Về miền cát trắng, nắng vàng Nghi Sơn

Thị xã Nghi Sơn là vùng đồng bằng ven biển, nhưng địa hình khá đa dạng, có rừng núi, trung du, đồng bằng, biển đảo, tạo cho Nghi Sơn thế mạnh để phát triển kinh tế đa dạng.

Bình minh trên biển Hải Hòa.

Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Tĩnh Gia xưa (nay là thị xã Nghi Sơn) đường bờ biển dài tới 42 km, từ cửa Lạch Ghép đến xã đảo Nghi Sơn. Vùng biển này còn hiện hữu nhiều nét hoang sơ, với những bãi cát vàng, nước biển trong xanh, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, mở ra tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Hoạt động cầu ngư Đền Lạch Bạng, xã Hải Thanh.

Là địa phương có lịch sử, văn hóa lâu đời, vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược, thị xã Nghi Sơn còn được biết đến là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, nhiều khoa bảng nổi tiếng như: Khai quốc công thần Lê Trương Lôi, Lê Trương Chiến, Lê Nhân Trung, Đông các đại học sỹ Lê Nhân Quý, Hoàng Giáp Thượng thư Lương Chí, Đào Duy Từ - đệ nhất khai quốc công thần của Nhà Nguyễn, nhà chính trị, quân sự, văn hóa nổi tiếng của đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, thị xã Nghi Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn - 1 trong 8 Khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ ở phường Nguyên Bình.

Toàn thị xã hiện có 248 di sản văn hóa vật thể, gồm 32 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh, 216 địa điểm di tích đã được kiểm kê bảo vệ.

Trên con đường phiêu diêu suốt dọc dài 102 km bờ biển xứ Thanh, không phải đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh sắc tuyệt vời núi nhoài ra tận biển. Sắc lam của núi và biển trải dài hòa với bầu trời cao rộng… mở ra ngút mắt một màu xanh bao la, tràn đầy sức sống, nơi ấy là Lạch Bạng - Nghi Sơn - một vùng nước biếc non xanh, xốn xang lòng tao nhân mặc khách.

Tại đây, du khách có thể ghé thăm ngôi chùa Đót Tiên - nơi dòng sông Bạng gặp biển, đã từng được mệnh danh “Đất vua, chùa làng, phong cảnh phật/Của đời, người thế, nước non Tiên”. Du khách được ghé thăm nhà thờ giáo xứ Ba Làng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc với tháp chuông vút cao soi bóng vào mặt gương trong biển biếc. Trong âm hưởng rì rầm của tiếng sóng vỗ bờ và hương vị nước mắm đặc biệt thoang thoảng của làng nghề truyền thống Do Xuyên - Ba Làng.

Bình minh trên xã Đảo Nghi Sơn.

Cách trung tâm thị xã 15 km về phía Đông Nam, dừng chân tại xã đảo Nghi Sơn, nhìn từ xa, đảo Nghi Sơn tựa như chuỗi ngọc mà thượng đế bỏ quên bên bờ biển sóng. Du khách không chỉ thỏa sức ngắm đảo xanh, biển biếc, thưởng thức đặc sản của biển khơi mang lại, hòa hồn vào con sóng mênh mang. Bán đảo Nghi Sơn được ví như hòn ngọc bồng bềnh giữa bốn bề sóng nước, ẩn tàng trong lòng đảo biết bao truyền thuyết, di tích.

Xã đảo Nghi Sơn nổi danh bởi bãi Đông cát vàng phẳng mịn, là địa chỉ được nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm. Không ồn ào, náo nhiệt như nhiều bãi biển khác, nhưng khi đến với bãi Đông du khách sẽ luôn cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, như lạc vào một không gian vô cùng lãng mạn của một khu du lịch sinh thái được bao bọc xung quanh bởi đồi núi và những rặng phi lao trong lành, mát mẻ, được uống nước giếng Đa - là sản vật trời ban cho người dân đảo Biện.

Du khách có thể tham gia kéo lưới cùng ngư dân trên biển Hải Hòa.

Gần trung tâm thị xã nhất, chỉ khoảng 30 phút dạo bộ, du khách có thể hòa mình trong những dải cát trắng, phẳng mịn, nước biển trong xanh, sóng hiền hòa, phong cảnh hữu tình của bãi biển Hải Hòa.

Ghé thăm nơi này trong những ngày hè, bạn sẽ tìm cho mình một không gian thiên nhiên thực thụ, có biển, có gió, có cát, có những rặng phi lao rì rào hòa với sóng biển. Tại đây, du khách có thể men theo ngõ nhỏ, lối nhỏ để hòa vào nhịp sống cùng với ngư dân làng chài nơi đây, cùng tham gia kéo rùng - một hoạt động truyền thống có từ lâu đời của ngư dân ven biển, cùng nhâm nhi mực nướng đang nóng than hồng hay nhấm nháp món cá đục, cá trích nướng chín kẹp bánh đa vừng chấm nước mắm cốt càng thấm vị đậm đà của “biển bạc biển vàng”.

Từ biển Hải Hòa với rặng phi lao rì rào xanh mát, du khách còn có thể nhìn ra Hòn Mê, Hòn Bảng, Biện Sơn, Nghi Sơn. Trong ánh ban mai rạng rỡ, cách đất liền 11 km, đảo Mê tựa như một bức bình phong của tạo hóa, án ngữ chở che cho vùng “tứ hải”, ngăn những cơn sóng lừng từ khơi xa dội vào bờ.

Toàn cảnh chùa Am Các.

Cũng như những làng chài quanh năm dầm chân bên bờ sóng, cuộc sống của cư dân vùng biển thị xã Nghi Sơn luôn hòa quyện và gắn liền với biển. Từ bao đời nay, ngư dân nơi đây đã nương tựa vào biển cả để sinh cư, lạc nghiệp đầy nghị lực ngoan cường “có cứng mới đứng đầu gió” nhưng họ luôn chân chất, mộc mạc, nặng nghĩa muối mặn biển khơi, trọng nghĩa tình, hướng thiện, giàu lòng vị tha, phụng thờ Phật, tôn kính các vị thần linh, đề cao các giá trị văn hóa tinh thần, nhân văn, làm nên đặc trưng riêng của người Nghi Sơn.

Một góc bãi Đông Nghi Sơn.

Cùng với các khu nghỉ dưỡng tại Bãi Đông hay khu du lịch biển Hải Hòa, điểm nhấn trong bức tranh du lịch thị xã Nghi Sơn đó là dự án “Thành phố nghệ thuật Monaco - Nghi Sơn” với các hoạt động, công trình trong dự án như: Quảng trường nghệ thuật, công trình Khải hoàn môn khát vọng, khu phố thương mại, cụm Bulgalow bên sườn núi cùng những căn biệt thự siêu sang...

Đối với loại hình du lịch tâm linh kết hợp thiên nhiên, trong những năm gần đây quần thể chùa cổ Am Các tại xã Định Hải ngày càng trở nên nổi tiếng. Đây là quần thể chùa cổ bậc nhất tại Thanh Hóa, có độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Tọa lạc ở nơi có thế núi, hình sông đắc địa, hành hương theo lối mòn xưa, du khách sẽ bắt gặp bên đường những rặng trúc hoa thấp thoáng thung sâu, vách núi, cùng với những cây chè bản địa cho vị chát ngọt tuyệt vời. Leo lên đỉnh núi, nơi treo quả chuông lớn, trông ra bốn hướng sẽ thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, lắng nghe tiếng chuông chiều đồng vọng mà trút hết bụi trần để lòng ta diệu vợi, thả hồn với thiên nhiên và gió núi, mây ngàn…

Vẻ đẹp yên tĩnh hồ Hao Hao.

Đến với Nghi Sơn, du khách được đắm mình trong cảnh sắc đẹp như tranh vẽ, nơi gặp gỡ của đất trời, núi non, sông, biển, đảo, được thắp hương bái Phật, cầu cho cuộc sống bình yên, đầy đủ, hạnh phúc, được thưởng ngoạn những đặc sản của biển khơi, để khi xa rồi mãi nhớ câu ca về tình người, tình đất nơi đây: “Gừng cay muối mặn xin đừng xa nhau”!

Với quyết tâm đổi mới của thị xã hướng tới phát triển du lịch theo hướng văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại, thị xã đã thu hút được nhiều dự án du lịch lớn mang tính trọng điểm. Đây là nền tảng quan trọng để du lịch thị xã Nghi Sơn “cất cánh” và chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Lường Thị Nhung

-----------

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Về miền Du lịch xứ Thanh” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/ve-mien-cat-trang-nang-vang-nghi-son/157770.htm