Về làng để nghe 'hơi thở' của gốm
Một nhóm người trẻ muốn đưa công chúng về làng trải nghiệm tự tay nặn, vẽ gốm và tương tác với các sản phẩm gốm truyền thống.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, một nhóm người trẻ muốn đưa công chúng về làng trải nghiệm tự tay nặn, vẽ gốm và tương tác với các sản phẩm gốm truyền thống.
Dòng chảy sáng tạo dọc sông Hồng
Theo Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, năm nay với chủ đề “Dòng chảy” được tổ chức từ ngày 17 - 26/11 kỳ vọng sẽ mang tới những trải nghiệm mới mẻ nhằm đánh thức di sản tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, di sản công nghiệp Nhà máy xe lửa Gia Lâm… khiến các địa điểm này trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.
Cùng với đó, tuyến trải nghiệm của lễ hội nhằm phát huy các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận/huyện dọc hai bên sông Hồng sẽ mang lại những giá trị và sức sống mới cho di sản Thủ đô trong quá trình tái thiết đô thị, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, hướng đến phát triển bền vững.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; được thể hiện đa dạng qua hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc hoành tráng, 16 triển lãm, 17 hội thảo - tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo.
Nội dung các sự kiện xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo dọc hai bên bờ sông Hồng.
Với sự tham gia của hơn 200 tổ chức, nhà sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ và một số nhóm như: Hanoi Indie Troupe, Vạn Thiên Ý, Tò he, Think Playground, Á Space, Heritage Space… hứa hẹn mang lại giá trị trải nghiệm đặc sắc cho công chúng.
Điểm nhấn thú vị của lễ hội năm nay là lần đầu tiên người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm năm tại Thủ đô dưới một góc nhìn khác, mang đến một trải nghiệm độc đáo, thú vị nhằm “đánh thức” di sản đang bị quên lãng.
Công trình tháp Hàng Đậu, cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên… đã được các kiến trúc sư, nghệ sĩ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.
Lễ hội năm nay còn bao gồm 9 show trình diễn thời trang - âm nhạc truyền thống kết hợp chất liệu điện tử... truyền cảm hứng cho tất cả khán giả tham gia, đặc biệt là những cá nhân tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế. Đông đảo các nghệ sĩ góp mặt trong chương trình như: Đồng Quang Vinh, DJ Minh Trí, ca sĩ Bảo Trâm...
Theo ban tổ chức, 5 trường đại học cũng tham gia lễ hội với các chương trình trình diễn thời trang chủ đề dân gian đương đại: ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Hòa Bình, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW.
Về làng để thấy “vàng nghề”
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, “Về làng” - nhóm những người trẻ yêu mến di sản truyền thống mang đến không gian trải nghiệm và tương tác “Hơi thở của gốm”, giúp công chúng trải nghiệm tự tay nặn gốm, vẽ trên gốm cùng với sự hướng dẫn của những thợ gốm, các nhà thiết kế tài hoa.
Bên cạnh không gian trải nghiệm, “Hơi thở của gốm” cũng trưng bày các sản phẩm gốm đậm chất Việt Nam, đặc biệt là gốm mộc truyền thống không men qua các ứng dụng tượng phật, bình lọ hoa… và men sử dụng hiện đại trên gốm được thiết kế ứng dụng qua bộ sản phẩm 12 con giáp đến từ các nghệ nhân trẻ ở nhiều làng nghề của Việt Nam.
Ngoài gốm, “Về làng” cũng mang đến không gian trưng bày các sản phẩm thủ công với chất liệu sơn mài, nghệ thuật uốn đồng, mây tre, cói, thổ cẩm… không chỉ mang lại cơ hội tiếp xúc và giao lưu với sản phẩm của tinh thần sáng tạo dân gian, mà còn khơi gợi niềm tự hào và ý thức gìn giữ các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Anh Ngô Quý Đức cho biết, sau thời gian hàng chục năm rong ruổi tại các làng nghề, đến tháng 5/2020 anh đã sáng lập dự án “Về làng” với mong muốn đưa các giá trị văn hóa của làng quê, của nghề truyền thống, của các sản phẩm thủ công Việt đến với cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.
Kinh nghiệm từ những chuyến đi đã giúp Ngô Quý Đức trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề. Không chỉ giúp cho sản phẩm truyền thống đi được xa hơn, anh còn đóng vai trò như một “bác sĩ tâm lý” khi động viên nghệ nhân, hay các gia đình giữ nghề truyền thống tiếp tục theo nghề.
Anh Đức kể, trong lần về Nam Định thăm làng làm trống bỏi, nhưng cả làng chỉ còn một gia đình giữ nghề. Qua trò chuyện mới biết làm nghề này không sống được nên gia đình dự định sẽ đốt hết các khuôn còn lại. Xót xa trước thực trạng đó, anh Đức đã khuyên gia đình nên gìn giữ nghề cổ, giữ lại các khuôn, các kỹ thuật nghề để sau này có thể cải tiến.
Anh Đức cũng chia sẻ câu chuyện về chuyến đi tìm hiểu một số làng nghề ở Bắc Ninh của cô Mari - một du khách đến từ Pháp. Khi đến thăm làng làm mì gạo, cô rất ngạc nhiên bởi các sợi mì, bánh đa... nếu ăn không thì thật là nhạt nhẽo nhưng khi kết hợp với nước dùng cùng các loại gia vị của Việt Nam lại tạo ra một món ăn đậm đà – đến nỗi vị khách này thốt lên: “Từ giờ mỗi khi ăn các món đó, tôi sẽ nhớ đến buổi đi ngày hôm nay”.
Có thể nói, mỗi chuyến về làng là một kỷ niệm. Hơn thế nữa việc giúp công chúng biết tới làng nghề, tiếp cận sản phẩm tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại không chỉ khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ của nghệ nhân, mà còn giúp lan tỏa quảng bá nét văn hóa ra với công chúng thế giới.
“Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm sáng tạo dẫn đầu Đông Nam Á. Sau 3 năm triển khai, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tiếp tục khẳng định nguồn lực sáng tạo và bản sắc Hà Nội; khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối phát triển công nghiệp văn hóa”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ve-lang-de-nghe-hoi-tho-cua-gom-post660504.html