'Vẽ' lên giấc mơ đẹp giúp hàng nghìn trẻ em khó khăn
'Gieo ước mơ bóng đá' là dự án của Nguyễn Thị Trúc Phương, cô gái 9x với đam mê xây dựng sân chơi cộng đồng cho hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Những ngày đầu, Trúc Phương đã phải dành từng ngày, từng giờ đi vận động các nhà hảo tâm, gây quỹ cho dự án.
Trong số những gương mặt trẻ được nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Công ty TCP Việt Nam, có một cô gái đặc biệt.
Cô gái nhỏ muốn “bắt” máy bay
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Đồng Nai với cả bố và mẹ đều là nông dân, Nguyễn Thị Trúc Phương sớm ý thức được những khó khăn mà cuộc sống mang lại. Khi ấy, cả gia đình 5 người sống trong ngôi nhà lá dột nát. Mỗi mùa mưa tới, chung quanh nhà bày la liệt xô chậu để hứng nước mưa nhỏ tí tách đêm ngày.
Là con cả trong gia đình, có những ngày bố mẹ đi làm từ 2 giờ sáng, cô bé Trúc Phương dù mới 10 tuổi nhưng đã đảm nhận việc quán xuyến gia đình, chăm lo cho 2 em ăn uống, đi học. Khó khăn là vậy, nhưng “cô chị cả” luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi trong suốt 12 năm liên tiếp. Không những thế, Trúc Phương còn nhiều lần tỏa sáng, giành giải cao trong các cuộc thi văn nghệ, hùng biện, thuyết trình, học sinh giỏi cấp tỉnh...
Cô kể lại: “Khi đó, tôi tham gia nhiều cuộc thi một phần là muốn thử sức, phần còn lại để cố gắng giành phần tiền thưởng để trang trải học phí, đỡ đần ba mẹ và mua những cuốn sách ưa thích”.
Cũng từ các trang sách ấy, Trúc Phương đã biết thế nào là ước mơ. Những lúc đi chăm bò phụ ba sau giờ học, cô lại nằm dài ra cánh đồng, nhìn lên bầu trời và cố gắng “bắt lấy” những chiếc máy bay lần lượt trôi qua chầm chậm.
Cô tin rằng, nếu “bắt” đủ 100 chiếc máy bay, cô sẽ có 1 điều ước: được đi máy bay để khám phá các vùng đất mới, gặp những người bạn mới và trải nghiệm nhiều điều mới.
Trong trí nhớ của cô gái sinh năm 1998, ký ức không thể nào quên là lần cô nhìn thấy ba tập viết chữ. Càng xúc động hơn nữa, khi người đàn ông cả đời dãi dầm nắng mưa ấy tập viết để ký giấy vay ngân hàng cho con gái lớn lên thành phố Hồ Chí Minh học đại học.
“Chân ướt chân ráo” tới thành phố mang tên Bác, Trúc Phương vừa đi học, vừa đi làm, nhưng vẫn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn giống cô. Cũng trong thời gian này, cô đã thai nghén dự án “Gieo ước mơ bóng đá”.
Dự án của những ước mơ
Phát động từ ngày 13/1/2020, dự án gặp rất nhiều khó khăn ngay từ những ngày đầu. Để có thêm kinh phí hoạt động, Trúc Phương tranh thủ mọi thời gian rảnh, tổ chức các giải đấu bóng đá nhỏ để tranh thủ sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, kêu gọi các nguồn lực xã hội gây quỹ cho dự án.
Tuy nhiên, chẳng phải hoạt động gây quỹ nào cũng diễn ra suôn sẻ, bởi đây rõ ràng là 1 dự án còn quá lạ lẫm với cộng đồng. Cô gái giàu nghị lực tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè thân thiết, duy trì cho tới ngày 2 chương trình quảng bá đầu tay cho dự án thu về thành công rực rỡ tại các tỉnh Đắk Nông và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn, “Gieo ước mơ bóng đá” đã gây tiếng vang lớn với việc hỗ trợ cơ sở vật chất cho 8 sân bóng ở các làng, xã ở tỉnh Đắk Nông; xây mới 1 sân bóng, hỗ trợ cơ sở vật chất thường xuyên cho 3 sân bóng, tổ chức giải bóng đá cộng đồng dành riêng cho thanh thiếu niên ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).
Đến nay, sau 3 năm hoạt động, dự án đã trang bị cơ sở vật chất cho hàng loạt sân bóng cộng đồng, sân bóng thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc, tổ chức nhiều lớp dạy bóng đá miễn phí cho thanh thiếu nhi ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên và Hà Giang.
Qua đây, dự án không chỉ vẽ lên ước mơ của hàng nghìn bạn nhỏ về tình yêu với trái bóng tròn, mà còn dần trở thành điểm đến của các nhà “săn lùng” tài năng bóng đá trẻ. Từ dự án, không ít cậu bé đã được tiếp sức theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi về quan niệm sống và sẻ chia, Nguyễn Thị Trúc Phương cho hay: “Tôi luôn tâm niệm phải biết ơn tất cả mọi người, nhất là việc sinh ra trong gia đình không khá giả nhưng ba mẹ luôn cố gắng hết sức để các con được thành tài".
"Tôi biết ơn những cậu bé vùng cao, chân trần đi bộ hàng chục km đường rừng núi để tới học đá bóng mỗi tuần; các thầy cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân để bám bản, gieo chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số...”, Phương nói.
Quả thật, nguồn cảm hứng bất tận ấy của Trúc Phương mỗi ngày đều được bồi đắp, đúc kết thêm qua những con người mới mà cô gặp trên con đường đã chọn: con đường của sự sẻ chia, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho cộng đồng qua trái bóng tròn trên sân cỏ.