1. Được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo vật quốc gia - Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc có từ thế kỷ 17, được coi là tác phẩm nghệ thuật cổ xuất sắc bậc nhất trong việc tái hiện vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Hiện vật có nguồn gốc từ chùa Mật Sơn, Thanh Hóa.
Tượng được tạc bằng gỗ nguyên khối, có chiều cao 111 cm, tạo hình trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết già toàn phần, một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy. Trang phục của tượng là triều phục, gồm nhiều lớp áo, được tạo tác hết sức cầu kỳ.
Điểm lôi cuốn nhất của pho tượng chính là gương mặt tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu, chân thực với dái tai dài, cổ cao ba ngấn. Chiếc vương miện được chạm khắc tỉ mỉ, phía trước có tạc tượng A Di Đà ngồi tọa thiền, thể hiện sự kính ngưỡng của dân gian dành cho hoàng hậu họ Trịnh.
Theo sử sách, Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 – 1660) là hoàng hậu thời vua Lê Thần Tông. Bà nổi tiếng là một Hoàng hậu sùng đạo Phật và có học vấn uyên thâm. Bà là người biên soạn cuốn từ điển Hán – Nôm Chí Nam Ngọc Âm giải nghĩa – bộ bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam.
2. Bảo vật quốc gia - Tượng nữ thần Devi là một tác phẩm điêu khắc mang hình tượng phụ nữ xuất sắc của nền văn hóa Chăm Pa. Bức tượng này được tìm thấy ở Hương Quế, Quế Sơn, Quảng Nam, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM.
Tượng cao 38,5 cm, rộng 21,6 cm, dày 11,8 cm và nặng 20 kg, được chế tác bằng đá sa thạch, thể hiện vị nữ thần ở dạng bán thân, ngực để trần. Phần cổ nữ thần thon thả, vai tròn lẳn, khuôn ngực đầy đặn nữ tính và đầy vẻ thánh thiện.
Khuôn mặt tượng hài hòa, chân mày cong nối liền nhau, đôi mắt to, mi mắt dài, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một bức tượng chân dung Champa được tạo tác sống động hiếm có, mang đậm nét nhân chủng học bản địa.
Theo truyền thuyết Chăm, nữ thần Devi có tên thật là Rija Kula Hara Devi, là vợ của vua Indravarman II. Lúc sinh thời, bà là người có tấm lòng từ bi và có nhiều công lao với đất nước. Sau khi mất, bà được vua Jaya Shinhavarman I phong thần và dựng tháp thờ.
3. Được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo vật quốc gia - Tượng nữ thần Tara có nguồn gốc từ Phật viện Đồng Dương, một di chỉ khảo cổ lớn của văn hóa Chăm Pa, nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hiện vật được phát hiện vào năm 1978.
Tượng được đúc bằng đồng, cao 129,3 cm, thể hiện hình ảnh người phụ nữ ngực trần, toát lên một phong cách mỹ thuật rất phóng khoáng. Bầu ngực tượng nữ thần được thể hiện tròn căng đầy sức sống phồn thực, ẩn chứa mong muốn về một cuộc sống no đủ, bình yên và hạnh phúc.
Hai cánh tay của bức tượng được tạo dáng đang đưa về phía trước như đang nâng đỡ hai đồ vật, có thể là một vỏ ốc tù và ở bàn tay trái và đóa sen ở tay phải – những biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Chăm Pa.
Theo các nhà nghiên cứu, nữ thần Tara là một dạng Bồ tát Quan âm đặc biệt phát triển trong giáo phái Phật vùng Nam Hymalaya, nơi các bộ tộc nguyên thủy bản địa tôn sùng các lễ nghi phồn thực và đa phần sống theo chế độ mẫu hệ.
Mời quý độc giả xem video: Nét đẹp làng gốm Phù Lãng | VTV4.
Quốc Lê