Vẽ đường đi muôn nơi cho cây kem Thủy Tạ
Kem Thủy Tạ không chỉ đơn thuần là một cái tên, đó còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng rất riêng của Hà Nội. Nhưng khi các hãng kem khác có doanh thu nghìn tỷ, Thủy Tạ chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ.
Bầu trời ký ức tuổi thơ
Một chiều cuối tháng 8, tiết thu Hà Nội đã rõ hơn. Đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Bích Thủy (65 tuổi, là giáo viên về hưu, trú tại quận Hoàng Mai) dắt cháu nội rẽ vào cửa hàng kem Thủy Tạ (số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Đây là một trong những thương hiệu kem lâu đời nhất Thủ đô, được sản xuất từ năm 1958.
"Kem bây giờ rất nhiều thương hiệu, nhưng tôi vẫn thường đưa các cháu đến đây, không chỉ ngày hè oi bức mà cả ngày đông lạnh giá. Kem Thủy Tạ là cả một trời ký ức tuổi thơ, cứ tới đây là biết bao kỷ niệm lại ùa về.", bà Thủy trải lòng.
Trong hoài niệm, mỗi lần hè về, bà và các bạn trong xóm, khi đó còn rất nhỏ lại háo hức rủ nhau bắt tàu điện lên Bờ Hồ ăn kem.
"Hồi đó, tàu điện là phương tiện phổ biến. Chuyến tàu lắc lư, đi tới đâu chuông leng keng tới đó. Khi tàu dừng lại gần hồ Hoàn Kiếm, tôi và lũ bạn ríu rít kéo nhau xuống, chạy ùa về phía quán kem Thủy Tạ. Sau bao nhiêu năm, cảm giác vị kem ngọt, thơm và mát lạnh vẫn thật khó quên", bà Thủy nhớ lại.
Trong khi đó, chị Phương Lan, 26 tuổi, đang sống và làm việc tại TP.HCM, mỗi lần có dịp ra Hà Nội đều tìm đến nhà hàng Thủy Tạ. "Tôi thích nhất ghé vào đây khi mùa đông. Ngồi ngắm hồ, nhâm nhi từng miếng kem tan chảy, tận hưởng khoảnh khắc yên bình giữa nhịp sống hối hả thật thú vị", chị Lan kể.
Chị cho hay, bố mẹ chị là người Hà Nội, chuyển vào Nam sinh sống từ lâu, nhưng những câu chuyện, kỷ niệm về Hà Nội luôn được ông bà nhắc tới. Một trong số đó là kem Thủy Tạ.
Tìm hướng đi mới
Ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy Tạ chia sẻ, với nhiều khách hàng, kem Thủy Tạ không chỉ đơn thuần là một cái tên, mà đó còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Hà Nội. Đây cũng là lý do giúp thương hiệu kem Thủy Tạ luôn có một chỗ đứng vững chắc, không lẫn vào vô vàn thương hiệu liên tục xuất hiện trên thị trường.
"Đã có lúc, Thủy Tạ sản xuất đến 1 triệu lít/năm với hơn 50 loại, trở thành một trong số ít thương hiệu kem chi phối thị phần thị trường Hà Nội và khu vực phía Bắc. Đến giờ, kem Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn đông đúc, tấp nập khách xếp hàng", ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường kem Việt Nam của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh), hiện thị phần của Thủy Tạ chỉ đạt khoảng 1,5%, doanh số quanh mức 50 tỷ đồng/năm, còn nhiều thương hiệu khác đã cán đích nghìn tỷ.
Nguyên nhân là do các điểm kinh doanh kem Thủy Tạ chỉ loanh quanh tại Hà Nội. Trong khi đó, các nhãn hàng kem khác đang phát triển với tốc độ rất nhanh, liên tục ra mắt sản phẩm mới.
"Thị trường kem tại Hà Nội cạnh tranh khốc liệt, trong khi điều kiện tài chính của Thủy Tạ eo hẹp, khiến hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng kinh doanh rất hạn chế.
"Chưa kể, hệ thống máy móc thiết bị sau hơn 20 năm hoạt động giờ thường xuyên hỏng hóc, bao bì cũ kỹ, trong khi kem không bổ sung được hương vị mới", ông Dũng chia sẻ và cho biết, đó là lý do Thủy Tạ đã và đang "vẽ" hướng đi mới cho cây kem.
Mở rộng thị trường
Theo ông Dũng, năm 2023, Thủy Tạ đã thay đổi toàn bộ bao bì với thiết kế hiện đại, bắt mắt. Đồng thời, ông làm mới lạ hương vị, cho ra lò nhiều sản phẩm như kem chuối trứng và kem cam, kem phomai, kem phomai caramel, kem việt quất, kem dứa... và 16 sản phẩm kem tươi cao cấp.
Để mở rộng thị trường, Thủy Tạ đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thông qua các tổng đại lý tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để giảm chi phí quản lý; liên kết với hệ thống chuỗi siêu thị BRGMart, phát triển đa dạng hóa sản phẩm để theo kịp xu hướng tiêu dùng.
"Từ khi ra đời, kem Thủy Tạ đã xác định đối tượng khách hàng ưu tiên là các gia đình Việt. Vì vậy, dù đổi mới nhưng Thủy Tạ luôn chú trọng phát triển những dòng sản phẩm mang hương vị truyền thống. Chúng tôi tin rằng, với những thay đổi của mình, Thủy Tạ sẽ sớm có mặt ở khắp nơi", ông Dũng chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hướng đi của Thủy Tạ đang làm là rất cần thiết. Thương hiệu nổi tiếng, lâu đời là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, muốn cạnh tranh thì không còn cách nào khác là phải đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, phù hợp với thị hiếu khách hàng.N.H
Theo dữ liệu của Euromonitor International, sản lượng kem thành phẩm tại Việt Nam đạt khoảng 250.000 - 300.000 tấn mỗi năm. KidoFoods thuộc Kido Group dẫn đầu thị trường kem với thị phần 44%, với hai thương hiệu nổi tiếng là Merino và Celano; Unilever chiếm 12%, Vinamilk 10%, Fanny 5%, Tràng Tiền chiếm 4%, Nestlé 3%.