Về giao đất, cho thuê đất tại huyện Thanh Trì:Cần siết chặt quản lý

Để xử lý tình trạng đất đai bị sử dụng sai mục đích, từ tháng 10-2023 đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã rà soát trên 550 trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về đất đai. Thế nhưng đến thời điểm này, mới chỉ thiết lập hồ sơ và xử lý được trên 85 trường hợp xây dựng trái phép, có hành vi san lấp ao, hồ, sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng trái quy định...

Tháo dỡ công trình vi phạm tại Dự án xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Tổng cục V (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Tháo dỡ công trình vi phạm tại Dự án xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Tổng cục V (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Còn nhiều vi phạm

Năm 2006, UBND huyện Thanh Trì cấp cho ông Lưu Đình Hiền và ông Lưu Đình Học hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (diện tích 240m2) tại thửa số 36 và 36 (1), tờ bản đồ số 19, xã Tam Hiệp. Phần diện tích trên có nguồn gốc là đất nông nghiệp mà trước đó (năm 1989), UBND xã Tam Hiệp giao cho ông Lưu Đình Đảm (là bố ông Hiền) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Nhưng đến năm 1993, ông Đảm đã xây dựng nhà xưởng để kinh doanh và cho thuê trên phần diện tích được giao.

Theo phản ánh của người dân, năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành thẩm tra và kết luận việc xã Tam Hiệp giao 240m2 đất cho ông Lưu Đình Đảm là trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai năm 1987. Trên cơ sở này, năm 2020, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành 2 quyết định thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Hiền và ông Học. Tuy nhiên đến nay, ông Hiền vẫn tiếp tục sử dụng diện tích đất nông nghiệp làm nhà xưởng và cho thuê.

Ngoài vụ việc trên, mới đây Thanh tra thành phố Hà Nội cũng có kết luận chỉ ra những sai phạm trong việc cho thuê đất tại các xã Tân Triều, Vạn Phúc và Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì).

Đơn cử, việc UBND xã Vạn Phúc ký hợp đồng cho nhiều hợp tác xã thuê đất với thời hạn 3 năm nhưng số tiền thu được từ việc cho thuê các diện tích đất công ích lại được UBND xã sử dụng vào mục đích chi thường xuyên (trong khi theo quy định, số tiền này phải được nộp vào kho bạc và phục vụ chi cho mục đích công ích, xây dựng hạ tầng...).

Tại xã Tân Triều, UBND xã cho người dân thuê 1.000m2 đất làm bãi chứa vật liệu xây dựng và cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Triều Khúc thuê 2.396m2 làm bãi đỗ xe nhưng từ năm 2003 đến nay chưa thu tiền cho thuê đất. Đối chiếu với các hồ sơ liên quan đến công tác quản lý đất đai, Thanh tra thành phố còn phát hiện đến 108 trường hợp vi phạm trên diện tích khoảng 6.800m2 đất nông nghiệp nằm dọc hai bên đường Phan Trọng Tuệ, đoạn qua địa bàn thôn Yên Xá. Đến nay, toàn bộ các hộ này đã xây dựng nhà cấp 4 để kinh doanh sắt thép, trong đó nhiều hộ đã mua đi bán lại các diện tích lấn chiếm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương mà còn gây phức tạp cho công tác thu hồi đất phục vụ dự án mở rộng đường Phan Trọng Tuệ sau này.

Sớm có biện pháp xử lý dứt điểm

Ngày 10-10, phóng viên Báo Hànôịmới tiếp tục khảo sát tại khu vực ngõ 286 đến ngõ 300 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều - khu vực được quy hoạch làm bãi đỗ xe, công viên, cây xanh. Theo ghi nhận, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp sau khi được giải phóng mặt bằng đã được san gạt. Tuy nhiên, dự án thì chưa thấy triển khai, chỉ thấy khu đất này biến tướng thành kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, trạm trộn bê tông và bãi trông giữ phương tiện giao thông. Để tiện cho việc kinh doanh, các chủ bãi ở đây còn tự ý quây tôn, dựng lều lán, đặt container, xây cả nhà cấp 4 trên đất vi phạm. Vì liên tục phải chống đỡ trọng tải của các phương tiện ra vào, hệ thống đường giao thông ngõ 300 phố Nguyễn Xiển đã bị hư hỏng nặng.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân vi phạm tồn tại kéo dài, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng lý giải, là do tại thời điểm phát sinh vi phạm, các cấp chính quyền đã không xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên địa bàn. Mặt khác, từ năm 2016 đến nay, địa phương có nhiều dự án xây dựng nhưng sau khi thu hồi đất, chủ đầu tư không thi công, mà "xẻ thịt", xây dựng nhà xưởng cho người dân thuê lại.

Tại xã Tam Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Du Tân cũng cho biết, khó khăn trong công tác xử lý là do hầu hết các vi phạm đều hình thành trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2014). Chẳng hạn như trường hợp UBND huyện Thanh Trì ban hành quyết định thu hồi hai “sổ đỏ” của hộ ông Hiền và ông Học, nhưng nội dung trong quyết định chỉ đề cập việc thu hồi sổ chứ không yêu cầu phải phá dỡ công trình, trả lại mặt bằng đất nông nghiệp theo nguyên trạng.

Nhằm quản lý, xử lý các vi phạm đất đai tại huyện Thanh Trì, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành nhiều văn bản về việc rà soát, lập hồ sơ xử lý vi phạm. Thế nhưng, qua kiểm tra, rà soát trên 550 trường hợp có dấu hiệu vi phạm, đến nay, huyện Thanh Trì mới phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý được trên 85 trường hợp vi phạm. Để tránh tình trạng đất đai bị sử dụng sai mục đích, đề nghị UBND huyện Thanh Trì sớm có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm.

Nguyên Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ve-giao-dat-cho-thue-dat-tai-huyen-thanh-tri-can-siet-chat-quan-ly-681180.html