Về hưu tôi còn giúp được nhiều người hơn

Vừa hoàn thành xong liên tục hai ca mổ, vẫn còn trong trang phục bác sĩ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng nhỏ tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, thỉnh thoảng khẽ ngước nhìn bức ảnh khổ rộng treo trên tường, mà trong đó có người giờ này đã ở một thân phận khác.

Ông kể, vừa chơi xong ván cờ sau ca phẫu thuật phức tạp cùng một cậu nhân viên rồi mới gặp chúng tôi. Đó cũng là cách để ông cân bằng sau những giờ phút căng thẳng. Những câu chuyện xoay quanh ngành Y cứ thế kéo dài hết buổi chiều. Bão tố ập đến với ngành Y ở đâu đó ngoài kia, còn ở đây một cảm giác an yên đến lạ. Chúng tôi cảm nhận rõ rệt nguồn năng lượng ấm áp toát ra từ ông - vị bác sĩ từng đem hàng nghìn niềm vui đến cho các gia đình hiếm muộn...

PV: Được biết, ông nghỉ hưu trước khi cơn bão dịch COVID-19 tràn về, một người thích làm việc và luôn mong muốn cống hiến như ông có cảm thấy mình bị "đứng ngoài cuộc" trong khi các đồng nghiệp phải lao vào tâm bão và vật lộn với nó?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Lúc xảy ra dịch COVID-19 thì tôi không làm quản lý nhà nước nữa nhưng tôi vẫn cùng anh chị em trong Bệnh viện Thiện An tham gia chống dịch. Chúng tôi được đánh giá là một trong những đơn vị tích cực nhất của quận Tây Hồ. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Thiện An được huy động đi tiêm vaccine cho nhân dân. Nói chung, tham gia chống dịch cũng "ác liệt" đấy.

PV: Với những người giữ vị trí quan trọng như ông, khi nghỉ hưu thường không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng trong cái gọi là "cuộc bàn giao quyền lực", ông có rơi vào trạng thái đó không?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Tôi gần như không nghỉ ngày nào. Sau khi bàn giao công việc, với tôi mọi chuyện không có gì thay đổi. Tôi vẫn tiếp tục công việc chuyên môn của mình tại Bệnh viện Thiện An, các mối quan hệ anh em bạn bè trước đây vẫn duy trì. Thời tôi còn làm quản lý nhà nước vẫn giúp được rất nhiều người, nhưng khi tôi nghỉ còn giúp được nhiều người hơn nữa. Thời gian làm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt - Đức, cũng như Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi vẫn mổ xẻ, điều trị bệnh nhân cả ngày và đêm, đến bây giờ vẫn thế.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến hội chẩn tại Bệnh viện Thiện An.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến hội chẩn tại Bệnh viện Thiện An.

PV: Thời gian vừa qua, có thể nói là có một cơn bão ập đến với ngành Y. Ngoài những người bị bắt vì lợi dụng vị trí công tác để tư lợi thông qua việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, dư luận cho rằng, người làm chuyên môn giỏi thì không nên đặt vào vị trí quản lý, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Tôi nghĩ hai lĩnh vực này sẽ bổ trợ cho nhau. Khi mình làm chuyên môn, cọ xát với công việc thực tiễn khám chữa bệnh hằng ngày, thì mình nắm chắc, hiểu được, biết được các y, bác sĩ cần gì, từng khoa cần gì, bệnh viện cần gì. Có lẽ cũng là trải qua thực tiễn nhiều năm nên khi tôi làm lãnh đạo Bộ Y tế, tôi giải quyết công việc nhanh, nhất là trong lúc các văn bản quy phạm pháp luật không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Nhiều lúc giải quyết không hề đơn giản nhưng bằng thực tiễn, bằng những kinh nghiệm mình đã cọ xát nên khi gặp các văn bản chưa thực sự khớp, có điểm vênh nhau, thì mình phải tìm ra giải pháp để quyết, mà phải quyết nhanh, đảm bảo công việc được chạy suốt, từ công tác cấp cứu đến khám, chữa bệnh, điều trị...

GS.TS Nguyễn Viết Tiến chơi cờ sau ca phẫu thuật phức tạp. Đó cũng là cách để ông cân bằng khi trải qua những giờ phút căng thẳng.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến chơi cờ sau ca phẫu thuật phức tạp. Đó cũng là cách để ông cân bằng khi trải qua những giờ phút căng thẳng.

Ở Bộ Y tế, tôi là người ký nhiều nhất nhì các văn bản quy phạm pháp luật. Tôi làm hai nhiệm kỳ nhưng khi người ta kiểm tra, đánh giá thì thấy những quyết định của tôi chấp nhận được. Trước đây, tôi cũng từng nghĩ, những người làm chuyên môn giỏi thì quản lý kém, còn những người quản lý giỏi thì không biết gì về chuyên môn, nhưng trải qua thực tiễn nhiều năm vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lí thì tôi không nghĩ thế. Theo thực tế tôi đã trải qua và theo logic thì người làm chuyên môn giỏi vốn dĩ thông minh, tư chất tốt, khi làm công tác quản lý chắc chắn sẽ nhạy bén.

PV: Nhưng, chắc chắn đó không phải số nhiều, thưa ông!

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Tôi nghĩ không hẳn như thế. Nếu nhìn lại một số vụ việc vừa qua, những người trong ngành Y vướng vòng lao lý ít nhiều mang tính chủ quan, nghĩ rằng mình giỏi lắm rồi, mình là nhất rồi, mình là thế này thế nọ rồi nên mới hay xảy ra sai phạm ở những giai đoạn cuối. Còn khi ở giai đoạn mới đầu, ai cũng trong tâm thế dè dặt, ngó trước nhìn sau, xin ý kiến người này người nọ rồi mới đưa ra quyết định, khi đó sẽ ít mắc sai lầm hơn. Còn khi đã làm một thời gian, dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, ít khi phản biện. Ví dụ như người mới biết đi xe đạp, ít khi bị ngã vì lúc đó họ đang tập trung cao độ, rất cẩn thận. Nhưng, khi họ đã đi thành thạo, đạt đến trình độ bỏ hai tay, nhắm mắt vẫn đi được, thì khi bị ngã thường đau, hậu quả lớn.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến hướng dẫn các sinh viên thực hành chuyên môn.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến hướng dẫn các sinh viên thực hành chuyên môn.

PV: Những người "ngã ngựa" vừa rồi hầu hết đều là đồng nghiệp, có người là học trò của ông. Ông cảm nghĩ như thế nào?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Không phải đáng buồn mà là rất rất buồn. Những câu chuyện đó xảy ra trong lúc ngành Y đang rất cần nhân lực, đang cần phục hồi sau một quãng thời gian dài đấu tranh với dịch giã, khi mà nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đòi hỏi rất cao, thì một số người đứng đầu các bệnh viện, cơ sở y tế lại vướng vòng lao lý. Tôi rất buồn và rất chia sẻ với các đồng nghiệp.

PV: Ông chia sẻ với họ ở góc độ nào? Họ đáng trách, đáng thương hay đáng trừng phạt?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Tôi nghĩ là cả ba góc độ. Họ rất đáng chia sẻ, rất đáng thông cảm, trong đó cũng có những phần đáng chê trách. Cảm xúc của tôi là lẫn lộn. Nhưng, không phải là đã thương cảm rồi thì sao lại còn đáng trách hay trừng phạt. Hay, đã trừng phạt rồi thì sao lại thương cảm. Nhưng, khi phân tích ra thì yếu tố nào cũng hợp lý. Bạn thử hình dung, một người đang ở vị trí lãnh đạo, đang có rất nhiều người dưới mình, có những quan hệ với nhiều người trong xã hội, giờ vướng vòng lao lý thì họ cũng đáng thương chứ. Nhưng, hãy nhớ rằng, khi đối diện với pháp luật, chỉ có một mình mình, vì mọi người trước pháp luật đều bình đẳng. Biết điều đó để thận trọng trong công việc của mình. Nên tôi mới nói là chia sẻ với anh em đồng nghiệp, thương cảm cho anh em, nhưng cũng đáng trách.

PV: Để giải quyết việc thiếu thuốc, vật tư y tế, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang, thiết bị y tế bằng việc tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý. Ông suy nghĩ về điều này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Theo quy định mới thì đã bỏ một số thông tư về đấu thầu trang, thiết bị y tế. Việc thay đổi này chắc chắn sẽ khắc phục nhưng chưa triệt để được ngay vì cần có thời gian. Nhưng, một vấn đề rất quan trọng phải nhắc đến trong nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, đành rằng anh muốn tốt, muốn có lợi cho người dân, nên cứ cái gì rẻ nhất thì mua về để hạ giá thành dịch vụ xuống, thế thì không ổn, hàng tốt làm gì có chuyện giá rẻ. Hàng rẻ thì đương nhiên chất lượng sẽ kém hơn và như thế thì việc điều trị chữa bệnh có hiệu quả hay không. Điều này cũng dẫn đến việc không công bằng cho những người có tiền muốn điều trị thuốc tốt, máy móc tốt, dịch vụ tốt mà các bệnh viện lại không cung cấp được. Quan trọng là quản lý máy móc, thiết bị cho thật tốt chứ không phải là giá rẻ hay đắt. Tôi từng đi chuyên gia y tế ở nước ngoài, tôi thấy có nước nghèo lại không tiết kiệm, ngược lại, giàu như Mỹ mà họ sử dụng vật tư, tiêu hao trang, thiết bị rất tiết kiệm, không lãng phí, bảo dưỡng máy móc rất cẩn thận.

PV: Việc điều chỉnh, thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật đã cởi ra những nút thắt quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách của ngành Y. Theo ông, ngành Y tế nên rút ra bài học gì?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Cần có nhiều thời gian để rút ra những bài học. Thời gian trước, công tác đấu thầu bị đình trệ, không ai dám mua, không ai muốn mua, nhiều giám đốc bệnh viện hoang mang đến nỗi chỉ đạo bên dưới hủy thầu, bỏ thầu, không kí bất cứ văn bản nào liên quan đến đấu thầu vì sợ. May mắn là thời gian này, mọi việc đã bắt đầu được nhìn nhận lại, các máy móc được cho phép hoạt động theo cơ chế mở. Tôi cho rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm quyết liệt nhưng cũng rất thấu hiểu ngành Y, các phiên họp Quốc hội cũng đưa vấn đề này ra bàn nhiều. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũ, không phải ngày một ngày hai thay đổi, tháo gỡ được, nhưng đây cũng là điều đáng mừng trong những nỗi lo, đã có hướng giải quyết cho những vấn đề tồn tại của ngành Y.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến trong một buổi dạy học.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến trong một buổi dạy học.

PV: Ngành Y là một ngành đặc thù. Những người phục vụ trong ngành Y cũng phải thực hiện những công việc đặc thù. Dư luận hiện nay cho rằng, lương của bác sĩ, y tá là thấp so với mặt bằng chung. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Và, muốn cải tổ vấn đề lương, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các y, bác sĩ thì phải có giải pháp gì?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Gần đây, anh em chúng tôi cũng ngồi tâm sự với nhau, cái hồi mới ra trường, bao nhiêu năm làm bác sĩ rồi mới tiết kiệm, ki cóp mua được một chỉ vàng. Mà một chỉ vàng bây giờ là bao nhiêu, chắc chắn là lương điều dưỡng hay bác sĩ cũng có thể mua được hơn một chỉ vàng, tức là thu nhập cao hơn chúng tôi ngày xưa nhiều.

PV: Nhưng, một chỉ vàng hồi đó mua được nhiều thứ, còn một chỉ vàng bây giờ chỉ đi chợ được vài hôm là hết. Nhu cầu ngày xưa cũng không cao như bây giờ. Chắc chắn bây giờ có nhiều khoản phải chi phí hơn.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Đúng rồi. Nhu cầu bây giờ là phải có ôtô đi làm, phải có nhà đẹp để ở thì mức lương đó lại quá thấp. Nhưng, so với mặt bằng chung xã hội thì tôi thấy lương người làm lĩnh vực y tế như thế cũng là tàm tạm, hợp lý. Còn bây giờ thì mình không thể so sánh với Mỹ, với Anh, với Đức về lương bổng cũng như chế độ đãi ngộ của họ đối với ngành Y. Lương của họ sau khi nghỉ hưu vẫn rất cao. Số kêu ca lương thấp không nhiều đâu, nhưng cái quan trọng là họ có nhu cầu được làm việc trong những môi trường thuận lợi, hiện đại...

GS.TS Nguyễn Viết Tiến trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

PV: Vừa rồi xảy ra một tình trạng gọi là chảy máu chất xám khi rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện phía Nam xin nghỉ hoặc chuyển sang bệnh viện tư. Liệu họ có vội vã quá không khi đưa ra quyết định như vậy?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Cũng phải nói là do nhiều yếu tố. Giai đoạn dịch giã áp lực nhiều, lương thưởng thấp trong khi phải làm ngày làm đêm, công việc thì vất vả. Sau dịch thì ở các bệnh viện lại không mua sắm được trang, thiết bị, một số anh em bác sĩ, điều dưỡng cảm thấy không có gì trong tay để hoạt động, làm việc được, trong khi các trường hợp bệnh nhân cần phải mổ, cần phải sử dụng các thiết bị hiện đại lại quá nhiều. Một số khác lại bức xúc vì có những ca bệnh mình có thể giải quyết được trong tầm tay nếu như có trang, thiết bị, giúp bệnh nhân từ chỗ đau đớn chuyển sang trạng thái êm ái, nhưng đành lực bất tòng tâm vì thiếu trang, thiết bị. Họ muốn giúp bệnh nhân mà không giúp được nên họ rời bệnh viện công để đầu quân sang các bệnh viện tư, đây là câu chuyện không phải vì tiền mà vì không được làm việc, trong khi họ muốn được làm việc, muốn được cống hiến.

PV: Chắc chắn ông đã được xem bộ phim "Lằn ranh sinh tử", kể về câu chuyện của các bác sĩ, điều dưỡng và các bệnh nhân của Bệnh viện Hùng Vương trong giai đoạn chiến đấu với COVID-19. Cuộc chiến thực tế như nào thưa ông, nó giống như trong phim hay còn khốc liệt hơn?

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Khốc liệt hơn chứ. Như gia đình tôi, con trai tôi cũng đi vào Bình Dương ở thời điểm căng thẳng nhất chống dịch. Con trai tôi kể, có những trường hợp từ lúc vào viện đến khi gia đình nhận lại chỉ là hũ tro. Thậm chí, có những nhà không còn người đến để nhận hũ tro vì cả gia đình mất hết. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đã rất trách nhiệm, nếu không thì làm sao Hà Nội an toàn được như vậy. So với TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ tử vong ở Hà Nội ít hơn nhiều, vì khi dịch bùng phát khiến TP Hồ Chí Minh không kịp trở tay. Lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện ngoài Bắc đã lên đường vào Nam chống dịch. Hậu quả xảy ra đau xót là vì trong đó nhiều người chưa được tiêm vaccine. Chỉ khi vaccine về thì chúng ta mới hạn chế được tỉ lệ tử vong. Khi nhận thấy vaccine là quan trọng số 1, Chính phủ đã tập trung toàn bộ nguồn lực, vận động, nào là đi xin, nào là bỏ tiền ra mua. Lúc đầu, để có thể tiêm được một mũi vaccine là hiếm, nhưng sau đó thì như các bạn thấy là vaccine về rất nhiều. Dân ta có tâm lý không sợ COVID nữa, mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường.

Lễ trao bảng vàng ghi danh doanh nhân - tri thức tiêu biểu Việt Nam năm 2022 cho GS.TS Nguyễn Viết Tiến

Lễ trao bảng vàng ghi danh doanh nhân - tri thức tiêu biểu Việt Nam năm 2022 cho GS.TS Nguyễn Viết Tiến

PV: Thưa ông, được biết sau khi nghỉ hưu, có nhiều tổ chức trong và ngoài nước săn đón mời ông về làm việc nhưng ông đã từ chối hết và về mở Bệnh viện Phụ sản Thiện An. Đây cũng là bệnh viện của gia đình ông, một gia đình có tới 5 thế hệ làm ngành Y để thỏa mãn đam mê cống hiến cho khoa học. Ông có thể cho biết làm thế nào để ông cân bằng được giữa việc cống hiến cho khoa học và lợi nhuận trong kinh doanh vì rõ ràng mở bệnh viện tư cũng là một mô hình kinh doanh.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Đây là câu hỏi rất hay nhưng cũng là câu hỏi khó. Còn nếu nói là sau khi thôi làm thứ trưởng thì tôi không cống hiến nữa, không làm việc nữa thì hoàn toàn không phải. Tôi nghĩ rằng, sau khi nghỉ hưu, tôi còn cống hiến nhiều hơn trước và cống hiến hiệu quả hơn. Với học hàm giáo sư, theo quy định là tôi còn có thể ở lại làm việc 10 năm nữa, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ làm việc theo cách của tôi sau khi nghỉ hưu, thay vì ở lại hoặc làm cho tổ chức nào đó. Còn bạn nói về khía cạnh kinh doanh, tôi luôn nghĩ làm thế nào để tất cả những người làm việc cùng tôi đều cảm thấy thoải mái, người ta thích thú, thậm chí tôn sùng mình như một người thủ lĩnh thực thụ của họ. Cho đến bây giờ, tôi cảm thấy ở bệnh viện này một tinh thần như vậy. Khi anh làm tốt, anh làm một cách nghiêm túc thì không có chuyện lỗ đâu, chắc chắn như thế. Thời gian đầu làm bệnh viện tư, ít người biết đến, nhưng tôi không làm theo kiểu xô bồ, không quảng cáo kiểu vác loa ra giữa đường mà cứ để "hữu xạ tự nhiên hương". Đó là quan điểm của tôi. Nhân viên của tôi bây giờ có hơn 100 người, nguyên tắc số 1 của tôi là phải đảm bảo được cuộc sống của họ, lương thưởng phải đầy đủ. Nếu đến ngày trả lương mà chưa có đủ, tôi sẵn sàng vay tiền ngân hàng để trả cho nhân viên. Tôi mở bệnh viện này cũng vay ngân hàng khá nhiều đó. Với cách làm như vậy thì dần dần tôi chiêu mộ được khá nhiều anh em, ai cũng có nhu cầu được cống hiến.

Hôm trước có đoàn kiểm tra của Sở Y tế đến, người ta hỏi bệnh nhân, nếu còn bệnh, có quay lại đây chữa trị không, 100% bệnh nhân đều bảo sẽ quay lại vì họ thấy hài lòng. Cái quan trọng nhất là hiệu quả rồi mới đến phong cách phục vụ người bệnh khiến người ta yên tâm và bệnh viện phải nói thẳng là toàn những người giỏi, có những kĩ thuật mà chỉ bệnh viện này làm được, ví dụ như kĩ thuật mổ nội soi rồi cắt sẹo khi mổ lấy thai, bóc u tử cung, mổ nội soi trong buồng tử cung... thì rất nhiều nơi đến học tập. Khi tôi chiếu video cho chuyên gia Pháp về kĩ thuật mổ nội soi, người ta cũng phải trầm trồ và mong muốn được học tập để đưa kĩ thuật về nước họ. Người này điều trị hiệu quả truyền cho người kia cũng là lý do khiến nhiều người biết đến bệnh viện mà không cần quảng cáo.

Trong thực tiễn, gặp những trường hợp trường hợp nào cần giúp và thực sự nên giúp thì chúng tôi sẽ dang tay giúp họ. Chúng tôi cũng đã giúp không ít trường hợp, ví dụ như một cặp vợ chồng ở Yên Bái, vợ chồng họ đều làm công nhân, rất nghèo. Nhiều năm lấy nhau nhưng không có con, đến khi được tôi điều trị, gặp khá nhiều sự cố như băng huyết này kia, họ cũng chỉ đủ chi phí thuốc men ban đầu thôi, nếu bảo họ về nằm viện thì chắc chắn sẽ hỏng thai, thậm chí đe dọa đến tính mạng người mẹ nên tôi quyết định mời họ ở lại, giúp đỡ cả hai vợ chồng trong mọi vấn đề sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, chỗ ở. Sau này, người vợ sinh được đứa con 2,9 cân, họ mừng lắm và tôi cũng rất vui!

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Như Bình - Đinh Hiền (thực hiện)

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/ve-huu-toi-con-giup-duoc-nhieu-nguoi-hon-i693094/