Về Hiệp Đức thăm Khu di tích căn cứ Khu ủy Khu V
Từ thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam theo tỉnh lộ 14E khoảng 40km là tới UBND xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức. Từ đây, rẽ phải theo con đường nhựa khoảng 2km sẽ đến Khu di tích căn cứ Khu ủy Khu V hay còn gọi là khu di tích Phước Trà. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1973-1975), tại đây, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V đã đề ra kế hoạch cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975...
Ngược dòng lịch sử hơn 47 năm trước, vào tháng 7 năm 1973, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, sau khi phân tích những diễn biến của tình hình cách mạng miền Nam từ sau Hiệp định Paris, Đảng ta đã nhận định: “Con đường lớn của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực...”. Nghị quyết đã nhận định tình thế mới của cách mạng và chỉ hướng cho nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân tỉnh ta nói riêng là: Địch phá hoại Hiệp định Paris lấn chiếm vùng ta thì ta không những chỉ đánh trả mà còn có quyền phản công lại, tấn công cả vào căn cứ và sào huyệt của chúng.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo ấy và nhằm trước mắt là bảo vệ vững chắc các vùng giải phóng, chống lại cái gọi là chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ” của ngụy quân, ngụy quyền, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V quyết định dời căn cứ từ Trà Tân (Trà My) về Phước Trà (Hiệp Đức) để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trước tình hình mới. Từ đây, khu căn cứ tại Phước Trà trở thành đại bản doanh của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
Theo hồi ức của những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu và bảo vệ khu căn cứ thì khu vực này trước đây nằm dưới tán cây rừng rập rạp và được bố trí nhiều khu vực đóng quân, nhà làm việc, khu tăng gia sản xuất như hội trường, hệ thống hầm trú ẩn, hầm ở và làm việc của đồng chí Bí thư Khu ủy, ao cá, ao rau muống... Chính tại nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội lần thứ III (12/1973) của Ban Chấp hành khu ủy Khu V, Hội nghị bàn về chiến lược quân sự nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm của địch, tiến công đánh địch và mở rộng vùng giải phóng...
Trong những năm 1973-1975, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu V mà trực tiếp là đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy; đồng chí Chu Huy Mân, Phó Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân Khu V, quân và dân khu V đã lập nhiều chiến công, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, giải phóng Tây Nguyên, làm bàn đạp giải phóng các khu vực đồng bằng và những thành phố, thị xã trên địa bàn Khu V, tiến đến cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, đến thăm Khu di tích căn cứ Khu ủy Khu V có thể nhận thấy đây là một khu căn cứ lớn, thuộc xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, cách thị trấn Tân An khoảng 15km về phía Tây, cách đường 612 khoảng 4km về phía Nam, diện tích khoảng 21ha với con đường dẫn đi quanh khu di tích dài 3,2km được lát sỏi sạch đẹp. Khu di tích bao gồm một nhà trưng bày những hiện vật cách mạng và hình ảnh tư liệu quý thời kháng chiến chống Mỹ, nhà tiếp khách, hệ thống hầm trú ẩn dùng cho những cuộc họp quan trọng với lối thoát hiểm dài chưa đến 10m.
Ngoài ra, còn có di tích nhà và hầm làm việc của đồng chí Võ Chí Công (tức Năm Công) - Bí thư Khu ủy lúc bấy giờ, hội trường diễn ra Đại hội III, 24 bia kỷ niệm đặt ở những vị trí khác nhau với những ý nghĩa khác nhau như: Bia kỷ niệm Tiểu đoàn 10 đã đóng quân bảo vệ Khu ủy Khu V (1973-1975); bia ghi nhớ đoàn đại biểu Đảng bộ các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định... đã lưu trú trong những ngày dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu V lần thứ III (từ ngày 15 đến ngày 22-12-1973)...
Với ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của Khu di tích căn cứ Khu ủy Khu V tại Phước Trà trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, ngày 24-3-1993, Bộ Văn hóa Thông tin đã ban hành Quyết định số 288/QĐ-BT công nhận căn cứ Phước Trà là di tích quốc gia. Hiện tại, khu di tích đã được tôn tạo lại một vài hạng mục như nhà làm việc và hầm trú ẩn của đồng chí Bí thư Khu ủy Khu V, nhà trưng bày, các đường giao thông quanh khu di tích, ao cá, nhà tiếp khách... Ban Quản lý Khu di tích đã tổ chức sưu tầm và trưng bày tại đây một số hiện vật, hình ảnh hoạt động ở căn cứ Phước Trà trong giai đoạn 1973-1975, nhằm ghi lại một phần quá khứ hào hùng của quân và dân Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nơi đây, từ lâu không chỉ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ mà còn là điểm tham quan lý tưởng về du lịch sinh thái, bởi các công trình kiến trúc ẩn mình vào không gian yên ả, xanh mát của những tán cây rừng giữa núi non đại ngàn.