Ngày 2/2 (12 tháng Giêng Âm lịch), tại làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An) diễn ra lễ giỗ Tổ nghề mộc. Từ sáng sớm, lễ tế Tiền hiền Kim Bồng được tổ chức ở đình Đình Tiền Hiền.
Phần hội được tổ chức ngay tại Trung tâm làng nghề - nằm bên mép sông Thu Bồn với hàng loạt hoạt động thu hút đông đảo người dân và du khách như trưng bày sản phẩm từ gỗ, trình diễn nghề mộc.
Nghệ nhân Phan Xuân Nguyên (46 tuổi) - một trong những người làm mộc có tiếng ở làng mộc 500 năm tuổi - cho hay, lễ giỗ Tổ nghề mộc làng Kim Bồng là một trong những lễ hội truyền thống, đã có từ lâu đời của làng Kim Bồng nhằm tôn vinh và nhớ ơn các bậc tiền nhân đã có công khai phá, sáng lập ra nghề mộc của làng.
"Bây chừ người theo nghề mộc trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm mộc mang thương hiệu Kim Bồng khoảng hơn chục đơn vị. Hy vọng, thông qua lễ giỗ Tổ nghề được tổ chức thường niên này, những nghệ nhân như tôi có thể phô diễn hết tinh hoa nghề mộc của làng, qua đó quảng bá sản phẩm đến du khách trong và ngoài nước" - anh Nguyên bộc bạch.
Các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng chia sẻ, nghề thủ công này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và tính chịu khó rất cao nên phần lớn lớp trẻ trong làng bây giờ không có hứng thú theo nghề.
Một nghệ nhân đang tỉ mẩn đục, đẽo hình Chùa Cầu - biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An.
Du khách nước ngoài mê mẩn trước kỹ thuật đẽo tượng gỗ của nghệ nhân làng mộc Kim Bồng và dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh này.
Một nhóm dụ khách thích thú khi tham quan khu trưng bày sản phẩm của làng mộc.
Những sản phẩm từ gỗ như thế này có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Những mẫu lục bình được trưng bày ngay tại không gian diễn ra phần hội.
Bên cạnh nghề mộc, người dự hội còn được "mục sở thị" nghệ nhân đục, đẽo tượng từ gốc tre.
Ngoài ra, người dân và du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã như: Cao lầu, bắp nếp, bánh xèo...