Về hay ở, câu hỏi của người Trung Quốc tại Italy giữa Covid-19
Cộng đồng người Trung Quốc tại Italy không biết nên về hay ở khi cả quê nhà và các quốc gia châu Âu đều bùng phát dịch bệnh do virus corona gây ra.
Mặc dù thành phố Ôn Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) và thành phố Rome (Italy) cách nhau 9.300 km, nỗi lo lắng về virus corona vẫn bao trùm cuộc sống người dân ở hai nơi.
Tính đến thời điểm này, Italy có 4.636 ca nhiễm bệnh và 197 ca tử vong, còn Trung Quốc ghi nhận 80.651 ca nhiễm bệnh với ít nhất 3.070 ca tử vong.
Dịch bệnh này đặc biệt ảnh hưởng tới hàng nghìn doanh nhân Trung Quốc sống tại thủ đô Rome. Trước sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều người phân vân không biết nên tiếp tục ở lại hay không.
Wu Yue, một doanh nhân sống và làm việc tại Italy 20 năm qua, chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy an toàn hơn khi ở Trung Quốc bởi chính phủ có nhiều hành động kịp thời nhằm ngăn chặn virus corona hiệu quả. Ngược lại, những bệnh viện ở Italy có thể chữa bệnh tốt hơn nhưng khả năng ứng phó trước tình trạng dịch bệnh khẩn cấp của chính phủ còn yếu kém”.
Công việc kinh doanh tại Italy đang gặp nhiều khó khăn trước nỗ lực kiềm chế dịch corona của chính phủ nước này. Hiện nước này đã đóng cửa tất cả trường học và phong tỏa hàng chục thị trấn ở khu vực phía bắc.
Mặc dù đã có những biện pháp chống dịch nhanh hơn bất cứ quốc gia nào ở châu Âu, như triển khai các biện pháp y tế công cộng và tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, virus Covid-19 vẫn kịp len lỏi vào đời sống nơi đây.
Ngày 4/3, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Milan và bệnh viện Sacco, virus corona đã xuất hiện tại Italy hẳn vài tuần trước khi ca dương tính đầu tiên được phát hiện.
Bất chấp lệnh cấm bay của chính phủ Italy, nhiều khách du lịch và doanh nhân vẫn quay trở lại Trung Quốc bằng cách bay sang quốc gia khác rồi mới mua vé về nước.
Ông Wu cho biết một số người chọn cách quá cảnh tại Phần Lan hoặc Nga, thậm chí thuê hẳn máy bay riêng để bay về Trung Quốc. Ông nói: “Ban đầu tôi cũng định gửi vợ con về Trung Quốc cho yên tâm. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nguy cơ bị lây nhiễm bệnh trong chuyến bay kéo dài 17 tiếng ấy còn cao hơn ở Italy”.
Liang, một sinh viên Trung Quốc đang học tập tại thành phố Milan, quyết định không trở về nhà mặc dù bạn bè cô đã lên máy bay về nước.
“Những sinh viên làm thêm tại các nhà hàng đều nghỉ việc hết do tình hình kinh doanh của quán trong thời gian gần đây. Thật may mắn khi công việc của mình trong một lĩnh vực khác nên vẫn được trả lương đều đặn”, cô chia sẻ.
Đối với những người đang ở Trung Quốc, một vấn đề khác là khi nào mới nên trở lại Italy.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 12, Chen Guangzhen bị mắc kẹt ở thành phố Ôn Châu. Khi số ca nhiễm bệnh bắt đầu thuyên giảm, anh nhanh chóng chuẩn bị hành lý để trở lại Rome và điều hành cửa hàng tạp hóa của anh.
Tuy nhiên, chuyến đi của anh bị hoãn lại do tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi ở khu vực châu Âu.
“Mặc dù tôi đã mua vé vào chủ nhật này, tôi đã hủy chuyến bay đó. Theo như tôi được biết, không ai trong số những người Ôn Châu trở lại Italy. Chúng tôi cũng động viên nhau ở lại Trung Quốc thêm một thời gian nữa để đảm bảo an toàn”, anh nói.
Tuy nhiên, điều lo lắng hơn cả đối với những người Trung Quốc bây giờ là họ có được chào đón tại Italy nữa không, bởi hành vi phân biệt chủng tộc với người châu Á tại châu Âu càng gia tăng do dịch Covid-19.
Ngay cả thống đốc Veneto, một trong những khu vực của Italy bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona, cũng đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát dịch. Sau đó, ông phải lên tiếng xin lỗi trên truyền hình vì phát ngôn thiếu cẩn trọng của mình.