Nằm ở vùng ngoại ô của thành phố Nizhny Tagil, thuộc vùng Ural, ngôi làng Monzino được người dân địa phương gọi là "Venice của Ural". Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng nằm trọn trong vùng nước sông Tagil. Đường đi lại quanh làng do người dân tự tạo nhờ các hoạt động khai thác vàng trước đây. Ảnh: russiabeyond.
Những năm 1820, Monzino trải qua một "cơn sốt vàng" ở Ural. Đến năm 1823, Sa hoàng Nicholas I ký lệnh cho phép cá nhân khai thác vàng và bạch kim, cùng thời điểm đó, một số mỏ vàng được thiết lập nhanh chóng ở ngoại ô Nizhny Tagil. Ảnh: feelin.ural.
Vị trí của các mỏ vàng bắt đầu được biết đến từ nửa sau của thế kỷ 18 và được giữ kín. Trong vòng 100 năm tiếp theo (1825-1925), có đến 25 tấn vàng được khai thác tại hơn 120 mỏ vàng ở vùng này. Ảnh: OCIG International.
Trên lãnh thổ của ngôi làng này, hoạt động khai thác vàng hầu hết được thực hiện bằng các tàu cuốc - loại tàu dùng để đào sâu đáy, tương tự như máy kéo. Việc này dẫn đến sự hình thành của các lạch, ao và nhánh sông. Ảnh: OCIG International.
Hoạt động khai thác vàng ở vùng ngoại ô Nizhny Tagil kéo dài từ cuối thế kỷ 19 cho đến những năm 1980. Vùng đất này sau đó được giao cho các cộng đồng làm vườn. Ảnh: russiabeyond.
Làng Monzino nằm trên vùng nước ngập lụt, có nước ngọt chảy tự do qua các ao. Người dân địa phương cho biết hầu như không có muỗi tại đây. Ảnh: feelin.ural.
Kênh, lạch quanh làng có độ sâu lên tới 3 m, trong khi đó, mực nước có thể dâng cao tới 2 m vào mùa lũ. Các hộ dân ở Monzino hầu như sở hữu thuyền, nên các bến đậu thuyền chiếm gần hết diện tích bờ sông của các cộng đồng làm vườn. Ảnh: russiabeyond.
Vào mùa đông, ngôi làng trở nên vắng vẻ, đìu hiu vì người dân địa phương thường chuyển đến các thành phố. Đến mùa hè, nơi đây trở nên náo nhiệt hơn với các cộng đồng làm vườn địa phương lên tới vài nghìn người. Ảnh: OCIG International.
Thu Ngân