Một góc hòn Nghệ – nơi đặt bức tượng Phật Bà Quan Âm cao khoảng 20 mét trên đỉnh núi. Từ phía xa xa, thậm chí từ đất liền ở khu vực mũi Hòn Chông (xã Bình An, huyện Kiên Lương) cũng có thể nhìn thấy bức tượng, do đảo chỉ cách đất liền hơn 10km. Ảnh: Đoàn Đại Trí
Cũng như hầu hết các hòn đảo ở vùng biển Tây Nam, hòn Nghệ cũng có những bãi cát thoai thoải bên bờ biển trong xanh. Tuy nhiên, do đảo chủ yếu là các dãy núi đá nên quy mô của các bãi cát này khá nhỏ. Ảnh: Đoàn Đại Trí
Do nằm gần bờ và có các dãy núi che từ phía trước, quanh hòn Nghệ có rất nhiều nhà bè, ghe thuyền của ngư dân. Thậm chí, đây còn là một trong những khu vực nuôi cá bớp lồng bè lớn nhất của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Khương Nhựt Minh
Cá bớp ở đây sau khi trưởng thành (khoảng 8 đến 12kg) được người dân đưa vào bán ở Rạch Giá hay đưa ra Phú Quốc phục vụ nhu cầu khách du lịch. Ảnh: Đoàn Đại Trí
Dù du lịch ở hòn Nghệ chưa phát triển nhưng nơi đây cũng có đầy đủ các dịch vụ phục vụ du khách như tắm biển, câu cá, lặn biển… Trên đảo, du khách cũng có thể thuê xe gắn máy để di chuyển. Đảo khá nhỏ, chỉ di chuyển khoảng 30 phút là hết một vòng quanh đảo. Ảnh: Đoàn Đại Trí
Có hai cách chủ yếu để du khách di chuyển tới hòn Nghệ và đều bằng ghe tàu là từ thành phố Rạch Giá và thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương), với hải trình tương đương nhau là khoảng 25km. Ngoài ra, mỗi ngày đều có hàng chục ghe tàu gỗ của ngư dân di chuyển từ khu vực xã Bình An ra hòn Nghệ để vận chuyển nhu yếu phẩm cũng như đem cá, tôm về. Ảnh: Đoàn Đại Trí
Cuộc sống ở hòn Nghệ khá yên bình và lặng lẽ. Nơi đây còn có một loài chim tên là “lấu lấu” rất nhiều, di chuyển khắp đảo và gần gũi với con người. Ảnh: Đoàn Đại Trí
Trên đảo ngoài chùa Liên Tôn Cổ tự còn khá nhiều địa điểm tâm linh của ngư dân như miếu bà Chúa Xứ, dinh Nam Hải… Ảnh: Đoàn Đại Trí
Ở đảo ít quán ăn nên nếu du khách muốn ở đảo qua đêm phải ra chợ mua sẵn đồ hải sản về cho nhà nghỉ nấu giùm. Bù lại, giá hải sản ở hòn Nghệ khá rẻ, tươi ngon. Ảnh: Đoàn Đại Trí