Về Hội An xem hội bài chòi, trò chơi dân gian là di sản văn hóa thế giới
(SGTT) – Trong dịp lễ vừa qua, tôi chọn du lịch đến phố cổ Hội An (Quảng Nam), trong các hoạt động giải trí nơi đây, tôi thấy ấn tượng với trò chơi dân gian – bài chòi.
Được biết, bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Trò chơi dân gian này mang hơi thở cuộc sống và lưu giữ bản sắc văn hóa của người dân tại các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
Nếu ở miền Bắc có dân ca quan họ, miền Nam có đờn ca tài tử thì miền Trung có hát bài chòi. Ghé thăm phố cổ và lắng nghe giọng hát dân ca miền Trung mượt mà, sâu lắng chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi không quên.
Đa số các du khách tham quan Hội An về nhà đều cho rằng bài chòi Hội An vốn là nét văn hóa đặc sắc không thể bỏ qua khi đến phố cổ. Loại hình này dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây cũng như du khách trong và ngoài nước.
Không gian tổ chức bài chòi là khoảng hẹp giữa phố Hội và sông Hoài để được có những giờ phút thư giãn một cách đầy hứng khởi với hội bài chòi. Thật ra, không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào, tuy nhiên, từ khoảng 300 – 400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên vào những dịp lễ, tết hay xuân về.
Là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi đặc trưng của miền Trung Việt Nam. Ngày nay, bài chòi đã được phát triển, biến tấu thành một loại hình sân khấu ca kịch và người chơi không chỉ là lớp người cao tuổi mà lớp trẻ cũng thích thú chơi hội bài chòi.
Các bậc cao niên chơi bài chòi Hội An cho hay, có thể hiểu một cách nôm na rằng bài là những ván cờ; chòi là người chơi ngồi trên chòi bằng “tranh tre nứa lá”. Khi chơi bài chòi, người ta thường dựng mười chòi con. Tuy nhiên, tại phố cổ Hội An sẽ chỉ được dựng khoảng 4 – 5 chòi và người chơi sẽ ngồi trong các chòi con.
Bộ bài dùng để chơi bài chòi là bộ tam cúc cải tiến, với 33 lá gồm các tên như nhất nọc, nhì nghèo, ông ầm… được vẽ trên giấy và dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre thì dán ba con bài không trùng lặp nhau. Bộ bài thì có ba pho là pho văn, pho vạn, pho sách. Bộ bài 33 lá nên người ta thêm ba lá ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen để đủ bộ.
Ván bài bắt đầu sau khi “nhà cái” phát hết thẻ cho mọi người, ván cờ sẽ được bắt đầu bằng việc rút thăm que tre có ghi tên một quân cờ. Lúc này, anh, chị hiệu sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm đó, lần lượt cho đến khi ba thẻ tre được rút liên tiếp có tên gọi trùng với các tên quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ.
Khi tham gia, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ phải hô lên và trình thẻ gỗ để được phát một lá cờ vàng, tương đương với một phần thưởng nhỏ. Nếu người chơi có được chiếc thẻ gỗ ghi tên ba quân cờ được nêu tên liên tục, người đó sẽ đoạt được phần thưởng lớn nhất của cuộc chơi và ván cờ kết thúc.
Các câu hát được sử dụng ở đây thường nói về tình yêu quê hương đất nước, con người; ca ngợi “tam cương, ngũ thường”, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu. Dù đã có đôi chút biến đổi song hội bài chòi vẫn giữ được đặc thù riêng của mình, một loại hình sinh hoạt văn hóa lý thú và bổ ích. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao, đề cao đạo lý làm người.
Chơi bài chòi, du khách cũng đều được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng qua tiếng hát của anh, chị hiệu. Các bài hò được diễn xướng mỗi đêm không lặp đi lặp lại mà được những người “nghệ sĩ bài chòi” thay đổi và sáng tạo liên tục từ các điệu hò, dân ca bắt tai như hò khoan, hò chèo thuyền, vè Quảng, hát ru con…
Theo các bậc cao niên, bài chòi bao gồm hai loại hình là trò chơi bài chòi và hát bài chòi. Lời hát bài chòi Hội An Quảng Nam gồm có bốn làn điệu cơ bản là xàng xê, hồ quảng, xuân nữ và cổ bản. Lời hát bài chòi là sự hòa quyện giữa các làn điệu dân ca Nam Bộ với lối nói, lối hát của tuồng. Các nghệ sĩ hát bài chòi đã sáng tạo nên nhiều điệu lý câu hò khác như hò Chèo thuyền, hò Khoan, hát Ru con, vè Quảng.
Dân ca bài chòi xứ Quảng còn có vai trò giữ gìn hơi thở của truyền thống và phát huy nét đẹp văn hóa đang có nguy cơ bị mai một của các thế hệ tiếp nối lưu truyền trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, lời hát bài chòi còn mang ý nghĩa đương đại khi là phương tiện để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, phát huy vai trò xây dựng Nông thôn mới… làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, thân thiện, đáng sống hơn.
Nếu bạn có một lần đến tham quan phố cổ Hội An, đừng quên ghé xem hội bài chòi đông vui, rộn ràng được tổ chức ven sông Hoài (gần khu vực Chùa Cầu) là một trải nghiệm độc đáo, thú vị trong hành trình khám phá những điều kỳ thú của phố cổ Hội An, Di sản văn hóa thế giới.