Cửa Bắc là công trình tôn giáo độc đáo với sự pha trộn đặc biệt của phong cách thiết kế Á-Âu.
Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1925 (một số tài liệu cho là năm 1927) dưới thời linh mục Joseph-Antoine Dépaulis. Đến năm 1930, công trình cơ bản hoàn thành.
Về mặt kiến trúc, nhà thờ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một không gian đón tiếp nhỏ và một không gian long trọng dành cho việc cử hành thánh lễ, quen gọi là cung thánh.
Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm, bên phải có một không gian lớn đặt các bàn thờ kính Chúa và các thánh, bên trái là phòng thánh, quen gọi là nhà áo. Không gian nội thất được cấu tạo và trang trí hoàn toàn theo thiết kế nhà thờ châu Âu.
Kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard đã tạo ra không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với nhiều công trình Thiên chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm cẩn mà người Pháp thường xây dựng ở Việt Nam.
Nhà thờ Hàm Long
Giáng sinh năm nay, nhà thờ Hàm Long được trang hoàng lộng lẫy với những dãy đèn lấp lánh. Nơi đây được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư Doctor Thân, một kiến trúc sư người Việt từng du học ở Pháp. Nhà thờ Hàm Long được khởi công xây dựng vào tháng 12/1934 và hoàn thành vào ngày 7/5/1939.
Ngay từ khi khởi công xây dựng, nhà thờ đã được đánh giá cao về tính thẩm mỹ trong kiến trúc. Việc vận dụng các loại vật liệu có nguồn gốc trong dân gian đã để lại nhiều dấu ấn trong quá trình xây dựng công trình.
Kiến trúc sư Doctor Thân đã cho sử dụng giấy bản, rơm hồ vôi... để tạo nên các vòm cuốn. Đây là những vật liệu mang lại hiệu quả phản âm cực kỳ tốt, có chất lượng như một số thiết bị âm thanh hiện đại.
Ở cửa chính nhà thờ có bức phù điêu phía dưới gác chuông. Trên đó, khắc cây thánh giá với hai cánh tay đóng đinh trên thánh giá. Cánh tay không có áo là cánh tay của Chúa Jesus. Cánh tay có áo là cánh tay của thánh Phanxicô thành Assisi, đây là biểu tượng của dòng Phan sinh.
Nhà thờ Thái Hà
Nằm trên con phố Nguyễn Lương Bằng nhộn nhịp, nhà thờ Thái Hà khoác lên mình vẻ đẹp lung linh, huyền ảo trong mùa Giáng sinh. Nơi đây được trang trí lộng lẫy với những ánh đèn rực rỡ, hòa quyện cùng sắc màu tươi tắn của cỏ cây, hoa lá.
Ngay từ cổng vào, thiết kế lối đi lồng ghép trong con số 2024 được cách điệu đầy ấn tượng. Các tiểu cảnh về Chúa, về dịp Giáng sinh tại đây cũng được thiết kế tinh xảo, chuẩn bị công phu, mang đậm dấu ấn cộng đồng.
Nhà thờ Lớn
Từ đầu tháng 12, không khí Giáng sinh đã tràn ngập xung quanh khu vực nhà thờ lớn Hà Nội. Nơi đây được trang hoàng lấp lánh bởi hàng nghìn bóng đèn, quả châu và dây kim tuyến cùng cây thông khổng lồ cao vút.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách Gothic từ châu Âu, có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to, nặng ở bốn góc.
Công trình có bố cục mặt đứng đăng đối, chia làm 3 phần. Hai bên là hai tháp chuông cao vút lên, ở giữa là khối thấp hơn được kết thúc bằng đỉnh tường hình tam giác với cây thánh giá tạo thành điểm nhấn. Phần lớn các cửa ra vào và cửa sổ trên mặt đứng chính đều sử dụng kiểu vòm cuốn nhọn đặc trưng của phong cách Gothic.
Bên trong nhà thờ được trang trí bằng nhiều bức tranh kính màu và tượng thánh. Đây là nơi tổ chức nhiều nghi lễ tôn giáo và là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Về tổng thể, dù mang đậm lối xây dựng từ châu Âu, nhưng công trình lại có sự kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung, hệ thống trang trí nội thất đậm chất truyền thống Việt Nam.