Về Đọi Sơn, khai hội Tịch điền
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn từ lâu đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông.
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn lịch sử
Đọi Sơn - một vùng nông trang trù phú, có dòng sông Châu chảy qua phía Đông xã, cùng với núi Đọi đã trở thành biểu tượng thiên nhiên vượt trội tiêu biểu của Hà Nam. Từ trên đỉnh núi Đọi, phóng tầm mắt ra bốn phía thấy phong cảnh thật nên thơ - đồng lúa, bãi ngô, ruộng khoai mượt mà, tươi xanh, xa xa dòng sông Châu Giang quanh co, lượn khúc như dải lụa uốn éo chảy xuyên giữa. Các thế hệ người Đọi Sơn cần cù lao động, xây dựng quê hương. Nói đến Đọi Sơn là nói đến làng trống ngàn năm tuổi, đặc biệt làng trống Đọi Tam ở phía Tây Bắc chân núi Đọi. Với bàn tay khéo léo, người Đọi Tam đã tạo ra được những chiếc trống với âm thanh rền vang, trầm bổng mà không kém phần oai hùng, linh thiêng.
Đọi Sơn có nhiều điểm thuận lợi để các vua phong kiến Việt Nam chọn cánh đồng dưới chân núi Đọi làm lễ cày Tịch điền. Nơi đây, có núi Đọi, sông Châu phong cảnh hữu tình, tuân theo nguyên tắc phong thủy cùng với chùa Long Đọi Sơn uy nghi, linh thiêng và làng trống Đọi Tam nổi tiếng khắp vùng. Chính những điều đó, mà Lê Hoàn đã chọn Đọi Sơn làm lễ cày đầu tiên để khuyến khích, nhắc nhở thần dân phải chịu khó chăm lo sản xuất mới có ngày bắt được vàng được bạc.
Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, ruộng tịch điền thuộc quyền quản lý trực tiếp của triều đình, giống lúa cấy trên ruộng được chọn để cho loại gạo ngon dùng vào việc tế lễ, đặc biệt là tế Thần Nông và thần Xã Tắc. Tùy theo quan niệm phong thủy và tâm linh mà mỗi triều đại chọn nơi đặt ruộng tịch điền. Dưới thời Lý, ruộng tịch điền đều ở đồng bằng sông Hồng, khá xa thành Thăng Long. Thời Trần, sử cũ chỉ cho biết một lần vua Trần Minh Tông sai tế thần. Thời Hậu Lê, vào thời vua Lê Thánh Tông, lễ tịch điền tiến hành ở làng Hoàng Mai, ngoại thành Thăng Long.Thời Nguyễn, dưới triều vua Gia Long, ruộng tịch điền ở phòng Hòa Thái, ngưỡng trị trong kinh thành, sau chuyển về hai phường Yên Trạch và Hậu Sinh.
Khác với thời Hậu Lê, Lê Hoàn không cho ruộng tịch điền ở gần trong kinh thành mà giống thời Lý, Lê Hoàn lấy đất Trường Châu là quê quán để cày ruộng tịch điền.
Hơn nữa, ruộng tịch điền ở Đọi Sơn nằm trong vùng chịu sự quản lý trực tiếp của Vua. Sử chép, sau khi lên ngôi, Lê Hoàn lần lượt phong vương cho các con, kể cả con nuôi rồi cử đi trấn, trị ở các vùng đất thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, trừ Trường Châu. Căn cứ vào bia Sùng Thiện Diên Linh có thể suy luận vào thời Lê Hoàn, núi có tên là núi Long Đĩnh, nghĩa là núi rồng, núi thiêng. Các phát hiện khảo cổ học quanh Đọi Sơn đã minh chứng từ mộ thuyền văn hóa Đông Sơn, mộ Hán, đến mộ thời Hậu Lê, người chết đều được chôn quay đầu về chùa Đọi. Từ lâu lưu truyền phương ngôn:
“Đầu gối núi Đọi
Chân dọi Tuần Vường
Phát tích đế Vương
Lưu truyền vạn đại”.
Núi Đọi thì đã rõ, còn Tuần Vường là khúc sông Hồng giáp với huyện Lý Nhân và huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) sóng to, gió lớn gây hiểm họa, thuyền bè rất sợ phải qua nơi này “Mười hai cửa bể cũng nể Tuần Vường”. Phải chăng bốn câu phương ngôn này thể hiện triết lý âm dương: Núi Đọi (dương), Tuần Vường (âm), âm dương hài hòa chế áp lẫn nhau thì mọi sự thuận vượng, nó thể hiện một ước vọng, cầu nguyện hơn là một thực tế hiển nhiên, minh nhiên.
Từ Long Đĩnh thời Tiền Lê, đến thời Lý Nhân Tông núi có tên là Long Đội Sơn (hang rồng). Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Dưới chân núi có chín ngọn suối, lại có huyệt đã gọi là huyệt Hàm Rồng”. Theo thuyết âm dương ngũ hành của triết học phương Đông cổ đại, số chín là số thiêng, đó là con số cực dương, biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển thuận lý.
Thời Hậu Lê núi đổi thành núi Đọi Sơn. Đọi là từ thuần Việt, nghĩa cổ là cái bát, có lẽ hình dáng núi Đọi giống cái bát lộn ngược nên mới có tên như thế. Các sách địa chí thời Nguyễn gọi núi là Long Đội, Long Đọi Sơn. Ngày nay, nhân dân quen gọi là núi Đọi, còn tên xã là Đọi Sơn. Truyền thuyết dân gian vẫn ghi nhớ sự kiện cách đây hơn 1010 năm, cánh đồng vua Lê cày tịch điền nằm sát chân núi phía tây, trên cánh đồng còn lưu lại các địa danh: Nhà hiến (nơi dân chúng dâng thức ăn lên nhà vua), dinh trong (nơi vua ở), dinh ngoài (nơi ở của các quan), sứ tàu ngựa (chuồng ngựa của vua và các quan). Vì tính thiêng như trên, Đọi Sơn được chọn làm nơi cày Tịch điền.
Cầu mùa màng bội thu
Hàng năm, lễ hội Tịch Điền được tổ chức vào mùng 7 tết Âm lịch. Tại lễ hội, một lão nông được tái hiện lại với hình ảnh vua Lê Đại Hành đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, để cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Hạ điền hay tịch điền đều chỉ lễ cày ruộng đầu năm nói chung nhưng tùy cách tiến hành lễ mà có tên gọi khác nhau. Theo Hán - Việt Từ điển của Đào Duy Anh, Hạ điền là “lễ cúng Thần Nông ngày đầu năm để bắt đầu công việc nhà nông” - dân gian thường gọi là lễ Xuống đồng, lễ Ra đồng (do chữ Hạ điền nghĩa là xuống ruộng); Tịch điền là “ ruộng của vua tự mình ra cày” (Tịch nghĩa là giẫm, xéo). Và như thế, lễ cày - đường cày đầu tiên diễn ra ở nhiều nơi gọi là Hạ điền; nếu diễn ra ở ruộng do chính nhà vua đích thân xuống cày để làm gương và lấy may đầu năm cho dân chúng thì gọi là Tịch điền. Cánh đồng dưới chân núi Đọi (xã Đọi Sơn) thuộc trường hợp thứ hai.
Theo sử sách, mùa Xuân năm Đinh Hợi (năm 987), Vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày rong ra đồng trong lễ hội đầu năm. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân nhà vua đích thân ra đồng cày ruộng, cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày Tịch điền với các hình thức khác nhau.
Lễ hội Tịch điền được coi như ngày lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ, bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn trên chính đồng đất quê hương với mong muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn cũng như các lễ hội truyền thống khác ở đồng bằng sông Hồng, về căn bản được tổ chức theo 3 hoạt động chính là: Nghi lễ (lễ rước chân nhang, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ rước kiệu, lễ sái tịnh…); Diễn xướng các trò chơi (vừa giải trí vừa nghi lễ ); Ẩm thực, thụ lộc.
Lễ hội Tịch điền là lễ hội văn hóa tâm linh, hàm chứa sức sống, sự giàu có của văn hóa Việt Nam cùng các lễ hội khác được tổ chức vào dịp đầu xuân, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nắng vàng rượi như dát vàng trên những thửa ruộng “Kim ngân điền”. Người dân và du khách thập phương háo hức với cờ súy rợp trời. Những con trâu béo to khỏe, được vẽ hình với đủ màu sắc trên lưng như những tấm lụa.
Duy Tiên đồng đất mu rùa,
Ăn hạt thóc mùa tát nước quanh năm.
Câu ca dao buồn thuở trước vẫn được các bậc cao niên nhắc lại bằng cả những khó khăn trong ruộng đồng, trồng trọt. Thế nhưng, ngày nay vẫn còn đó những thửa ruộng “Kim ngân” tuy đất đai bị thu hẹp dành chỗ cho phát triển công nghiệp nhưng sản lượng lại tăng lên rõ rệt. Hiện nay, nông nghiệp Hà Nam đã có nhiều khởi sắc, nhưng người nông dân chưa giàu, vẫn trăn trở trên những luống cày “Kim ngân”.
Lễ hội Tịch điền không chỉ là câu chuyện vua đi cày - câu chuyện sau 1000 năm vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và và vẹn nguyên tính nhân văn. Sâu xa hơn, đó là ngày hội của những người nông dân thời hiện đại - những người nông dân cày máy trên những thửa ruộng lớn. Cảnh “con trâu đi trước” có lẽ chỉ là “vang bóng một thời” của quá khứ.
Lễ hội Tịch điền với người nông dân đã giúp họ nhớ về chiếc cày bừa, con trâu và các nông cụ thô sơ khác mà cha ông ta sử dụng, nhớ về những câu hò, vè và ca dao… Đó là đường ăn, nết ở, là tâm hồn của người nông đồng chiêm trũng.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ve-doi-son-khai-hoi-tich-dien-181183.html