Về miền đất thiêng

Những ngày này, đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc về với đất thiêng Quảng Trị để thắp nén nhang viếng 'người nằm dưới cỏ' và để được sống lại một thời hào hùng của cả dân tộc.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước ở Quảng Trị. Ảnh: HÙNG TRẦN

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước ở Quảng Trị. Ảnh: HÙNG TRẦN

Thương lắm đồng đội ơi!

Được ví như điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu giang sơn hình chữ S, Quảng Trị nằm ở giữa khúc ruột miền Trung và có vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Mảnh đất chỉ vỏn vẹn hơn 4.700 km2 nhưng có đến 72 nghĩa trang với gần 60.000 liệt sĩ an nghỉ.

Thành cổ Quảng Trị đã phải “oằn mình” hứng chịu trên 300.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Các nhà khoa học ước tính, mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở Thành cổ phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Thật thấm thía khi về mảnh đất thiêng này nghe những câu chuyện về Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm mưa bom, bão đạn.

Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị được mô hình hóa thành nấm mộ chung cho những người đã hy sinh ở đây

Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị được mô hình hóa thành nấm mộ chung cho những người đã hy sinh ở đây

"Chẳng kẻ thù nào làm tim ta yếu mềm", các chiến sĩ Thành cổ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Người này ngã xuống, người khác lại xông lên. Sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom, bão đạn, sẵn sàng vượt sông Thạch Hãn bảo vệ Thành cổ mà không tiếc thân mình? Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân quê Nghệ An mà tôi gặp hôm về thăm Thành cổ lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng thấm đẫm trong mỗi trái tim người lính. "Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy. Sự ngoan cường, dũng cảm của quân và dân ta đã viết lên bản anh hùng ca huyền thoại ở Thành cổ", ông Lân nói.

Hiếm nơi đâu như ở đất này? Quảng Trị có tới hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất cả nước. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9 có hơn 10.000 người con từ mọi miền Tổ quốc anh dũng hy sinh để viết nên chiến thắng đường 9 - Nam Lào. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn cũng có hơn 10.000 dũng sĩ nằm lại khi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Cựu chiến binh, người dân từ khắp mọi miền của đất nước về thăm viếng và tìm hiểu những năm tháng chiến tranh hào hùng ở Quảng Trị

Cựu chiến binh, người dân từ khắp mọi miền của đất nước về thăm viếng và tìm hiểu những năm tháng chiến tranh hào hùng ở Quảng Trị

Hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia lớn nhất cả nước kể trên cũng là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 chiến sĩ quê Hải Dương, Hưng Yên. Phần mộ của các anh, các chị đã được quy tập vào một khu riêng "Liệt sĩ Hải Hưng", bên cạnh các khu "Liệt sĩ Thái Bình", "Liệt sĩ Hà Bắc"... Ở hai nghĩa trang quốc gia, những ngôi mộ ghi tên liệt sĩ: Bùi Đức Mây ở xã Lê Hồng (Thanh Miện); Bùi Văn Nhung ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng); Lê Đức Thái ở xã Thanh Bính (nay là Thanh Quang, Thanh Hà); Đỗ Hữu Biển ở xã Đồng Tâm, Ninh Thanh (nay là Ninh Giang); Bùi Tiến Bình ở Tứ Kỳ... nằm lặng lẽ bên đồi, dưới những hàng thông reo vi vút...

Chính những nơi này năm xưa là trận địa thì nay đã hóa đất lành ru các anh yên giấc nghìn thu. Linh hồn các anh đã hóa thành cây, thành cỏ gắn bó với mảnh đất linh thiêng Quảng Trị.

"Mà đã hết đâu! Vẫn còn bao nhiêu người nằm lại giữa rừng xa, núi thẳm, mãi mãi không về để lại nỗi đau bất tận và niềm khắc khoải, nhớ mong của những người mẹ, người vợ, người con"... Mặc trên mình chiếc áo xanh quân ngũ đã sờn, ngực đầy huy chương, người cựu binh già tóc bạc, da mồi Nguyễn Văn Khánh ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) không quản đường xa, vượt hơn 500 cây số từ Hải Dương vào Quảng Trị để thăm đồng đội giọng run run, mắt ngân ngấn lệ nói với tôi như vậy.

Các thành viên Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại khu "Liệt sĩ Hải Hưng" ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Các thành viên Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại khu "Liệt sĩ Hải Hưng" ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khánh cùng nhiều thanh niên, trai tráng trong làng từng tạm biệt mẹ già, làng quê yêu dấu, viết đơn tình nguyện bằng máu xin lên đường vào miền Nam chiến đấu. Đồng đội của ông có người cùng làng, người khác xã, thậm chí có người quê ở tận Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng nhưng về Trường Sơn như anh em một nhà. "Vậy mà còn mình tôi may mắn trở về. Quên sao được trận tập kích của máy bay Mỹ giữa đêm tháng 3/1973. Đồng đội tôi hy sinh nhiều lắm! Những người còn sống chỉ vội gạt nước mắt, chôn cất đồng đội nơi bìa rừng và hẹn ngày hòa bình sẽ trở về tìm lại các anh. Nhưng chỉ vài người hy sinh được về nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hay đường 9, còn bao người khác vẫn ở nơi đâu? Thương lắm... Trường Sơn ơi!", ông Khánh bùi ngùi nói.

Mùa này, nắng Quảng Trị bỏng rát nhưng không ngăn được bước chân của đồng đội, người thân về với những liệt sĩ đang yên nghỉ ở mảnh đất thiêng này. Họ về đây mang theo những đóa hoa tươi, nén hương trầm thơm ngát tri ân, tưởng nhớ người đã khuất. Dưới nấm mộ ấy có thể là chồng, là cha hay những đồng đội từng vào sinh ra tử, chia nhau chiếc chăn mỏng, miếng lương khô, cõng nhau vượt suối, băng rừng trong làn mưa bom, bão đạn.

Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông ở đất Quảng Trị anh hùng, chúng tôi thấm thía hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Họ là những người con trai, con gái từ khắp mọi miền quê lên đường chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và họ đã ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi…

Họ đã vĩnh viễn không trở về mà ở lại với Trường Sơn để "Ngày, họ là mây trắng trời xanh/ Đêm, họ là trăng sao lấp lánh" như câu thơ của cựu binh già quê Hồng Hưng vừa đọc bên cạnh mộ đồng đội mình.

Thành viên Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ

Thành viên Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ

Mãi mãi tri ân

Mỗi năm, các nghĩa trang ở Quảng Trị đón hàng nghìn lượt người đến thăm viếng. Có những gia đình từ nơi địa đầu của Tổ quốc như Lạng Sơn, Hà Giang đến đất mũi Cà Mau… năm nào cũng đến thắp hương tưởng nhớ. Nhiều cơ quan, đoàn thể hằng năm vượt hàng trăm km đến dâng hương, dâng hoa lên anh linh của các anh hùng liệt sĩ.

Là người lớn tuổi đang trông coi, quản lý tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ông Hoàng Văn Minh cho biết hơn 25 năm trước khi cuộc sống còn khó khăn, ai về Quảng Trị cũng không khỏi ngậm ngùi trước cảnh đìu hiu, cô quạnh ở các nghĩa trang liệt sĩ.

Hằng năm tỉnh Quảng Trị đều quan tâm tu sửa nghĩa trang và phần mộ các liệt sĩ. Trong ảnh: Tu bổ công trình ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9

Hằng năm tỉnh Quảng Trị đều quan tâm tu sửa nghĩa trang và phần mộ các liệt sĩ. Trong ảnh: Tu bổ công trình ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9

Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", các nghĩa trang của Quảng Trị - nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sĩ đã dần được tu bổ khang trang hơn. Ngoài Nhà nước đầu tư, người dân ở mọi miền đất nước cũng hướng về nơi này. "Phải kể đến Phong trào 5000 bát hương cho liệt sĩ Trường Sơn của thiếu nhi cả nước hay tấm lòng của một cụ bà ở miền Nam quyết bán cả đàn lợn để mua cây phượng giống, thuê xe vượt 600-700 cây số chở ra tận Trường Sơn trồng quanh mộ các anh nhân 45 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ", ông Minh chia sẻ.

Hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên cùng nhiều doanh nghiệp vừa đầu tư gần 5 tỷ đồng sửa chữa, tu bổ hơn 1.000 phần mộ liệt sĩ ở hai Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9

Hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên cùng nhiều doanh nghiệp vừa đầu tư gần 5 tỷ đồng sửa chữa, tu bổ hơn 1.000 phần mộ liệt sĩ ở hai Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9

Quảng Trị đã trở thành vùng đất thiêng, "cõi đi về" của niềm tri ân và hội tụ những nghĩa cử cao đẹp từ khắp mọi miền đất nước. Năm nay, Hải Dương và Hưng Yên cùng 3 doanh nghiệp: Tập đoàn An Phát Holdings, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương và Công ty CP Gốm Chu Đậu đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng sửa chữa, tu bổ hơn 1.000 phần mộ liệt sĩ của hai tỉnh ở hai Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Chỉ trong khoảng hai tháng, những cán bộ, nhân viên của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương và Hưng Yên đã nhiều lần vào Quảng Trị để kiểm tra, coi sóc việc cải tạo, tu bổ phần mộ cho các liệt sĩ quê mình.

Với tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn có trách nhiệm chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần làm yên lòng các gia đình, thân nhân liệt sĩ. Cùng với ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng chỉnh trang, quy tập mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Hằng năm, địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ như các Lễ hội "Thống nhất non sông"; "Tri ân tháng 7"; "Đêm hoa đăng" thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và nhân dân cả nước đến tưởng niệm, ôn lại truyền thống yêu nước.

Người dân khắp nơi trong cả nước về Quảng Trị thắp hương, thăm viếng các liệt sĩ đã nằm lại ở đất này

Người dân khắp nơi trong cả nước về Quảng Trị thắp hương, thăm viếng các liệt sĩ đã nằm lại ở đất này

Lần đầu tới đất thiêng Quảng Trị, tôi nhớ mãi lời kể nghẹn ngào của hướng dẫn viên Thành cổ: "Cứ mỗi đêm có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Và đến khi hướng dẫn viên đọc bốn câu thơ: "Ðò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm" thì nhiều người trong đó có tôi đã lau nước mắt.

Đời người, xin hãy một lần đến Quảng Trị để thấm hơn giá trị của hòa bình!

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ve-mien-dat-thieng-388384.html