Về lại 'xóm anh hùng'
Hòa bình lập lại đã gần nửa thế kỷ, nhưng ở xóm Mù U- nơi từng có 52 gia đình thì đều là gia đình thương binh, liệt sĩ- đâu đó dưới những mái nhà, 'vết thương' từ chiến tranh vẫn chưa thể liền miệng.
Những liệt sĩ không tìm được hài cốt
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở xóm Mù U (tên hành chính là xóm Tân An, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), ông Nguyễn Đến nằm nghỉ ngơi sau thời gian đồng áng vất vả. Ở tuổi xế chiều, ông Đến sống một mình bởi vợ đi làm ăn xa tận miền Nam, con cái thành gia thất đã ra riêng.
Thắp nén hương lên di ảnh của ba, mẹ và bà nội, giọng ông trầm buồn: “Ba tôi là Nguyễn Nhất, đi bộ đội và hy sinh năm 1973 ở sông Re, thuộc khu vực phía tây Quảng Ngãi. Khi ông mất, tôi chỉ tầm 13 tuổi”.
Ông Đến năm nay 63 tuổi, là con giữa trong gia đình có 3 anh em. Ba hy sinh nơi chiến trường, mẹ ông - bà Phan Thị Định- vừa tảo tần làm lụng, vừa chở che các con dưới làn đạn kẻ thù. Không chỉ bà nội, bà ngoại của ông Đến cũng là mẹ Việt Nam Anh Hùng bởi có 2 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Chiến tranh qua đi, nhưng ba ông Đến đến vẫn nằm lại đâu đó ở con sông, ngọn núi nơi chiến trường xưa. Nhiều lần gia đình cất công đi tìm, lần nào cũng thất vọng trở về.
“Mẹ tôi mất cách đây 3 năm, lúc đó bà 89 tuổi và vẫn day dứt vì chưa tìm được mộ chồng. Mấy anh em tôi tính, sẽ viết thư ra Trung ương tìm kiếm những đồng đội của ba, nếu họ còn sống biết đâu sẽ có thêm thông tin”, ông Đến nói.
Ông Đến không phải là trường hợp duy nhất ở xóm Mù U chưa tìm được hài cốt người thân đã hy sinh trong thời chiến. Cách nhà ông Đến chừng vài chục mét là nhà ông Đỗ Văn Dây-con của liệt sĩ Đỗ Văn Đây, hy sinh năm 1968 ở khu vực giáp ranh giữa huyện Nghĩa Hành và huyện Mộ Đức- cũng trong tình cảnh tương tự.
“Ba hy sinh mấy năm thì đến năm 1971, mẹ tôi cũng bị đạn Mỹ bắn chết ngay trong vườn nhà, khi ấy tôi 9 tuổi, đang ngồi học bài trong nhà, còn em trai là Đỗ Văn Tư mới 7 tuổi”, ông Dây rưng rưng.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình tan đàn xẻ nghé, 2 anh em ông Dây phải ly tán bởi thiếu người chăm sóc. “Em trai còn nhỏ nên phải gửi bà con nuôi, còn tôi vẫn ở đây, ai mướn gì làm đó. Cứ thế rồi lớn lên”, ông Dây kể.
Những năm tháng ác liệt dần trôi qua, 2 anh em ông Dây dần trưởng thành và lại bắt đầu đi tìm mộ cha. Nhưng những thông tin mơ hồ, cộng thêm với việc mở đường ở khu vực ba ông từng hy sinh khiến việc tìm kiếm không mấy khả quan.
“Càng về sau này càng khó tìm, chỉ tự an ủi biết đâu ba tôi đã được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, là một trong số những ngôi mộ vô danh”, ông Dây xót xa.
Nhờ địa thế hiểm yếu và nhân dân đoàn kết một lòng, xóm Mù U (Tân An) đã trở thành vùng căn cứ cách mạng của khu Đông huyện Mộ Đức. Xóm có 52 gia đình thì đã có 50 gia đình liệt sỹ, 2 gia đình có công với cách mạng, 18 mẹ Việt Nam Anh Hùng, 60 liệt sỹ cùng nhiều thương binh, người từng bị địch đày đi Côn Đảo.
Trong cuốn địa chí Mộ Đức ghi: "Ngay từ kháng chiến chống Pháp, Nhân dân Tân An đã góp sức đắp lũy nhằm ngăn cản quân Pháp đổ bộ bằng đường biển. Lũy được đắp bằng đất cát chạy dọc theo xóm, cao khoảng 5m, mặt lũy rộng 4m, chạy song song với bờ biển. Tại lũy Tân An, ta đã dùng các loại vũ khí thô sơ để đánh địch, như lựu đạn nằm từ xa kéo dây, khi có địch đến mới giật nổ. Nhờ lũy Tân An và tinh thần dũng cảm, nhân dân Tân An đã ngăn chặn hiệu quả sự đột nhập, đánh phá của địch, góp phần giữ vững và ổn định vùng tự do".
Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tân An tiếp tục trở thành căn cứ cách mạng, đồng thời cũng trở thành nơi ghi dấu tội ác của quân xâm lược. Vào ngày 22/6/1966, hải quân Mỹ từ ngoài khơi dùng pháo hạm bắn vào bãi biển Tân An, làm chết và bị thương hơn 100 ngư dân thuộc các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Lợi. Riêng xã Đức Phong có 49 người chết, 39 người bị thương...
Bị địch đánh phá liên tục nhưng 52 hộ dân xóm Mù U đều một lòng bám đất nuôi dấu các chiến sĩ cách mạng. Những thanh niên mới lớn lên trong xóm, ai cũng được cha mẹ cho đi du kích.
Những lá thư gửi người dân xóm Mù U
Trong ký ức của nhiều người lớn tuổi ở xóm Mù U- nơi từng được cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần gửi thư thăm hỏi, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống - vẫn còn nguyên niềm vui, tự hào khi nhắc về ông, dù hàng chục năm đã trôi qua.
Ngược dòng thời gian về với ngày 26/3/1999, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Vụ (86 tuổi) kể lại: "Người dân Tân An ngày ấy, ai nấy đều bất ngờ khi nhận được thư thăm hỏi của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, sự quan tâm, căn dặn ấm tình đến người dân ở một xóm nhỏ, thực sự khiến mọi người rất xúc động và tự hào. Lúc ấy, Tổng Bí thư gọi tên làng bằng cái tên Mù U thân thương, thay vì gọi bằng tên hành chính là Tân An”.
Trong thư có đoạn viết: “Trước đây, tôi chưa có điều kiện tham gia hoạt động ở chiến trường Quảng Ngãi, nhưng tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần kiên cường, bất khuất, nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự đùm bọc nuôi dưỡng của Nhân dân Quảng Ngãi đối với lực lượng vũ trang là một tấm gương sáng cả nước đều biết”.
Không dừng lại ở việc động viên, thăm hỏi, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn gửi thư đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi căn dặn: “Các đồng chí phụ trách công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đi tận cơ sở, công phu nghiên cứu thực tiễn, có biện pháp thực tế giải quyết các nguyện vọng của Nhân dân, hướng dẫn cho cấp dưới và đôn đốc kiểm tra mọi việc đến nơi đến chốn”.
Theo ông Vụ, người dân địa phương thời ấy chưa từng gửi kiến nghị nào đến cấp Trung ương. Nhưng cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn quan tâm, theo sát đời sống người dân nên dặn dò như vậy.
“Năm 2002, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trực tiếp về xóm Mù U thăm và tổ chức họp mặt người dân xóm nhỏ này. Ngày đó cả xóm chúng tôi ai nấy đều mừng rỡ, cả một hội trường rộng lớn chật kín người ngồi", ông Vụ hồi tưởng.
Thế rồi, sau cuộc họp mặt ấy, năm 2003, người dân xóm Mù U được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đóng mới 2 chiếc tàu công suất lớn vươn khơi, bám biển. Bác Lê Khả Phiêu lại tiếp tục gửi thư về chung vui với bà con.
Đừng để xóm anh hùng bị “bỏ quên”
Đôi mắt đã không còn nhìn thấy được gì nữa, nhưng người thương binh Nguyễn Ngọc Độ (67 tuổi) vẫn thành thạo mở cửa nhà tưởng niệm, thắp hương cho những người ở xóm Mù U đã ngã xuống.
Gia đình ông Độ 6 anh chị em đều tham gia cách mạng, 1 người hy sinh, 5 anh em còn lại là thương binh. Ông Độ là em út trong nhà, tham gia du kích từ năm 16 tuổi. Sau đó, ông Đô bị thương, mắt giảm dần thị lực, thời gian sau thì mù hẳn.
“Ngày trước, ngay chỗ nhà tưởng niệm này có mấy cây mù u to lắm. Cái tên xóm Mù U là từ đấy mà ra. Xóm này còn có tên “Cây số 52” - là mật danh của căn cứ địa cách mạng Tân An trong kháng chiến chống Mỹ. Con số 52 chính là biểu tượng cho 52 hộ gia đình sống tại nơi này. 2 tên gọi này được mọi người gọi và nhắc mãi đến ngày nay”, ông Độ nói.
Trầm mặc trong những suy nghĩ, ông Độ khe khẽ thở dài: “Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, cái xóm Mù U này còn nghèo quá, ít được đầu tư. Như cái nhà tưởng niệm đây, cũng là Nhân dân góp tay xây dựng”.
Vài năm trước, nghề nuôi tôm thất bát bởi dịch bệnh, một số người dân xóm ven biển Mù U lại rời làng, lưu lạc mưu sinh.
“Trong 8 khu dân cư của thôn, xóm Mù U được xem là khá nhất, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ cận nghèo và nghèo. Đặc biệt, nơi đây chỉ có mỗi tuyến đường chính của thôn được bê tông, gần đây nhất là tuyến đường ra biển Tân An vừa được đầu tư, còn các đường ngang trong xóm vẫn là đường đất, cát”, trưởng thôn Lâm Hạ Võ Thành chia sẻ.
Tuổi cao, sức yếu, ông Nguyễn Vụ vẫn đau đáu với xóm Mù U và dõi theo từng bước phát triển của mảnh đất từng gánh chịu nhiều đau thương này.
“Mù U là xóm anh hùng, trước kia hầu như ai cũng biết đến. Có điều, trải qua nhiều năm, xóm vẫn còn nghèo, nhiều người phải đi làm ăn xa. Chỉ mong xóm nhỏ này sẽ được quan tâm nhiều hơn, bù đắp phần nào sự mất mát do chiến tranh gây nên, đừng để xóm này bị lãng quên”, ông Vụ trăn trở.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ve-lai-xom-anh-hung.html