Về làng Thanh Xá
Nằm bên tả ngạn sông Mã, làng Thanh Xá, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) là vùng đất cổ có bề dày lịch sử cả về kiến tạo địa chất và văn hóa. Nói về địa thế của làng Thanh Xá, người dân địa phương còn lưu truyền câu ca: 'Địa ta giáp địa Tâm Quy, giáp cầu Nhấp Thứ lại đi Thăng Đường' (Tâm Quy thuộc xã Hà Tân, Hà Trung; cầu Nhấp Thứ ở xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc; Thăng Đường thuộc xã Hà Đông, Hà Trung).
Các cụ cao niên trong làng Thanh Xá kể lại, cương vực hành chính của xã Hà Lĩnh nói chung, làng Thanh Xá nói riêng đã xảy ra không ít biến động. Vùng đất này buổi đầu thuộc huyện Tư Phố. Đến thời Lý - Trần thuộc huyện Vĩnh Ninh trấn Thanh Hoa, rồi trấn Thanh Đô. Khi Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi, lập ra vương triều Hậu Lê, chia nước ta thành các đạo, vùng đất này thuộc đạo Hải Tây. Sau đó, lại thuộc huyện Vĩnh Ninh, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Từ năm Minh Mệnh thứ 21, thuộc tổng Hoàng Xá, phủ Quảng Hóa. Và đến thời vua Khải Định, tổng Hoàng Xá đổi thành Thanh Xá, sau đó tổng Thanh Xá (bao gồm nhiều làng nhỏ) được chuyển về phủ Hà Trung. Cũng chính trên địa bàn xã Hà Lĩnh, các nhà khoa học đã phát hiện ra di tích khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút cách ngày nay trên 5.000 năm.
Khi nói về làng cổ Thanh Xá, người dân vẫn tự hào về làng ở vào thế đất “Long chầu phượng múa, tượng phục”. Đồng thời kể lại, tương truyền khi Hồ Quý Ly dời kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, ông đã từng có ý định chọn Thanh Xá để dựng nghiệp lớn. Tuy nhiên, sau đấy nhận thấy, giao thông đường thủy bộ không thuận lợi, vì thế đã chuyển lên Tây Giai (Vĩnh Lộc).
Khi xưa, để vào được làng Thanh Xá có ba con đường chính: phía Đông Bắc là cổng làng lớn có tuần đinh canh gác ngày đêm, phía Đông Nam đi ngã Ba Bông (sông Mã) và phía Tây Bắc làng là đường lên Vĩnh Lộc có đặt một điếm canh. Cũng bởi Thanh Xá nằm dựa lưng vào đỉnh núi Ngộn Sơn, nên toàn bộ làng được bố trí thành 15 “ngõ hạng” dọc theo đường cái lên đỉnh núi, với những tên gọi khác nhau như: xóm Ngõ Hạng 1; xóm Chợ; xóm Đình; xóm Ao; xóm Ngõ Đá... Đến nay, về Thanh Xá vẫn còn dấu tích các ngõ hạng.
Và đến trước Cách mạng Tháng 8, làng được chia thành 8 giáp (giáp Đông, Tây, Ba, Tư...). Các giáp đóng vai trò điều hành việc làng. Ông Hoàng Đinh Thông - Trưởng làng Thanh Xá cho biết: Ở làng Thanh Xá xưa kia, thành viên trông coi việc giáp là người trong Hội đồng kỳ mục của làng. Cơ cấu tổ chức của giáp giữ vai trò quan trọng. Từ việc tổ chức toàn bộ nam giới từ bé trai mới sinh làm lễ vọng giáp trình làng, đến khi 18 tuổi có cơi trầu xin vào làng để trở thành trai đinh chính thức, được làng “chia” suất đất canh tác. Cũng từ đây, trai đinh phải đảm nhiệm các nghĩa vụ cúng lễ thổ thần, phục vụ tế lễ, canh gác tuần phòng, phu phen, tạp dịch đến tuổi lên lão 60. Những người lên lão thì không phải gánh vác việc làng, việc giáp mà được hưởng một số quyền lợi về vật chất, tinh thần do làng, xã quy định... Ngày nay, dù quy định đó không còn, song mối quan hệ làng xóm ở Thanh Xá vẫn vô cùng khăng khít. Chỉ cần một gia đình có việc thì bà con trong làng sẽ cùng nhau “xúm” vào giúp việc, tình làng nghĩa xóm ấm áp thực sự. Cũng theo các cụ cao niên trong làng kể lại, làng Thanh Xá còn “kết chạ” với làng Bông (huyện Vĩnh Lộc) để có thể thường xuyên giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Trải qua quá trình lâu dài người dân đến quần cư, xây dựng xóm làng, đến nay ở Thanh Xá có tất cả 37 cửa họ cùng sinh sống, xây dựng xóm làng, quê hương. Trong đó, Hoàng Mậu được xem là dòng họ có công đầu tiên trong việc khai khẩn đất đai, lập làng. Bên cạnh đó, các dòng họ như: Trịnh Đình, Phạm Văn, Phạm Trung, Lê Khả... cũng chuyển cư đến đây trong nhiều thời điểm khác nhau. Các cửa họ trong quá trình quần cư đã cùng nhau sinh sống đoàn kết, xây dựng nên làng quê phát triển. Và cùng sáng tạo, gây dựng nên những giá trị văn hóa tinh thần cho cộng đồng.
Thanh Xá là một làng lớn, dân số đông, nên đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng vô cùng phong phú. Trước đây trong làng có sự hiện hữu của cả nghè, chùa Nẫm và đình làng vô cùng bề thế. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đến nay chỉ còn đình làng Thanh Xá được bảo tồn khá nguyên vẹn, mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ xưa. Công trình kiến trúc gỗ 5 gian 6 vì kèo với 24 cây cột (12 cột cái, 12 cột quân) kết cấu theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy” chắc chắn. Về niên đại xây dựng tòa đại đình, các nhà nghiên cứu cho rằng, căn cứ trên tài liệu khắc trên thượng lương và dấu ấn kiến trúc, có thể đình Thanh Xá được xây dựng vào thời Cảnh Hưng (1747) - tương ứng với năm Đinh Mão khắc trên thượng lương đình làng.
Theo sách “Thanh Hóa Chư Thần Lục”, vị thần hoàng làng được người dân Thanh Xá tôn thờ là vị nữ thần có tên “Tiên chúa Thuần ý nguyện phi hiển linh tôn thần”. Vị nữ thần này vốn là công chúa nhà Tống, gặp buổi loạn lạc nên lưu lạc xuống vùng đất phương Nam rồi mất. Sau khi mất, bà hiển linh giúp đỡ người dân, do vậy đã được Nhân dân nhiều nơi thờ phụng, trong đó có người dân làng Thanh Xá. Điều này cũng được minh chứng trong đôi câu đối cổ lưu giữ tại đình làng, như: “Tống Triều thác tích trung thiên thánh/ Việt Quốc vinh phong thượng đẳng thần”.
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, đình làng Thanh Xá còn được trưng dụng làm nơi cất giữ lương thực, họp bàn các việc quan trọng của làng, xã. Ghé thăm đình làng Thanh Xá, chúng ta sẽ bắt gặp chiếc “mõ” gỗ cỡ lớn người ôm không xuể, khi gõ vào nghe có tiếng vang xa. Được biết, trước đây mỗi lần làng có việc, người ta sẽ “đánh mõ” để cả làng cùng biết tin mà về đình tập trung. Ngày nay, chiếc mõ vẫn được treo trang trọng ở trong đình làng như một kỷ vật từ thuở cha ông.
Nói về truyền thống của làng Thanh Xá, ông Hoàng Đình Thông, trưởng làng chia sẻ: “So với nhiều nơi, Thanh Xá không phải là một làng quê nổi tiếng giàu mạnh. Tuy nhiên ở Thanh Xá, tinh thần đoàn kết là sức mạnh nội sinh vô cùng quan trọng để Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thực hiện khát vọng vươn lên. Điều này được minh chứng qua thực tế. Người Thanh Xá tại địa phương và con em xa quê đã nhiều lần cùng nhau đóng góp kinh phí trùng tu tòa đại đình, hay như cổng làng, nhưng vì nhiều lý do nên bị phá hủy. Cách đây hơn 10 năm, cổng làng Thanh Xá đã được xây mới bằng toàn bộ kinh phí xã hội hóa. Bản thân tôi làm trưởng làng Thanh Xá đã 20 năm nay, trong mọi công việc của làng đều cơ bản được người dân ủng hộ. Với một người “vác tù và hàng tổng” như tôi, đó cũng là sự may mắn”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/ve-lang-thanh-nbsp-xa/24995.htm