Về miền gạo trắng nước trong
'Cần Thơ gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về…'. Câu ca xưa đưa chúng tôi đến với Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Mảnh đất Tây Đô nổi tiếng với rộng dài mênh mông sông nước, với những điệu hò mượt mà của những thôn nữ miệt châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Độc đáo chợ nổi Cái Răng
Từ bến Ninh Kiều - điểm hợp lưu của sông Cần Thơ và sông Hậu, phóng tầm mắt qua ô cửa chiếc phà giữa mênh mông sóng nước, chợt nhớ ai đó từng nói rằng, đi Cần Thơ mà không đi chợ nổi thì coi như chưa đến Cần Thơ. Lời giới thiệu nhiệt tình ấy đã thôi thúc chúng tôi bước vào hành trình khám phá miền sông nước trù phú. Đồng hành cùng chúng tôi là cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp quê gốc Cần Thơ trong chiếc áo bà ba duyên dáng.
Trên chiếc thuyền nhỏ đặc trưng miền sông nước, cô hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi biết, Cần Thơ có nhiều chợ nổi nức tiếng như Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp, nhưng Cái Răng là điểm nhấn trong nhật ký hành trình của nhiều du khách đến với Cần Thơ. Bởi chợ nổi Cái Răng được thành lập và phát triển hơn 100 năm nay từ đầu thế kỷ XX. Trải qua các thời kỳ, chợ nổi Cái Răng đã trở thành nơi hội tụ của nhiều tài thuyền cỡ lớn chuyên buôn bán các mặt hàng nông sản tại Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Nhờ vị trí nằm trên trục đường sông thuận lợi của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ nên chợ nổi Cái Răng đã phát triển và hội tụ một nền văn hóa sông nước độc đáo. Ngoài ra, đây không chỉ là chợ nông sản đầu mối lớn nhất với bề dày lịch sử mà còn là điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo ngay từ tên gọi Cái Răng. Giải thích cho cái tên độc đáo này, cô hướng dẫn viên chia sẻ, tương truyền rằng, trên dòng sông Hậu xưa kia có một con cá sấu rất thích nghe hát bội. Năm đó, trong làng có một người lực điền yêu và làm đám cưới với cô thôn nữ ở làng bên. Đám rước dâu có hàng chục xuồng, ghe, có dàn nhạc lễ, trống kèn… vui như ngày hội. Khi đám rước đi ngang khúc sông nọ, bất thần con cá sấu nổi lên quật đuôi thật mạnh làm chìm 3-4 chiếc xuồng, ghe. Những người đi trong đám rước ném bỏ lễ vật, cố chèo chống, bơi lội thoát thân. Khi đã lên được trên bờ, điểm mặt từng người lại thì thấy mất tích cô dâu. Chú rể đau đớn, vật vã… Anh ta về rắp tâm giết cho bằng được con cá sấu, trả mối hận mất vợ. Anh gom góp hết vốn liếng, gia sản đi mời cho bằng được 3 gánh hát bội nổi tiếng trong vùng để rụ con cá sấu. Sau khi giết được cá sấu, chàng lực điền giành phần phanh da, xả thịt con sấu. Rồi từng phần cơ thể con cá sấu trôi đi khắp nơi, chỗ cái đầu dạt vào thì gọi là Đầu Sấu, phần da dạt vào thì gọi là Cái Da, phần răng rơi vãi thì gọi là Cái Răng... Cũng theo một số người dân địa phương, tên gọi Cái Răng có nguồn gốc từ tiếng Khmer theo từ "karan" nghĩa là "cà ràng". Ngày xưa, không biết từ đời nào, người Khmer ở huyện Tri Tôn (An Giang) chuyên làm nồi đất và "karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi này để bán, năm này qua năm nọ, người mình phát âm "karan” thành "Cái Răng”.
Vừa kết câu chuyện cũng là lúc ghe vào đến chợ nổi. Trong không khí của buổi sớm mai, hương phù sa ngan ngát của dòng sông huyền thoại, hàng trăm thuyền bè, thúng mủng lớn nhỏ từ các nơi đổ về tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, hối hả. Chúng tôi như lạc vào một vườn trái cây khổng lồ đầy hương sắc, màu xanh sậm của dưa hấu, những trái thanh long hồng tươi, màu vàng của dứa, mùi thơm của các loại trái cây hòa quyện.
Một nét độc đáo khác của chợ nổi chính là cách tiếp thị chào hàng của người bán. Mỗi chiếc ghe có một ngọn sào treo những sản vật vùng sông nước, hay còn gọi là cây bẹo. Cô hướng dẫn viên giải thích rằng, cây bẹo treo cái gì thì ghe bán cái đó. Và đó chính là văn hóa chợ nổi. Trước đây, cây bẹo không chỉ được dùng trong mua bán mà còn hiện hữu cả trong đời sống. Nhà nào có trai khôn muốn hỏi vợ, gái lớn muốn gả chồng, người ta cũng đều thông báo bằng cây bẹo. "Nếu cây bẹo nào treo một củ cải, nghĩa là ghe nhà đó có người con trai muốn tìm hiểu vợ, còn khi có con gái đến tuổi cập kê thì người ta treo 2 trái vũ sữa", cô hướng dẫn viên giải thích. Không chỉ độc đáo trong cách mua bán, chợ nổi để lại ấn tượng trong lòng du khách chính là sự mộc mạc, chân chất của những nông dân miền sông nước. Dù ghé vào ghe mua hay không, bạn cũng được mời nếm thử thỏa thích, gia chủ sẵn sàng mời bạn một tách trà, cùng tâm sự những chuyện của miền sông nước. Vui vẻ, bạn còn được thưởng thức điệu hò mượt mà của những thiếu nữ trong chiếc áo bà ba duyên dáng.
Vùng đất của văn hóa
Một trải nghiệm khác cũng thú vị không kém khi ở Cần Thơ vào buổi tối là ăn tối trên du thuyền dọc sông Hậu. Trong khung cảnh lung linh tuyệt đẹp của bến Ninh Kiều và ánh đèn lấp lánh từ cầu Cần Thơ, thành phố Tây Đô hiện lên từ một góc nhìn khác. Chính bến Ninh Kiều cũng là một biểu tượng của thành phố Cần Thơ. Buổi tối, bến Ninh Kiều hiện lên trước mặt du khách với vẻ đẹp huyện ảo với những dãy đèn lồng được thắp lên dọc bồ sông lung linh trên bóng nước. Dọc bến Ninh Kiều có một con đường nhỏ cho du khách tản bộ ngắm cảnh sông nước. Xa xa là những xóm chài le lói ánh đèn yên tĩnh, bình lặng. Dưới sông những con thuyền chiều lòng du khách thả trôi trên dòng nước để du khách có thể thoải mái ngắm nhìn thành phố về đêm.
Trên sông, tàu du lịch Ninh Kiều đón khách nghe đờn ca tài tử. Đây là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của văn hóa vùng đất phương Nam với những tiếng đàn ngọt lịm hòa với giọng ca mượt mà của các nam, nữ nghệ nhân đờn ca xứ Tây Đô. Chương trình đêm nhạc đờn ca tài tử trên sông đêm nào cũng diễn phục vụ du khách. Một đêm thưởng thức nhạc trữ tình trên dòng sông Hậu luôn là điều tuyệt vời cho bất cứ ai yêu nét văn hóa miền Tây Nam Bộ. Đêm về khuya, nghe những thanh âm của đờn ca, loại âm nhạc đặc sắc của riêng vùng sông nước giữa bầu trời đêm đầy sao trên dòng sông Hậu lộng gió, cảm giác trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và đáng nhớ. Được biết, hàng năm, để duy trì nét văn hóa độc đáo này, thành phố Cần Thơ thường xuyên tổ chức liên hoan đờn ca tài tử. Rất nhiều nghệ nhân đã hội tụ về đây và nhiều du khách lựa chọn những dịp này để đến với Ninh Kiều để được thưởng thức những câu vọng cổ ngọt ngào, ngân nga mà đậm chất tình, chất đời.
Ngoài ra, trong chuyến đi lần này, chúng tôi may mắn được ghé làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh, thuộc huyện Phong Điền - nơi được mệnh danh là vương quốc trái cây của khu vực miền Tây với nhiều loại quả nổi tiếng như: dâu Hạ Châu, mận An Phước, vú sữa Lò Rèn. Khu du lịch Mỹ Khánh cũng là một trong những điểm đến tiêu biểu của Cần Thơ. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10 km, Mỹ Khánh là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa sông nước miệt vườn với nhiều chủng loại trái cây đặc sản, bốn mùa trĩu quả kết hợp cùng ẩm thực phong phú, đậm chất Nam Bộ. Một điều chắc chắn là bất cứ ai tham gia các hoạt động như: một ngày làm điền chủ, tát mương bắt cá, bơi thuyền, câu cá, thăm quan làng nghề truyền thống, nghe đàn ca tài tử, xiếc khỉ... sẽ không muốn rời xa vùng đất này…
Chia tay Cần Thơ sau những ngày trải nghiệm với bao khám phá thú vị, điều đọng lại trong tâm trí chúng tôi không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của vùng đất "chín rồng" và những con người Cần Thơ thân thiện, mến khách, mà còn là sự vươn lên phát triển mạnh mẽ của một đô thị trẻ xứng tầm trung tâm kinh tế - văn hóa của miền Tây Nam Bộ.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/137493/ve-mien-gao-trang-nuoc-tr111ng.htm