Về làng Sen những ngày tháng 5 để hiểu thêm tấm lòng mênh mông của Bác
Trên suốt quãng đường hơn 300km từ Hà Nội vào Nghệ An, chúng tôi không khỏi xao xuyến bồi hồi khi ai đó trong đoàn mở những ca khúc hát về Bác Hồ... Tâm trạng đó chuyển thành niềm xúc động khi được đặt chân đến mảnh đất Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), nơi sinh ra vị lãnh tụ thiên tài, một người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Dòng người đi trong thương nhớ…
Từ TP.Vinh chúng tôi vượt gần chục cây số đến với huyện Nam Đàn và đây rồi làng Hoàng Trù, quê mẹ của Người đã hiện ra trước mắt. Con đường nhỏ quanh co đưa lối chúng tôi vào là những hình ảnh rất đỗi thân quen của lối nhỏ, bờ tre, hàng dâm bụt, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng.
Kia nữa một khung cảnh làng quê Việt Nam rất yên bình, nơi đó có mái nhà tranh của gia đình Bác in đậm dấu ấn thời gian. Mọi kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn, dường như bóng dáng Bác Hồ và người thân trong gia đình như vẫn đang hiện hữu tại đây.
Những ngày tháng 5 này, trong dòng người hành hương về Làng Sen viếng Bác có những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu dìu đi, những đoàn Cựu chiến binh đến từ Chiến khu Việt Bắc, những nam nữ thanh niên, những em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc…
Về Làng Sen với mái nhà tranh đơn sơ, chiếc võng tuổi thơ bên khung cửi mộc nơi nuôi dưỡng những tháng ngày thơ ấu, ấp ủ một ước vọng hòa bình độc lập cho cả một dân tộc của cậu bé Nguyễn Sinh Cung cách đây gần 130 năm.
Thăm lại lò rèn và giếng Cốc xưa để thêm một lần hiểu hơn nếp sống giản dị, triết lý nhân sinh của Bác, rồi thắp lên nén hương thơm tưởng nhớ Bác và hứa với Bác nguyện sống, công tác và học tập tốt hơn nữa.
Kim Liên những ngày tháng 5, thơm ngát hương sen, sau lũy tre xanh bình dị, dưới nếp nhà nhuốm màu thời gian 1 thế kỷ, tất cả mọi người chăm chú nhìn những kỷ vật thân thương, thành kính lắng nghe những câu chuyện kể về tình cảm cao cả, sâu nặng của Người đối với quê hương, đất nước. Nhiều người không kìm nổi lòng mình, nghẹn ngào bật khóc...
Mỗi người về thăm quê Bác, nghe chuyện về Bác không ai không lặng người vì xúc động. Mọi người đến đây, khi đất nước đã hòa bình thống nhất, non sông phồn thịnh và đang trên đà đi lên. Nhưng để có được những ngày hạnh phúc này, không ai không ngậm ngùi nhớ đến Bác, khi Người lo bôn ba tìm đường cứu nước nên phải đến 50 năm sau mới được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
“Ngày 16-6-1957, Người về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn). Hôm ấy, Người bận bộ ka ki, đi đôi dép cao su giản dị. Khi về đến quê, lãnh đạo xã mời Bác về nhà khách nghỉ, Bác cười đôn hậu: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà”.
Nói rồi Bác đi nhanh về hướng nhà mình. Mọi người đưa Bác đến trước một cái cổng, Bác bần thần dừng lại một hồi, rồi bất chợt nói: “Cổng ngày xưa ở chỗ kia”. Ngay bên cạnh cổng có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”, thấy vậy Bác quay sang mọi người, hóm hỉnh: “Đây là nhà của Cụ Phó Bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”.
Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Người đứng trước bàn thờ gia tiên rồi nói với mọi người mà như nói với mình: “Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa”...
“Và các anh chị biết không, đây chính là nơi hình thành lòng yêu nước thương dân của Bác chúng ta. Đây là bàn ăn mà người Nghệ thường gọi là cái mươn, nơi cả nhà Bác quây quần ngày hai bữa, bữa trưa và bữa tối...”.
Tất cả như lặng đi khi nghe thuyết minh viên với chất giọng xứ Nghệ, kể lại những câu chuyện thân thương, mà rất đỗi bình dị về cuộc đời của Bác. Khi được biết ngày 9/12/1961, lần thứ 2 Người về thăm quê và cũng là lần cuối cùng những bờ tre, những hàng dâm bụt, căn nhà thân thương cùng bà con Nam Đàn không bao giờ được đón Bác về nữa… nhiều du khách đã không ngăn được những giọt nước mắt xúc động.
Người để lại quê hương nỗi nhớ khôn nguôi…
“Về thăm quê Bác, nghe chuyện Bác về thăm quê, thấy Bác của chúng ta thật giản dị, sâu sắc…” - bác Nguyễn Lân Chính - Cựu chiến binh đến từ Bắc Ninh tâm sự. Vâng! Đó là những cảm xúc của mỗi người con đất Việt khi nói đến người cha già kính yêu.
Một vị lãnh tụ cao nhất của một nước mà từ cách sinh hoạt, đồ dùng của Người hết sức đơn sơ giản dị… đôi dép cao su, chiếc mũ cối bạc màu… tất cả đã in sâu vào tiềm thức của mọi thế hệ, từ những người dân sống trên mảnh đất hình chữ S đến hàng triệu triệu con người trên thế giới.
Bên con đường bạt ngàn sen dẫn vào nhà Bác, anh Hoàng Nam - sinh viên Trường Đại học Bách Khoa tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ra Hà Nội học tôi thường tâm niệm rằng phải sống và học tập sao cho xứng khi được sinh ra tại quê hương Bác…”.
Bà Lộc Phương Lan năm nay đã gần 80 tuổi, đến từ Cao Bằng nghẹn ngào: “Đây là lần thứ 3 tôi về thăm quê Bác. Lần đầu đến khi còn là học sinh, nhưng lần nào cũng vậy tôi cũng thấy rất xúc động như là về lại quê hương của chính mình. Nghe các thuyết minh viên ở đây kể về thời thơ ấu của Bác và những lần Bác về thăm quê càng hiểu hơn về Bác, về tấm lòng tình cảm của Bác đối với quê hương. Tôi cũng động viên con cháu của mình về thăm quê Bác để giáo dục con cháu học tập và làm theo Bác… Sức khỏe cũng yếu, không biết có còn được về thăm Làng Sen nữa không…”
Trên bàn thờ Bác, những bông hoa huệ tinh khiết tỏa hương, những bông sen đủ màu, những chùm quả ngọt được những người dân vượt hàng ngàn cây số mang về dâng lên. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao trời biển của Người và hứa phấn đấu thực hiện niềm ước vọng của Bác trước lúc đi xa…
Dòng người hành hương tiếp tục qua những đầm sen xanh mướt, thơm ngát cả một góc trời, trong đó có cả những du khách quốc tế, họ tìm về Kim Liên để hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại mà họ nghe như huyền thoại, người đã làm các dân tộc xích lại gần nhau. Những gì Bác đã làm cho nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và thế giới tiến bộ yêu chuộng hòa bình sẽ vĩnh hằng cùng thời gian như một biểu tượng kết tinh của tinh hoa nhân loại.