Về Hạnh Dịch chung vui cùng đồng bào
'Mời các anh vào nhà uống nước', tiếng già làng Vi Đình Văn, bản Chiếng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong, Nghệ An) đon đả mời khách. Bên chén trà thơm, già Văn vui cười nói với Thiếu tá Vy Thanh Tú, Phụ trách Đội trưởng Đội sản xuất 6 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, Quân khu 4): 'Năm nay, các cháu phải bố trí đến ăn với già một bữa cơm xuân nhé!'.
Người cán bộ trẻ dí dỏm trả lời: “Chúng cháu ăn mạnh nên ngại ăn hết thịt, gạo nhà già lắm!”. Nghe thế, già Văn cười giòn tan, bảo: "Ôi trời! Lợn, gà nhà già không thiếu, liên hoan với cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất 6 cả năm cũng đủ”.
10 năm trước, Hạnh Dịch còn rất nhiều khó khăn. Giao thông chia cắt, hệ thống điện, sóng điện thoại hầu như chưa có. Người dân quen lối canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, nhiều hộ dân thường xuyên bị đói. Năm 2015, Đội sản xuất 6 về thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn đã làm tốt công tác tham mưu, hỗ trợ giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng cơ sở chính trị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng công trình đập nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho người dân Hạnh Dịch. Công trình do Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 làm chủ đầu tư năm 2015. Công trình đưa vào sử dụng giúp người dân mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng canh tác lúa nước. Đội cũng tham gia xây dựng công trình cầu treo bản Vinh Tiến và được người dân quen gọi là “Cầu treo Đoàn 4”.
Với tinh thần “tất cả vì dân”, từ năm 2017 đến nay, Đội sản xuất 6 đã tiếp nhận, cấp phát đến người dân 47 con trâu, 2 con bò. Mới đây (tháng 12-2023), Đội tiếp tục hỗ trợ người dân 30 con trâu, 49 con bò, 80 con lợn đen bản địa, 2.000 con vịt bầu, 2.000 con gà đen... Chỉ huy Đội còn cắt cử cán bộ, nhân viên trực tiếp đến từng hộ dân hướng dẫn kỹ thuật canh tác; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; từng bước xóa được nạn đói kéo dài trong nhiều năm... Tính đến nay, 100% hộ dân trong xã đã từ bỏ thói quen đốt nương làm rẫy, chuyển canh tác lúa nước.
Ở Hạnh Dịch, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 99%, chủ yếu là người Thái. Do đó, muốn giúp dân thì cán bộ, nhân viên đơn vị phải hiểu được tính cách, phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Theo Thiếu tá Vy Thanh Tú, hằng tháng, hằng năm, Chi bộ Đội sản xuất 6 đều quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của tổ chức đảng cấp trên bằng cách cụ thể hóa các đầu việc giúp dân thiết thực; phân công cấp ủy viên, đảng viên đến với từng hộ dân, thực hiện cùng ăn, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào. Qua đó, tình cảm quân dân ngày càng gắn bó; đồng bào thêm tin tưởng, yêu mến cán bộ, nhân viên đơn vị; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trong 10 năm qua, Hạnh Dịch không có người sinh con thứ 3, không có loại hình tội phạm phức tạp, không có các hoạt động truyền đạo trái pháp luật và là xã sạch về ma túy...
Bài và ảnh: VIỆT HÀ - THANH TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ve-hanh-dich-chung-vui-cung-dong-bao-765076