Vé máy bay, tàu xe dịp 2/9 'nóng' dần

Giá vé máy bay càng cận dịp nghỉ lễ 2/9 càng cao, vé tàu nhiều chặng đã kín ghế từ sớm. Trong khi đó, đường bộ sẵn sàng các phương án, tăng cường phương tiện để 'chia lửa', phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm.

Giá vé máy bay bắt đầu tăng

Cách đây một tuần, anh Nguyễn Tuấn (Hà Nội) tìm vé máy bay đưa gia đình đi du lịch kết hợp nghỉ lễ 2/9. Khảo sát trên website các hãng bay, anh thấy mức giá vé dịp nghỉ lễ 2/9 khá cao, gấp 1,5-2 lần so với ngày thường. Để tiết kiệm, anh chọn bay vào ngày thường, khung giờ chiều muộn trước dịp nghỉ lễ khoảng 1 tuần, mức giá hơn 1 triệu đồng/người/lượt với chuyến bay của Vietjet từ Hà Nội - Huế.

"Dù hai vợ chồng phải xin nghỉ phép nhưng vẫn đỡ hơn bay giá vé cao và đi vào dịp cao điểm, dễ gặp tình trạng delay cũng như chen chúc", anh Tuấn chia sẻ.

Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 2/9 khá cao, gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường nhưng đã giảm đáng kể so với cao điểm hồi tháng 5/2024. Ảnh: PV.

Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 2/9 khá cao, gấp 1,5 - 2 lần so với ngày thường nhưng đã giảm đáng kể so với cao điểm hồi tháng 5/2024. Ảnh: PV.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, giá vé bình quân hạng phổ thông cơ bản trên các chặng bay nội địa có lưu lượng lớn (như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Phú Quốc) trong nửa cuối tháng 8/2024 đạt khoảng 30-75% mức tối đa theo quy định.

Trên đường bay Hà Nội - TP.HCM, mức giá vé được Vietnam Airlines cung ứng dao động trong ngày đầu tuần (19/8) khoảng 2,1-3,7 triệu đồng/chiều (đã bao gồm thuế, phí), tùy từng khung giờ bay. Vào ngày cuối tuần (24/8) mức giá khoảng 1,7-2,3 triệu đồng/chiều. Mức giá vé này đã giảm so với cao điểm hồi tháng 5/2024 khoảng 10%.

Cũng trên chặng bay này, thời điểm cuối tháng 8, Vietravel Airlines cung ứng loạt vé từ 750 nghìn - 3,1 triệu đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí).

Với đường bay Hà Nội – Đà Nẵng có nhiều hãng hàng không nội địa khai thác. Vietjet Air đang có dải vé từ 390 nghìn đồng (các ngày 26-28/8, chưa bao gồm thuế, phí). Cùng thời điểm, vé của Vietnam Airlines dao động từ 1,2-2,2 triệu đồng và Bamboo Airways từ 1-1,3 triệu đồng/chiều (đã bao gồm thuế, phí).

Trên đường bay Hà Nội – Phú Quốc đang được Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển theo quy định là 4 triệu đồng/chiều. Càng sát dịp nghỉ lễ, mức giá càng cao hơn.

Trong đó, mức giá cao nhất của Vietnam Airlines dịp nghỉ lễ 2/9 trung bình từ 1,6-3,5 triệu đồng/chiều, tương ứng dịp cao điểm hồi tháng 5/2024. Vietjet Air cung ứng dải vé trung bình từ 790 nghìn - 3 triệu đồng/vé khứ hồi (chưa bao gồm thuế, phí) cho hạng vé phổ thông.

Theo Cục Hàng không VN, xét tương quan tổng thể giá vé, khung giờ ban ngày, đặc biệt từ 9 - 12h hàng ngày, giá vé bình quân được các hãng công bố sẽ cao hơn so với các khung giờ còn lại (sáng sớm hoặc chiều tối). Điều này phù hợp với ưu tiên cũng như nhu cầu của hành khách lựa chọn giờ bay ban ngày.

Vé tàu hỏa nhiều chặng kín chỗ

Khảo sát của PV, hiện vé tàu Hà Nội - Đà Nẵng gần như kín chỗ, chỉ còn ít vé giường nằm và ghế ngồi. Ngay cả ngày đầu tuần (19/8), trên chặng này có 6 đoàn tàu thì chỉ duy nhất tàu SE11 còn vé loại giường nằm khoang 6 giường và ghế ngồi, giường nằm khoang 4 giường đã hết vé. Giá vé giường nằm tầng 1 khoang 4 giường cao nhất, dao động từ gần 1,1-1,4 triệu đồng/lượt tùy theo mác tàu, ngày đi tàu.

Tương tự, chặng Hà Nội - Đồng Hới, giường nằm tầng 1 các tàu gần như kín chỗ, chủ yếu còn vé giường nằm tầng 2, 3 và ghế ngồi.

Riêng dịp nghỉ lễ 2/9 tới, vé tàu các ngày cao điểm tuyến Bắc - Nam gần như đã kín chỗ. Đơn cử ngày 30/8, dù đường sắt đã tăng thêm tàu Hà Nội đi Vinh, Quảng Bình; đồng thời tăng các đoàn tàu xuất phát từ chiều đến tối đi Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng nhưng đến nay, hầu như các tàu đã hết vé.

Tương tự, tàu TP.HCM đi Nha Trang, Bình Định, Đà Nẵng, các đoàn tàu chính xuất phát vào buổi tối gần như đã kín ghế, chỉ còn vé tàu chạy ban ngày, tàu lập thêm.

Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, giá vé tàu dịp 2/9 sẽ bằng giá vé dịp cuối tuần cao điểm hè. Sau đợt cao điểm 2/9, giá vé tàu lại giảm tiếp vì là thời gian thấp điểm sau hè.

Ông Trần Văn Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, khu vực phía Bắc, khác với mọi năm, hiện tuyến Bắc - Nam vẫn duy trì được lượng khách ổn định dù đã qua cao điểm hè. Một phần nhờ đường sắt nâng cao chất lượng phục vụ, chính sách giá vé linh hoạt. Mặt khác, khách đi tàu đã thay đổi thói quen du lịch, thay vì "đổ xô" vào các dịp nghỉ lễ, ngày cao điểm thì lựa chọn đi cả ngày thường.

Ở khu vực phía Nam, ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, khi các tuyến đường bộ cao tốc mới vận hành đã có sự dịch chuyển lượng khách nhất định từ đường sắt sang đường bộ. Đặc biệt trên các tuyến TP.HCM - Phan Thiết, TP.HCM - Nha Trang...

Xe khách tăng chuyến, không tăng giá

Cũng như đường sắt, đến nay, một số nhà xe vận tải khách ở một số tuyến gần như đã kín vé đặt trước. Nhiều hãng xe đã có kế hoạch tăng cường phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ước tính tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm dịp nghỉ lễ khoảng 20.000 khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường. Ảnh: Tạ Hải.

Ước tính tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm dịp nghỉ lễ khoảng 20.000 khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường. Ảnh: Tạ Hải.

Đại diện Công ty liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân cho biết, tuyến bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên) được mở bán vé sớm, đến thời điểm này hành khách đã đặt trước khoảng 90%. Nhà xe cam kết không tăng giá vé, dao động từ 355-550 nghìn đồng/giường tùy từng loại xe.

Đối với tuyến đi Sapa, đại diện nhà xe HK Bus Lines cho biết, đến nay, lượng khách đặt trước đã đạt từ 70-80%, giá vé không đổi so với ngày thường, dao động từ 350-420 nghìn đồng/cabin.

Trong đó, ngày 30/8 – ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ lễ, các chuyến xe tầm chiều tối đến đêm gần như hết vé, mỗi chuyến chỉ còn từ 2-3 cabin. Vào sáng 31/8, lượng khách đặt vé các chuyến buổi sáng rất đông, nhiều chuyến đã hết vé.

Ở các tuyến ngắn từ Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, đại diện một doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến cho biết, dù mới mở bán vé 2 ngày nhưng lượng khách đặt trước đã đạt hơn 50%.

Ở tuyến Hà Nội – Thanh Hóa - Sầm Sơn, dịp nghỉ lễ năm nay, lượng khách đặt trước dường như chậm hơn. Theo đại diện nhà xe Vân Anh, đến nay mới chỉ có 20% lượng khách đặt trước.

"Tuyến Hà Nội – Thanh Hóa có khá nhiều lựa chọn do nhiều nhà xe khai thác nên nhu cầu đặt sớm của người dân không nhiều. Tuy nhiên, càng cận lễ, lượng khách đặt sẽ tăng dần. Dù vậy, với 60 chuyến/ngày, đơn vị không lo thiếu xe phục vụ", đại diện nhà xe Vân Anh nói.

Theo các đơn vị vận tải, dịp này, thường xảy ra tình trạng tắc đường, đặc biệt khu vực cửa ngõ các thành phố lớn hoặc trên cao tốc. Do đó, các hãng đều đã chuẩn bị xe và tài xế dự phòng để sẵn sàng phục vụ hành khách đúng giờ, an toàn.

Thêm lựa chọn di chuyển vì có cao tốc

Dịp nghỉ lễ năm nay có sự khác biệt so với năm trước, khi rất nhiều đoạn cao tốc Bắc – Nam đã được đưa vào khai thác. Dự báo nhu cầu đi lại sẽ được chuyển dịch khá nhiều từ hàng không, đường sắt sang đường bộ.

Đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ trước vài tháng, chị Mỹ Lan (quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị chọn đi xe cá nhân ra Nha Trang trong tối 30/8, do từ TP.HCM ra Nha Trang đã có cao tốc. "Với thời gian di chuyển chỉ khoảng 5 tiếng cho 370km, đi xe cá nhân giúp chúng tôi thoải mái hơn, chủ động lịch trình", chị Lan chia sẻ.

Tương tự, anh Hùng, một doanh nhân tại TP.HCM cho biết, trước đây, gia đình anh thường đi xe khách, chỉ cần lên xe ngủ một giấc là tới nơi. Nhưng từ khi các tuyến cao tốc hoàn thiện, gia đình anh chuyển sang đi xe cá nhân mỗi dịp nghỉ lễ.

"Lái xe khám phá những cung đường giúp chúng tôi có nhiều trải nghiệm hơn, tiết kiệm thời gian. Có chút lấn cấn là phải chọn giờ đi sao để tránh kẹt xe", anh Hùng nói.

Ngược lại, dù có xe ô tô, anh Hoàng (ngụ Phú Nhuận) vẫn lựa chọn đi xe khách để về quê Quảng Ngãi. Theo anh Hoàng, vào những ngày lễ, lượng xe di chuyển rất đông nên thường xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe. Trong khi đó, vé xe khách hợp lý hơn vé máy bay, cao tốc phát triển, thời gian đi lại cũng rút ngắn, thuận lợi.

Hà Nội tăng cường 700 xe khách phục vụ người dân

Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, dự kiến lượng khách và lượng xe sẽ tăng cao từ chiều 30/8 và ngày 31/8, từ chiều 3/9 và sáng 4/9. Công ty đã đề xuất lượng xe tăng cường dự kiến khoảng 700. Trong đó, bến xe Mỹ Đình 400 xe, bến xe Giáp Bát 220 xe, bến xe Gia Lâm 80 xe.

Lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết đã chỉ đạo doanh nghiệp vận tải không để xảy ra hiện tượng hành khách lên xe không có vé, lấy tiền cao hơn giá vé quy định, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách.

Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu tất cả doanh nghiệp vận tải không tùy tiện tăng giá vé xe dịp nghỉ lễ 2/9. Sở GTVT Hà Nội sẽ giao Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, đơn vị quản lý bến giám sát chặt chẽ.

Ước tính tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường, chủ yếu đi các tuyến: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Tại bến xe Gia Lâm, lượng khách cao nhất khoảng 5.000 khách/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường, tập trung các tuyến như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang.

Bến xe Mỹ Đình cao điểm khoảng 22.000 khách/ngày, tăng hơn 350% so với ngày thường; lượng xe dự kiến hơn 950 xe/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến đi các tỉnh như: Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng.

Tại bến xe Nước Ngầm, dịp này tăng cường thêm 150 xe, chủ yếu các tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế.

Lê Tươi

Vé xe khách phía Nam không được tăng quá 40%

Tại khu vực phía Nam, lãnh đạo bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, trong 6 ngày (từ 30/9 đến 4/8), dự kiến bến phục vụ 2.340 chuyến với khoảng 36.300 hành khách, tăng 183% số chuyến so với năm ngoái. Đơn vị khuyến khích các doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước trong thời gian này, nếu điều chỉnh tăng, mức tăng không quá 40% so với ngày thường.

Theo vị này, dù đường cao tốc phát triển nhưng lượng người có nhu cầu đi xe khách từ TP.HCM đến các địa phương như Nha Trang, Ninh Thuận, Vũng Tàu... vẫn tăng mạnh. Lượng xe phục vụ các chặng này cũng tăng cao, nhất là ngày 31/8.

Tương tự, tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dự báo sẽ phục vụ hơn 2.400 chuyến xe với hơn 47.000 hành khách từ ngày 30/8 - 4/9.

Tại bến xe Miền Tây, dự báo trong 4 ngày nghỉ lễ có gần 205.000 lượt khách qua bến, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Sẽ có hơn 8.500 lượt xe được đưa vào phục vụ, có thể đạt 59.000 khách/ngày.

Mỹ Quỳnh

Miền Trung chưa "tăng nhiệt"

Tại Đà Nẵng, đến ngày 19/8 vẫn chưa có nhiều khách đặt vé đi lại dịp lễ 2/9. Ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay, trung bình mỗi ngày có gần 400 xe xuất bến Đà Nẵng. Đến thời điểm này, chưa có nhà xe nào xin tăng chuyến, tăng giá vé.

Theo ông Lợi, lượng khách dự kiến cũng không tăng đột biến, có thể sẽ tăng nhẹ, tương đương với dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua. Bến xe cũng đã có phương án bố trí xe tăng cường nếu lượng khách tăng đột biến.

Tại Bình Định, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định cho biết, dịp lễ 2/9 năm nay tình hình vận tải khách thông qua bến xe Quy Nhơn chưa có dấu hiệu "tăng nhiệt" như mọi năm.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Định chia sẻ thêm, hiện chưa có đơn vị nào đăng ký tăng chuyến hay tăng giá vé xe khách đến và đi từ Bình Định.

Tại Khánh Hòa, các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô đã chuẩn bị chu đáo để phục vụ hành khách.

Theo ông Nguyễn Công Hải, Giám đốc Bến xe phía Nam Nha Trang, dự báo nhu cầu vận tải khách dịp này sẽ không tăng bằng dịp lễ 30/4 và 1/5 nhưng các nhà xe vẫn sẵn sàng bố trí xe tăng cường các tuyến.

Được biết, sau khi hoàn thành chuỗi 5 cao tốc liền mạch nối TP.HCM với Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 4 - 5 tiếng, bằng một nửa thời gian so với trước đây, lượng khách du lịch từ các tỉnh, TP phía Nam đến với Nha Trang ngày càng đông.

Ông Đinh Thanh Tuấn, Giám đốc vận hành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.500 xe cá nhân, 600 xe 16 chỗ, 650 xe trên 29 chỗ ngồi chạy qua các nút giao về Khánh Hòa.

Lưu lượng xe đi từ cao tốc xuống nhiều nhất là qua nút giao Suối Dầu, mỗi ngày từ 1600 – 1700 xe, nút giao Diên Khánh khoảng 750 xe, nút giao Cam Lâm từ 200 đến 300 xe. Những xe xuôi từ cao tốc chủ yếu về TP Nha Trang để đi du lịch, thăm thân.

Nhóm phóng viên

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ve-may-bay-tau-xe-dip-2-9-nong-dan-192240819233842773.htm