Về giữa mùa hoa
Lữ ngồi đã lâu trước nhà, ngó ra sông. Chiều xuống, gió bời bời thổi, mang theo hơi nước và vị ngòn ngọt của phù sa. Bãi bồi có những vạt ngô, luống khoai chạy dọc triền sông. Ngô sắp thu hoạch, khoai cũng chuẩn bị cuốc vồng lấy củ.
Hơn mười năm Lữ mới về thăm quê. Đoạn sông trước nhà thay đổi nhiều. Không còn hõm nước, những xoáy tròn hút lá cây, rong rều xuống đáy mà thoai thoải biền bãi, mỗi chiều trẻ con ra đấy thả diều, đá bóng.
Đêm trong ngôi nhà cũ, mùi ẩm mốc, tiếng mọt nghiến trên những thanh xà ngang sắp mục làm giấc ngủ đến với Lữ rất khó khăn. Anh trằn trọc mãi, có khi đến tận gà gáy mới chợp mắt được tí. Nhưng rồi tiếng người ra bãi, đi thể dục trên con đường bê tông chạy dọc bờ sông chốc lát đã đánh thức anh dậy…
Vẫn quê nhà đấy thôi, sao lòng anh lại cồn cào bao cảm xúc. Vẫn con sông xưa, hai mùa trong đục sao mãi cứa vào lòng anh những nghĩ suy, trăn trở. Khắp vùng, những luống hoa bắt đầu đơm nụ, hàm tiếu. Nào cúc, hồng, nào thược dược, mào gà... Đi giữa làng hoa, ngực căng đầy gió và hương hoa thoang thoảng.
Anh vẫn ngồi yên lặng. Mặt trời xuống thấp, hắt những tia nắng nhạt xuống khoảng đất trước mặt anh. Một vài người đi ngang, nhận ra anh. Họ dừng lại hỏi thăm vài ba câu. Anh chân tình đáp lại. Rồi họ vội vã đi…
- Ông già và đứa con gái câm đã trở về cũng gần năm năm rồi. Họ ở ngôi nhà mới xây cuối làng, hoa họ trồng thuộc tốp đẹp nhất làng!
Lữ nghe trái tim mình rộn rã. Kí ức dồn nén như thể sắp bật ra thành tiếng… Họ đã đi đâu và sao lại trở về? Không ai biết cả. Chỉ biết rằng, sau một đêm mưa gió bão bùng, sáng ra người làng chỉ còn thấy vườn hoa mới trồng của ông già ngập ngụa nước đục. Cha con họ không biết đi đâu. Nước sông bọt bèo cuồn cuộn chảy. Gió bấc, mưa phùn hun hút.
- Sao mãi từ đấy anh không về làng?
Lữ chột dạ trước câu hỏi của người đàn bà vừa lướt qua cùng nụ cười buồn bã. Anh không thể về sớm bởi nhiều lý do. Trong cuộc đời, con người ta hay vin vào những lý do để biện hộ cho những sai lầm. Những cơ hội trong đời thì chỉ đến duy nhất một lần, khất hẹn sẽ vuột mất. Biết thế nhưng anh lại cho phép mình bằng lòng sự quên lãng một phần ký ức đẹp. Dĩ nhiên, sự trở về bằng nỗi nhớ cũng đôi lần khiến anh ngậm ngùi.
Nhà cũ không còn ai. Cha anh mất sớm. Mẹ anh lại không được khỏe nên mấy anh chị đón vào thành phố sinh sống để tiện chăm sóc. Thảng hoặc, gia đình quây quần, sum họp trong những ngày lễ Tết, câu chuyện về quê cũ cũng chỉ thoáng qua chốc lát rồi chuyện mưu sinh, công việc, con cái ngốn hết phần lớn cuộc gặp gỡ.
Lữ không ở cùng thành phố với mấy anh chị. Nơi anh sống là một thị xã mới được nâng cấp, mật độ dân cư thấp, đối với anh nó quá đỗi yên bình. Hạnh phúc của anh là một công việc tốt, thu nhập ổn định. Anh đi sớm về muộn. Ăn tối ngoài đường. Về nhà tắm rửa qua loa rồi lăn ra ngủ. Có hôm thì lướt facebook, chuyện phiếm với bạn bè. Anh tự cho rằng mình rất nhàn nhã, dù cái bằng thạc sĩ kinh tế anh đã nhận cũng được hơn mười năm…
- Cậu đi công tác ghé qua hay chủ đích là về quê đấy?
Người chị thứ tư nhấm nhẳng qua điện thoại khi anh gọi bảo quê nay khác xưa nhiều. Nhiều khu dân cư mới được hình thành. Trước nhà là khoảng đất nối với bãi bồi rộng rãi, chạy dài. Người ta sắp xây một cây cầu nối với thị trấn, vừa tạo điểm nhấn cho hình ảnh quê hương, vừa thuận tiện lưu thông giữa đôi bờ. Hôm sau, người anh cả gọi điện, hỏi về giá đất ở quê có lên chút nào không. Anh ậm ừ vì thực ra anh không nghĩ đến điều này, về quê với anh dù đường đột nhưng sự tính toán chi ly để có một khoản tiền từ mảnh vườn rộng từ thời ông bà thì anh không chút bận tâm.
Anh đi dọc con đường bê tông vào một buổi sáng. Bến cũ um tùm lau lách và gốc cây si bị bão đánh trốc gốc nghiêng sát mặt nước. Người đàn ông anh gọi là chú trong họ tần ngần giây lát rồi à lên… Anh cúi đầu chào, rồi theo chú về nhà.
Ngôi nhà nằm sâu trong con đường nhỏ nhưng gió sông vẫn đủ thổi tràn. Ngồi trước hiên uống trà cùng với ông chú và mấy người hàng xóm, anh cảm nhận được sự thân thiện vốn dĩ của người dân quê khiến anh xúc động…
- Ông già đưa đò và đứa con gái nghĩ đã lưu lạc xứ người, ngờ đâu… Cháu nghe tin gì chưa?
- Dạ rồi ạ. Cháu định chiều nay ghé thăm ông!
Nước mắt anh chực trào, cổ nghèn nghẹn vì xúc động khi nhắc về cô bé Câm và ông già Thiệt. Hai con người từ xứ nào đến quê anh làm nghề trồng hoa và sinh sống. Một túp lều rách nát, gió lùa tứ phía được dựng tạm trên bến, sát mé sông. Lúc còn nhỏ, anh hay theo mẹ ra sông. Mẹ giặt giũ, còn anh thì ngồi chồm hỗm nhìn bóng lá cây si soi xuống nước. Nước sông trong xanh, có thể nhìn thấu đáy, thấy cả bầy cá lội tung tăng. Con bé Câm, gọi theo khiếm khuyết nó mang, hay lò dò ra chỗ anh ngồi. Mẹ anh thương con bé lắm. Có gì ngon đều dấm dúi cho nó. Nhưng ông Thiệt, hình như không thích vậy. Ông hay khó chịu đưa cặp mắt xếch dưới hàng chân mày rậm nhìn con. Bé Câm rụt cổ, xua lấy xua để thức quà mẹ anh cho.
Một hôm, có lẽ bực bõ với cách đối xử thiếu tình thương của ông Thiệt dành cho con, mẹ anh đã trút một tràng vào mặt ông rồi bỏ đi. Con bé Câm òa khóc rồi dúi vào ngực cha nấc lên từng chặp.
Anh thủ thỉ với mẹ. Mẹ anh không nói gì, hôm sau có gì ngon vẫn mang ra cho bé Câm…
- Sự hằn học cuộc đời của lão Thiệt là hệ lụy đớn đau của cuộc hôn nhân ngắn ngủi mà lão gánh chịu!
Mẹ anh đã nói vậy, rồi không nhắc gì thêm. Tuổi mới lớn, nhiều vô tư anh cũng không lưu tâm và quên ngay. Mãi sau này, khi anh tốt nghiệp đại học, cô bé Câm ngày nào, thân hình gầy đét đã phổng phao, vô tình gặp anh đều muốn tránh mặt thì chuyện của ông Thiệt anh mới rõ ràng.
- Cháu không nên gặp con gái bác nữa!
Đấy là lần duy nhất ông Thiệt nhẹ nhàng với anh qua cách xưng hô. Anh sững sờ giây lâu rồi ấp úng. Nhưng có lẽ điều anh muốn nói với ông già mang nặng thành kiến và cô con gái tật nguyền không muốn nghe nên họ đã dắt nhau xuống bến.
Anh đứng lặng, nước mắt thương cảm ứa ra.
Cuộc đời của ông Thiệt là cuốn phim tâm lý, mà nhân vật chính phải diễn một vai đầy nước mắt đau khổ. Một cuộc hôn nhân vá víu giữa hai thân phận lạc loài, nghèo khổ. Những tưởng họ sẽ thông cảm và yêu thương để dìu nhau qua cơn khốn khó. Nhưng rồi, khi đứa con ra đời, niềm vui chưa kịp nở trên môi của bậc làm cha làm mẹ thì nỗi đau ụp xuống. Đứa con gái bé bỏng, môi đỏ như tô son, cặp mắt trong veo ngơ ngác đã không thể cười và nói được. Cứ lầm lũi và dấm dứt khóc… Đời bạc bẽo khiến người mẹ đã không đủ yêu thương để chở che, bao bọc con mà đành vứt bỏ núm ruột mà mình đã mang nặng đẻ đau. Người vợ ra đi trong một buổi chiều mùa đông hiu hiu gió bấc. Người chồng hực lên một tiếng, cặp mắt xếch ngược vằn lên… đồ khốn nạn rồi ôm chặt đứa con gái bé bỏng đang lơ ngơ tìm mẹ khắp nhà…
Anh thấy lòng mình nặng trĩu. Mỗi ngày anh đều ra sông nhưng không thể nào gặp được bé Câm vì ông Thiệt cấm cản. Thỉnh thoảng, anh nghe tiếng khóc của cô bé và tiếng quát của người cha vô tâm với con mình mà chua xót.
Mùa xuân đã về cũng là lúc làng hoa vào vụ. Khắp triền sông, trong đồng hoa bắt đầu cho nụ, bung cánh. Ông Thiệt có vẻ vui hơn và chuyện trò thoải mái với mọi người. Cô bé Câm phụ cha mấy việc như ngắt bớt búp hoa cúc hay ràng dây quanh cây hoa để giữ cho dáng hoa được đều. Nhìn những luống hoa trải dài khắp nơi, ai cũng hy vọng về một vụ hoa bội thu.
- Bác ơi, hoa nhà mình đã có người đặt cọc chưa ạ?
- Cậu Lữ! Nghe hỏi, ông Thiệt ngẩng lên, ngạc nhiên. Cô bé Câm cũng ngạc nhiên, cứ há hốc mồm.
Lữ bước vào giữa hai luống hoa, săm soi từng búp cúc đã he hé sắc vàng. Ông Thiệt hỏi thăm về mẹ anh, về công việc của anh. Anh nhẹ nhàng đáp lại, lòng cảm thấy xôn xao.
- Năm nay hoa được mùa lại có giá, âu cũng nhờ thời tiết thuận lợi. Hầu hết các chủ vườn đã nhận cọc từ trước.
Anh bừng tỉnh khi thoang thoảng một mùi hương theo gió khuya đưa vào nhà qua khung cửa sổ mà anh cố tình không đóng. Tiếng gà trong xóm đồng loạt gáy vang. Anh mở cửa bước ra ngoài sân. Trăng đầu tháng mờ nhạt ở một góc trời. Mấy con dơi nghe tiếng lá xạc xào cũng bay ra loạn xạ. Cảm giác thư thái lạ lùng. Niềm tin về sự đổi đời của hai mảnh đời thua thiệt kia và của quê hương khiến anh nở một nụ cười. Một ý nghĩ lướt qua, anh tin họ sẽ hạnh phúc.
Truyện ngắn của Sơn Trần
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/399748/ve-giua-mua-hoa.html