Về miền di sản
Huyện Như Thanh được thiên nhiên ban tặng cho nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đẹp, với cảnh sắc núi non hùng vỹ, nên thơ, trữ tình. Vùng đất này còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị và mang trong mình bao câu chuyện của miền di sản.
Vẻ đẹp Vườn Quốc gia Bến En nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Linh (CTV)
Huyện miền núi Như Thanh được quy hoạch trong vùng kinh tế động lực Nam Thanh - Bắc Nghệ, cách Khu Kinh tế Nghi Sơn 18 km, lại có Quốc lộ 45 đi qua trung tâm huyện nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, nên Như Thanh có vị trí địa lý và giao thông khá thuận lợi cho phát triển du lịch.
Trong hành trình về với miền di sản Như Thanh, chúng tôi dừng chân tại Vườn Quốc gia Bến En – được ví như vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh. Vườn Quốc gia Bến En còn được coi là trung tâm của du lịch Như Thanh. Trong không gian rộng lớn với diện tích hơn 15 nghìn ha, Vườn Quốc gia Bến En dần dần mở ra với hồ Sông Mực – nơi có 21 hòn đảo lớn nhỏ, tạo thành cảnh quan sơn thủy, hữu tình. Đây cũng là khu vực điển hình của hệ sinh thái đai thấp, có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, không chỉ phục vụ cho nghiên cứu khoa học mà còn là nơi tham quan, du lịch sinh thái lý tưởng. Xung quanh Vườn Quốc gia Bến En có nhiều hang động đẹp như: hang Ngọc, hang Cận (xã Xuân Khang), hang Lèn Pót (xã Xuân Thái), thích hợp với các loại hình du lịch thám hiểm khám phá hang động tự nhiên và du lịch mạo hiểm.
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên mang tính đặc trưng, Như Thanh còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Dành thời gian đi tham quan trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En, chúng tôi có dịp ghé thăm các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể, với những dấu tích lịch sử như: Di tích Lò cao kháng chiến (thị trấn Bến Sung) gắn với tên tuổi Giáo sư Trần Đại Nghĩa và kỹ sư Võ Quý Huân, được xây dựng năm 1949 để sản xuất gang, thép phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp; đền Mẫu Phủ Sung (thị trấn Bến Sung), đền Phủ Na (xã Xuân Du), đền Am Tiên (núi Nưa), đền Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận), đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung).
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Như Thanh có các lễ tục, lễ hội như: lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của dân tộc Thái làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia); lễ hội rước bóng đền Phủ Na; lễ hội Sết Boọc Mạy; lễ hội mừng cơm mới; lễ hội rước linh vị Bạch Y công chúa... mang nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần, cũng như tín ngưỡng tâm linh của đồng bào nơi đây. Cùng với đó là các loại hình văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc, như: khặp Thái, hát dân ca, hát ru, xường của dân tộc Mường. Nhiều đặc sản ẩm thực của địa phương như: canh đắng, gỏi cá mè, gà đồi nướng, măng rừng... được người dân bản địa tự tay chế biến, sẽ làm vừa lòng du khách. Trong vùng còn một số làng nghề truyền thống như: đan lát tại làng Lúng, làng Cốc (xã Xuân Thái), dệt thổ cẩm tại làng Mài (xã Bình Lương), đánh cá và nuôi cá lồng tại các xã Xuân Phúc và Xuân Thái... vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và phát triển.
Với những giá trị về đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan cùng với giá trị tài nguyên du lịch nhân văn, đã tạo nên tiềm năng du lịch của Như Thanh tương đối đa dạng và phong phú. Từ đó tạo điều kiện cho huyện phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm... với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hơn thế nữa, Khu Kinh tế Nghi Sơn mở rộng đang mở ra cơ hội là động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch đặc biệt quan trọng của Thanh Hóa nói chung và Như Thanh nói riêng. Và trong thời gian tới, khi tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa hoàn thành, việc kết nối du khách bằng đường cao tốc từ Hà Nội tới Thanh Hóa đi Bến En, sẽ là một lợi thế quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Như Thanh.
Tin tưởng và kỳ vọng với sự bứt phá của ngành du lịch trong thời gian tới, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 chương trình trọng tâm. Vì vậy, huyện đang khẩn trương xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 để cụ thể hóa chương trình này. Mục tiêu là nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của huyện. Từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Như Thanh trở thành một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh.
Cũng theo ông Đặng Tiến Dũng, chương trình phát triển du lịch huyện Như Thanh giai đoạn 2021-2025 còn nhằm coi trọng tính hiệu quả, tập trung phát triển mạnh du lịch sinh thái với trọng tâm là kêu gọi nhà đầu tư vào khu nghỉ dưỡng cao cấp Vườn Quốc gia Bến En kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch di tích cách mạng. Quan tâm lập dự án quy hoạch mở rộng trùng tu, tôn tạo các khu di tích, lấy đền Phủ Na là trung tâm, cùng với các đền Đức Ông Khe Rồng, đền Phủ Sung, đền Bạch Y công chúa. Phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử Lò cao kháng chiến, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân trong vùng, kết hợp với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái mà trọng tâm là Vườn Quốc gia Bến En và hồ Yên Mỹ trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, thu hút lượng lớn du khách, có khả năng đóng góp cao cho tổng thu nhập từ du lịch của huyện và là động lực thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm du lịch khác. Từng bước thu hút đầu tư, hình thành cụm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi, khu vui chơi giải trí tổng hợp... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Song hành với đó là phát huy nội lực, kết hợp huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch để hình thành và phát huy hiệu quả loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng (xã Xuân Phúc); Dự án phát triển du lịch cộng đồng Eo Gấm (xã Hải Long), hang Ngọc (xã Xuân Khang), hang Lèn Pót (xã Xuân Thái), thác nước dốc Bò Lăn (xã Thanh Tân). Khôi phục các loại hình văn hóa dân gian truyền thống của huyện để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Trước mắt, khi chưa hoàn thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp, huyện tập trung thu hút khách thị trường khách du lịch nội địa truyền thống, bao gồm thị trường khách từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; mở rộng thị trường khách thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, hệ thống hạ tầng thiết yếu (bãi đỗ xe, khu đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống điện, nước, truyền thông...). Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh xúc tiến thu hút các nhà đầu tư trong tỉnh, huyện, các doanh nghiệp có tiềm lực để đầu tư xây dựng hình thành các khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Phấn đấu đến năm 2025, tổng thu từ du lịch của huyện đạt 413 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm; đón 240.000 lượt khách, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,2%/năm; phục vụ 456.000 ngày khách, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,8%/năm...
Để đạt được mục tiêu cũng như nội dung chương trình phát triển du lịch huyện Như Thanh giai đoạn 2021-2025 đề ra, huyện sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch du lịch nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế về du lịch. Huy động các nguồn lực để thu hút đầu tư vào du lịch. Xây dựng nền văn hóa du lịch chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh. Rà soát, hoàn chỉnh bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch từ huyện đến cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong phát triển du lịch. Tuyên truyền sâu rộng với hình thức phù hợp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời xác định trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, của mỗi cán bộ, đảng viên đối với phát triển du lịch bền vững; coi phát triển du lịch, xây dựng văn hóa trong du lịch chính là hình ảnh của con người Như Thanh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-mien-di-san/129514.htm