Về lại chiến trường xưa
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập niên, nhưng mỗi lần về lại chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang hướng về các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này, lòng tôi lại trào dâng niềm cảm xúc bùi ngùi, tiếc thương, luyến nhớ...
Từ Đông Trường Sơn...
Tôi về lại vùng đất phía Đông tỉnh vào những ngày cuối tháng 5-2021. Đã có những cơn mưa đầu mùa, không khí trở nên dịu lại sau những ngày nắng hạn dai dẳng. Sau mấy chục năm mới có dịp trở lại vùng này, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu nói với tôi rằng, ngày xưa, để đến được quê hương Anh hùng Núp, có những lần anh phải mất cả ngày đường... Anh Thu giải thích, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, để đến được vùng căn cứ cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) phải di chuyển bằng nhiều phương tiện, đôi khi gặp một cơn mưa rừng bất chợt thì phải bỏ xe đi bộ. Giờ đây, từ quốc lộ 19-đoạn đối diện với Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, xe ô tô rẽ vào đường Trường Sơn Đông theo hướng Bắc thẳng tiến. Sau vài tiếng đồng hồ uốn lượn trên những con dốc, triền đồi, xe chúng tôi đã có mặt tại vùng căn cứ xưa của tỉnh Gia Lai trong thời chống Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng Đông Gia Lai nói chung, An Khê-Kbang nói riêng là những địa bàn rất ác liệt. Khi đổ bộ vào miền Nam, quân đội Mỹ đã chọn An Khê làm căn cứ của Sư đoàn Không vận số 1. Đây là căn cứ quân sự đầu tiên và lớn nhất của Mỹ ở Tây Nguyên khi chúng đưa quân vào tham chiến trên chiến trường này. Về hướng Đông Bắc An Khê, tại thung lũng Ka Nak (huyện Kbang), địch duy trì ở đấy một tiểu đoàn biệt kích với tiền đồn quy mô kiên cố, thường xuyên có mặt hơn 450 lính, trang bị vũ khí đầy đủ. Dọc đường 19, từ đầu đèo An Khê, nơi giáp ranh với tỉnh Bình Định đến chân đèo Mang Yang, ngoài 2 tiểu đoàn quân Đại Hàn và nhiều đồn bốt của quân địa phương án ngữ, chúng thường xuyên càn quét, đánh phá ra vùng giải phóng của ta, hòng ngăn chặn hành lang Bắc-Nam qua quốc lộ 19 và các đường hành lang “xương cá” Đông-Tây giữa các tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên. Những năm chiến tranh chống Mỹ, vùng Đông Gia Lai là một trong những địa bàn có tính chiến lược của cả ta và địch. Vì vậy, sự ác liệt, gian khổ, hy sinh mà lực lượng quân-dân-chính của ta phải trải qua là không thể đo đếm. Biết bao đồng bào, đồng chí của ta đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường này.
Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: “Với chiến thắng Đak Pơ năm 1954, chúng ta đã xây dựng được Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Vậy thì không lý gì với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử như chiến thắng Plei Me mà chúng ta lại không làm được điều tương tự. Chưa nói nơi này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là trách nhiệm của chúng ta để ghi dấu lại chiến công này, đồng thời là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do của dân tộc”.
Về thăm căn cứ Krong, thông tin tiếp nhận đầu tiên từ sơ đồ các điểm đến là những đền thờ, nhà bia tưởng niệm ghi dấu lịch sử của vùng căn cứ địa cách mạng tỉnh Gia Lai. Đặc biệt là Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak, Đak Pơ, Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê... Dâng nén nhang lòng của người còn lại sau cuộc chiến, chúng tôi tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ. Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, nhà báo Đào Cát Hùng (Báo Nhân Dân) không khỏi bùi ngùi xúc động khi nghe tôi kể lại những đồng đội đã nằm lại ở những nơi này. Thực ra đây không phải lần đầu, mà đã từ rất lâu rồi, khi có điều kiện trở về chiến trường xưa, tôi lại đến với các anh, chị, đồng đội, đồng chí ở những nơi họ nằm lại, chứ không cứ gì phải đợi đến các ngày lễ, Tết.
Như gặp người cũ trở về, anh nhân viên quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê liền chạy lại phía tôi để chào hỏi. Vừa giúp chúng tôi châm lửa cho những bó nhang, anh vừa cho hay, nghĩa trang này luôn được lãnh đạo thị xã quan tâm đầu tư sửa sang, tôn tạo. Nghe nói sắp đến lãnh đạo thị xã sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa để xây dựng nhà tưởng niệm bên ngoài khuôn viên nghĩa trang. Nếu được thế thì gia đình, người thân, đồng đội của các liệt sĩ sẽ ấm lòng biết chừng nào!
…Đến phía Tây tỉnh
Ngày 20-11 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày kết thúc Chiến dịch Plei Me (từ 19-10 đến 19-11-1965), tôi dẫn đoàn cán bộ, hội viên Ban Liên lạc kháng chiến của tỉnh về Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông và Bia chiến tích chiến thắng Plei Me để thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Plei Me là trung tâm huấn luyện biệt kích của địch nằm trên địa bàn K5 (huyện Chư Prông), cách Pleiku khoảng 30 km về phía Tây Nam. Đây là tiền đồn bảo vệ mặt trận Tây Nam thị xã Pleiku, là bàn đạp cho các cuộc hành quân, càn quét của địch nhằm đánh phá vùng căn cứ dọc tuyến hành lang Bắc-Nam của ta. Chúng coi Đồn Plei Me là vị trí biên phòng mạnh và hiểm yếu, một mắt xích quan trọng trong phòng ngự phía Tây Nam thị xã Pleiku và cũng là căn cứ của Quân đoàn II ngụy. Vì vậy, chiến trường này cũng hết sức ác liệt, ngày đêm địch càn quét, phục kích, nống ra vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta, gây nhiều khó khăn, tổn thất.
Chiến dịch Plei Me mở ra nhằm xóa sổ “cái gai” trung tâm biệt kích của địch. Nhiệm vụ của chiến dịch được cấp trên giao là tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực của Mỹ-ngụy tại chiến trường Plei Me-Ia Drăng, củng cố, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa, bảo đảm thông suốt hành lang Bắc-Nam đi qua vùng giáp ranh biên giới với Campuchia. Và nhiệm vụ đó của chiến dịch đã hoàn thành. Chiến thắng Plei Me đã chứng minh rằng, quân dân Tây Nguyên có thể đánh và đánh thắng cấp tiểu đoàn quân Mỹ, mà cụ thể ở đây là một bộ phận của Sư đoàn Không vận số 1, là đơn vị tinh nhuệ, được trang bị vũ khí hiện đại, cơ động nhanh bằng trực thăng vận... Chiến thắng Plei Me càng thôi thúc khí phách anh hùng, củng cố thêm niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ của quân và dân miền Nam nói chung, Tây Nguyên và Gia Lai nói riêng.
Để có chiến công vang dội trong Chiến dịch Plei Me, nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến và đồng bào ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Theo sự hướng dẫn của nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Prông Nguyễn Quốc Dũng, mới đây, chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử chiến thắng Plei Me. Đặc biệt, chúng tôi thăm lại nơi trước đây đặt trạm phẫu tiền phương của Chiến dịch Plei Me ở xã Ia Pia, mà người dân ở địa phương gọi là “Nhà thương”. “Nhà thương” nằm sâu trong một vách đá rộng, theo quan sát của chúng tôi, nơi này có thể thu nạp đến hàng trăm thương binh cùng lúc. Người dân địa phương cho biết, vùng ấy trước đây là rừng rậm, suối sâu, thác lớn, rất an toàn khi có bom pháo của địch dội xuống và đảm bảo bí mật, bất ngờ với địch. Quan sát xung quanh khu vực, giờ là đồi cỏ dại và cây bụi lúp xúp, sau những cơn mưa đầu mùa đã vươn mình nảy chồi đâm rễ. Quanh hang động “Nhà thương” là mênh mông những đồi cà phê, hồ tiêu, ruộng lúa tươi xanh bát ngát. Nhưng, tôi không tìm thấy một dấu tích nào sót lại để có thể nhận ra nơi chôn cất liệt sĩ ngày trước. Tôi đoán rằng ở quanh đâu đây có lẽ vẫn còn những liệt sĩ nằm lại, như hầu hết các trạm phẫu tiền phương trên dải đất hình chữ S này... Để có cứ liệu khẳng định vấn đề này, có lẽ cần tổ chức thu thập thông tin, hội thảo khoa học bài bản.
Trong chuyến thăm Di tích lịch sử chiến thắng Plei Me ngày 27-11-2019, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và huyện Chư Prông cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình ghi công, tưởng niệm liệt sĩ ở đây. Thế mà cho tới nay, sau ngần ấy thời gian, địa phương và ngành chức năng hình như chưa có một kế hoạch cụ thể nào về nguồn vốn đầu tư xây dựng di tích. Chúng tôi hy vọng, mong mỏi ngoài sự đầu tư từ ngân sách thì các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân cùng chung tay góp sức xây dựng nơi thờ phụng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Plei Me.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202107/ve-lai-chien-truong-xua-5745116/