Về 'làng Khoa bảng' xem bà con nông dân làm du lịch
Làng Khoa bảng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang phục dựng nhiều tích xưa trở thành các sản phẩm du lịch để thu hút du khách tới tham quan. Đây cũng là cách để địa phương giới thiệu về vùng đất hiếu học, giàu nhân kiệt - quê hương của những tên tuổi ''vang danh sử sách''.
Thời gian qua, làng Khoa bảng Quỳnh Đôi phục dựng nhiều tích xưa như "cơm cá gỗ", gánh nước nồi đất, tái hiện cảnh Hồ Xuân Hương lấy nước.... Khi du khách đến tham quan mảnh đất địa linh nhân kiệt Quỳnh Đôi sẽ được nghe kể những câu chuyện về các "ông Nghè, ông Tổng", sự lam lũ, chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây.
Hình ảnh các cô "thôn nữ" ở làng Quỳnh Đôi gánh nước trong câu chuyện của "Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương ở Giếng Bà Cả để lại sự tò mò, thích thú cho du khách. Tích "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" được dựng lại thành tiểu phẩm, có trong tour "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang", rất hấp dẫn khách du lịch.
Theo ông Hồ Phi Sinh (85 tuổi), người trông coi nhà thờ và lăng mộ của Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, "diễn viên" trong các tiểu phẩm đều là người dân trong xã. "Việc đưa những câu chuyện xưa vào làm du lịch là một cách quảng bá truyền thống hiếu học của làng qua nhiều thế hệ. Phía sau thành công, đỗ đạt của những người dân trong làng là nỗ lực, vượt khó vươn lên…", ông Sinh nói.
Ngoài tiểu phẩm "Ông đồ Nghệ và con cá gỗ" trong tour du lịch, ngay tại cổng làng Quỳnh Đôi, du khách còn được xem tiểu phẩm "Người đã về đây". Đây là tiểu phẩm tái hiện lại cảnh năm 1903, Bác Hồ cùng người anh được cụ Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo, ghé thăm và ở lại làng Quỳnh Đôi một thời gian…
Về làng Quỳnh Đôi, du khách còn được thăm di tích thờ Quỳnh Quận Công (trong làng Quỳnh ngày nay) là cụm bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, lăng mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. Cách đó không xa là cụm di tích đền Thần thờ Thành hoàng làng, giếng cổ Bà Cả gắn liền hình ảnh gánh nước trượt chân của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tại đây du khách có thể mặc thử trang phục xưa, gánh nước nồi đất và tái hiện cảnh Hồ Xuân Hương lấy nước…
Chị Phan Hương Mai, du khách đến từ Thanh Hóa cho biết, từ nhiều năm nay đã nghe bạn bè nói nhiều về trải nghiệm thú vị ở làng khoa bảng này. "Dịp năm mới, tôi đưa cả gia đình về thăm Quỳnh Đôi. Những hoạt động du lịch ở đây giúp tôi hiểu rõ hơn về câu chuyện ăn cơm cùng cá gỗ trước đây", chị Hương Mai nói.
Thuyết minh viên Cù Thị Nhàn (40 tuổi) chia sẻ với du khách: "Cây đa, giếng nước, mái đình là những hình ảnh gần gũi, thân thuộc đối với mỗi làng quê Việt Nam. Giếng Bà Cả không chỉ để lấy nước ăn, mà còn quan niệm là giếng phong thủy bởi nằm ở tâm của Đền Thần, nhà Thánh (nơi thờ Khổng Tử) và nhà Hiền từ (thờ các bậc đỗ dùng, độc thân), hiện nay chỉ còn nền móng và vị trí. Đến nay, thế hệ con cháu đang có kế hoạch để phục dựng lại".
Xã Quỳnh Đôi còn gọi là làng Quỳnh Đôi hay Làng Quỳnh có bề dày lịch sử hơn 600 năm. Đây là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng hay đỗ đạt và người giữ vị trí trọng trách cao như vua Quang Trung – Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), Thi sỹ danh nhân văn hóa thế giới Hồ Xuân Hương, Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích đậu Hoàng Giáp, Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các...
Theo các cụ cao niên trong làng, xưa kia làng có hai nghề chính, thứ nhất là nghề "học", làm "thầy đồ" đi khắp các địa phương khác để dạy học. Thứ hai là nghề dệt, nghề nuôi các sỹ tử đi học, đi thi rồi trở thành quan hay thầy đồ.
Có lẽ hiếm có xã nào ở Việt Nam lại có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như ở Quỳnh Đôi. Ngôi làng nhỏ có đến 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử cấp tỉnh. Có thể kể đến như đền Thần, đình làng, nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, đền thờ Hoàng Khánh, đền thờ Quận công Hồ Sỹ Dương, nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, nhà thờ họ Dương.
Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết, được sự hỗ trợ từ một người con Quỳnh Đôi sinh sống ở Hà Nội, xã quyết định triển khai các tour du lịch để quảng bá đất và người, lịch sử của làng. "Năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đến khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương từng bước nghiên cứu, đánh giá tài nguyên và thống nhất các ý tưởng, các bước triển khai.... Từ đó, những nét du lịch ở làng Quỳnh dần được hình thành", ông Hồ Sỹ Hưng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, do mới bắt đầu làm du lịch nên các sản phẩm có thể vẫn còn đơn điệu. Thời gian tới, xã dự kiến giới thiệu nhiều sản phẩm thú vị. Trong đó có những sản phẩm du lịch về đêm, như các chương trình ca nhạc, dân ca ví, giặm.