Nhà thám hiểm kiêm nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ - Stefan Forster đã thực hiện 60 chuyến đi khám phá những nơi bí ẩn trong suốt 10 năm qua.
Ông có thể đi bộ trong nhiều tuần chỉ để chụp được 1 bức ảnh hoàn hảo. Và trong cuốn sách ảnh mới nhất của ông, mọi nỗ lực đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Cuốn sách ảnh của ông khiến cho mọi người sửng sốt trước các bức ảnh được chụp ở nơi xa xôi và đầy thử thách nhất trên Trái đất.
Trong lời mở đầu cho cuốn sách của mình, Forster viết:“Tôi chèo thuyền kayak dọc theo bờ biển phía tây Greenland, cắm trại trong các khu rừng của Alaska và Canada, leo lên miệng núi lửa mà không được phép, lạnh buốt vì sương giá hàng tháng trời chỉ để được nhìn thấy cực quang.
Hành tinh của chúng ta có vô số những điều tuyệt vời và vẻ đẹp vô song của thiên nhiên”.
Đây là hình ảnh cực kỳ ấn tượng của núi lửa Fagradalsfjall, Iceland. Forster nói:“Sự hùng vĩ và sức mạnh thực sự của ngọn núi lửa Fagradalsfjall chỉ có thể nhìn thấy rõ từ trên không. Bức tranh toàn cảnh này được ghép từ 22 bức ảnh riêng lẻ để mọi người có thể thấy được vụ phun trào này dữ dội như thế nào. Một lượng lớn dung nham chảy vào các thung lũng suốt 16 tiếng”.
Bức ảnh tuyệt đẹp về Bắc cực quang này được chụp ở Narsarsuaq, Greenland. Forster nhớ lại:“Thực sự mọi thứ đều hoàn hảo vào đêm đó. Thủy triều xuống mở ra một con đường dẫn đến tảng băng trôi, mặt biển là một tấm gương suốt giữa bầu không khí tĩnh lặng. Cực quang phát sáng ngay sau tảng băng. Đó có lẽ là hình ảnh cực quang đẹp nhất mà tôi được nhìn thấy trong đời”.
Trong cuốn sách, Forster thừa nhận đây có lẽ là bức ảnh hiếm nhất mà ông từng chụp trong đời. Ông giải thích:“Đây là trận mưa lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại các đụn cát Wolwedans ở Công viên Quốc gia Namib-Naukluft. Tôi đã có 8 chuyến đi đến Namibia trước khi gặp mưa”.
“Vị trí này ở Langisjor, một hồ nước trên cao nguyên Iceland, là nơi ẩn náu tôi rất thích. Tôi đã đi bộ ở đây trong nhiều tuần, cắm trại 1 mình trên đỉnh núi và nhìn ra xa”, Forster nói.
Hình ảnh này được chụp tại chỏm băng Vatnajokull ở Iceland. Forster nói:“Nhờ có chân máy ảnh và thời gian phơi sáng đủ lâu, tôi mới có thể chụp được thứ ánh sáng đầy mê hoặc chiếu qua các sông băng”.
Trong ảnh là hẻm núi Studlagil ở đông bắc Iceland. Forster giải thích:“Những hình ảnh đầu tiên về hẻm núi được hình thành bởi các cột đá bazan này được tung lên mạng cách đây vài năm. Các nhiếp ảnh gia đã bị mê hoặc bởi hình dạng siêu thực của chúng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vài năm sau, hẻm núi Studlagil trở thành một trong những địa điểm được chụp ảnh nhiều nhất ở đông bắc Iceland”.
Trong hình ảnh này, các tia nắng chiếu xuống hẻm núi Grand Canyon. Forster tiết lộ:“Hình ảnh này được chụp tại North Rim, ít khách du lịch hơn ở Grand Canyon. Những tia nắng xuyên qua mây mù là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong tất cả các hình ảnh xuất hiện trong khí quyển”.
Trong cuốn sách, Forster giải thích cách mình chụp được bức ảnh này ở Alaska như thế nào. Ông đã có một cuộc phiêu lưu đáng nhớ trong đời tại vùng đất này. “Tôi cùng với 1 chuyên gia về gấu nổi tiếng Thụy Sĩ - Remo Sommerhalder đã đi chơi với những con gấu xám ở Công viên Quốc gia Katmai trong 10 ngày. Bởi vì chúng tôi là những nhiếp ảnh gia đầu tiên bay đến những vịnh nhỏ bị cô lập này, sau mùa đông khắc nghiệt nên đã có cơ hội chụp lại khoảnh khắc hiếm có của những con gấu”.
Forster giải thích:“Nếu tôi lên kế hoạch chụp dải băng Greenland, tôi có thể đã mất nhiều năm để chờ đợi khoảnh khắc này”.
Hình ảnh này được chụp trên những ngọn đồi phủ đầy tuyết ở St Gallen, Thụy Sĩ. Forster tiết lộ:“Khi mùa đông đến, những ngọn đồi trập trùng của cao nguyên St Gallen biến thành những đụn tuyết trắng tuyệt đẹp. Mọi thứ kết hợp lại với nhau vào ngày bức ảnh này được chụp: Tuyết và sương mù dày đặc bao phủ 3 cái cây này”.
Theo Phan Hằng/Báo Giao thông