Về miền biển xanh cát trắng: Khám phá vẻ đẹp những vùng biển vắng
Văn hóa và Đời sống - Nếu bạn là 'tín đồ' của du lịch biển và rồi bỗng một ngày đẹp trời, bạn thấy chán những bãi biển chen kín người hay nặng nề bê tông cốt thép và muốn hòa cùng giai điệu bất tận của thiên nhiên hoang sơ, thì xứ Thanh - 'thiên đường' của những vùng biển vắng - sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời.
Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn).
Chuyến hành trình đi dọc qua 102km đường bờ biển, từ Nga Sơn đến Nghi Sơn, sẽ mang lại cho bạn vô số bất ngờ. Bởi chắc hẳn, nhắc đến biển xứ Thanh lâu nay nhiều người chỉ mặc nhiên có bóng dáng của Sầm Sơn với lịch sử khai thác du lịch hơn 100 năm; hay Hải Tiến, Hải Hòa dù mới được biết đến chừng 1,2 thập kỷ nhưng cũng đã tìm được chỗ đứng trên bản đồ du lịch biển. Thế nhưng, biển xứ Thanh là một quần thể vô cùng đa dạng, phong phú của những dãy núi đâm ra biển, tạo thành các vũng xen kẽ cửa lạch với hệ cảnh quan tự nhiên thêm hùng vĩ. Đặc biệt, quá trình thiên tạo trải qua hàng nghìn năm đã phú cho mảnh đất này những bãi biển hoang sơ, bình yên và tươi đẹp.
Náu mình trong vụng biển hẹp, tĩnh lặng và biệt lập, Bãi Đông (Nghi Sơn) sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho những “tín đồ” mê đắm những vùng biển vắng. Vẻ đẹp của bãi biển này là sự hòa trộn tuyệt vời của “nước trời một sắc” và “mối lương duyên ngàn năm” của núi non - sóng nước. Điểm đầu là dãy núi ngang ngược đâm thẳng ra biển, trông như đầu cánh cung ôm trọn Bãi Đông vào lòng nó và tạo thành điểm nhấn ấn tượng cho bãi biển này. Đầu kia là vệt dài những mõm đá có xù xì, có nhẵn nhụi, kích thước khác nhau, nằm chen chúc giữa bãi biển dài không thấy điểm cuối. Nếu nhìn bao quát từ trên, Bãi Đông ví như bức họa của thiên nhiên, với những nét bút tưởng chừng như hờ hững, lơ đãng, song nhìn kỹ sẽ thấy những nét vẽ tỉ mẫn, kỳ công của “người thợ” họa tranh.
Bình minh trên Bãi Đông là thời khắc tuyệt vời để du khách trải nghiệm khoảnh khắc mặt trời nhô lên từ lòng biển và những tia nắng đầu tiên xóa tan mây mù, gột rửa “bụi bặm” của đêm đen, đánh thức mầm xanh, gọi dậy sự sống cho ngày mới. Cái nhịp vận động chậm rãi của thời gian như chiếc đồng hồ cát tự nhiên, chỉ có thể được cảm nhận minh bạch, đủ đầy bằng tất cả giác quan không bị bất kỳ ngoại cảnh nào chi phối và bằng cả tâm hồn đã gạt đi mọi phiền lo. Thế nhưng, vẻ đẹp của Bãi Đông không chỉ ở thời khắc “mặt trời đội biển nhô màu mới”; mà phải chờ khi nắng đã ban phát nguồn năng lượng dồi dào lên vạn vật, thì vẻ rực rỡ của vụng biển này mới thật tròn đầy. Nắng tràn trề trên bãi cát nâu vàng và ánh lên lấp lánh pha lê như muốn chói lòa mắt người. Nắng phết sắc vàng đầy nhựa sống lên cảnh vật như dậy niềm hứng khởi, niềm khát khao được hòa vào thiên nhiên của con người. Đối diện với vẻ đẹp bất tận của cảnh nước in màu trời, ánh lên cái sắc xanh vô biên không giới hạn của biển, con người sao có thể không xốn xang, xao xuyến? Đặc biệt, cái sắc xanh của Bãi Đông hoang sơ có phần huyễn hoặc ấy, dễ khiến con người phải cảm khái mà thốt lên, dường như ta đã đi lạc vào một không gian khác, hay đang sống trong một không gian song trùng vừa thực vừa ảo, nơi ta cho mình cái quyền được gạt bỏ đi mọi ưu phiền để nuông chiều cái bản thể sống mang tên “cái tôi” này.
Nếu Bãi Đông là sự lựa chọn hoàn hảo cho một kỳ nghỉ ngắn, với mong muốn nạp đầy năng lượng cho một tuần làm việc mới; thì biển Tiên Trang (Quảng Xương) lại thỏa mãn cuộc dạo chơi cuối ngày, để thả mình vào làn nước mát hay hít thở không khí trong lành chỉ thuộc về thiên nhiên. Tiên Trang là một điển hình về khái niệm của từ “hoang sơ”. Nơi đây, từng đợt sóng mơn man chảy tràn lên bờ cát trải dài tít tắp. Khúc hòa tấu của sóng nước mênh mang hòa vào tiếng vi vút của rặng phi lao dội vào lòng người. Cảm giác thư thái không ngôn từ nào tả nổi cứ mặc nhiên lúc khoan lúc nhặt, dịu dàng êm ái thấm vào lòng người. Đặc biệt, bức tranh biển chiều như thi như họa, dường như gợi dậy những thiên huyền thoại mơ màng, kỳ ảo về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người. Ngắm hoàng hôn trên biển Tiên Trang để trải nghiệm cuộc dượt đuổi, vật lộn giữa bóng tối và ánh sáng, khi mặt trời bị xô dần về Tây còn sóng biển cũng cạn dần nhiệt huyết chơi đùa cùng nắng, cùng gió để chìm vào lòng đại dương thăm thẳm. Và dù đến Tiên Trang vào thời điểm nào trong ngày, chỉ cần bạn sẵn sàng gác lại những phiền lo hối hả và mở lòng với thiên nhiên, thì đổi lại tâm hồn sẽ như được thiên nhiên gột rửa để trở nên thư thái, an nhiên.
Chưa hết, nếu muốn khám phá thêm những vùng biển vắng có cảnh sắc nguyên sơ, hùng vĩ, khí hậu trong lành, nước biển trong xanh, thì ngoài Bãi Đông, Tiên Trang, xứ Thanh còn mang đến cho bạn thêm nhiều sự lựa chọn không kém phần thú vị. Chẳng hạn, ở thị xã Nghi Sơn, ngoài Bãi Đông, bạn có thể khám phá thêm bán đảo Nghi Sơn xinh đẹp; hay về Hải Thanh để thấm thía vị biển lẫn trong hương vị của nước mắm Ba Làng nức tiếng xa gần. Hoặc nếu bạn đã khám phá hết vẻ đẹp của các bãi tắm, các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc của biển Sầm Sơn; du khách có thể “quá chân” xuôi xuống bãi biển Nam Sầm Sơn, để cảm nhận một không gian khác, cảnh sắc khác và không khí khác với vẻ sầm uất, tấp nập của đô thị du lịch...
Không chỉ có các bãi tắm đẹp, biển xứ Thanh còn có một “kho” tài nguyên du lịch quý đang chờ được khai phá: Hệ thống các đảo. Nếu đứng ở điểm cao nơi “cửa ngõ” Bãi Đông, mắt thường cũng có thể nhìn được cụm đảo Mê thấp thoáng trên mặt biển. Cụm đảo này còn được gọi bằng cái tên khá gợi hình, gợi ảnh là “Thập Bát Mã Sơn”, với 18 hòn đảo lớn nhỏ, có diện tích trải rộng 10km2. Cụm đảo Mê được ví như “khu bảo tồn thiên nhiên biển”, với trên 400 loài thực vật, nhiều loại động vật quý đang cư trú và hơn 100 loài cây thuốc nam có giá trị y học, kinh tế cao. Đặc biệt, vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của đảo Mê đủ sức hấp dẫn những du khách thích trải nghiệm cảm giác phiêu lưu mạo hiểm trên những vách đá dựng đứng, hay khám phá sự phong phú, dồi dào của cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Cùng với đảo Mê là đảo Nẹ nằm cách bờ biển Hậu Lộc chừng 6km. Đảo Nẹ là một cù lao đồi dài gần 900m, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 400m. Mặc dù không thể sánh được với đảo Mê về diện tích hay vẻ hùng vĩ; song đảo Nẹ lại sở hữu vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên và nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời, gắn với tục thờ cá voi của cư dân ngư nghiệp... Có thể nói, kho tài nguyên tự nhiên và nhân văn giàu giá trị mà các đảo, cụm đảo đang sở hữu, là cơ sở cho việc khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch biển - đảo đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với khám phá thiên nhiên vô cùng lý tưởng.
Biển - đảo tươi đẹp và dồi dào tài nguyên du lịch, là cơ sở để từ sớm tỉnh Thanh Hóa đã xác định, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo là sản phẩm mũi nhọn của ngành kinh tế mũi nhọn. Trong tương lai, những vùng biển vắng có thể sẽ được khai thác và hình thành các khu du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, gắn với nhiều loại hình dịch vụ cao cấp như nghỉ dưỡng chữa bệnh, casino, bơi thuyền, câu cá, câu mực, lặn biển ngắm san hô, thể thao nước... Từ đó, “nâng cấp” phân khúc thị trường khách du lịch và mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và đáng nhớ hơn.