Về miền ký ức hào hùng - Bài 1: Hành hương về cội

Những con người bình thường đã làm nên những điều phi thường ở mảnh đất đầy khốc liệt này. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc.

Phóng viên, Biên tập viên Ban Biên tập tin Kinh tế (BNEWS)- TTXVN thắp hương tượng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Phóng viên, Biên tập viên Ban Biên tập tin Kinh tế (BNEWS)- TTXVN thắp hương tượng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Những ngày tháng Bảy, trời miền Trung xanh và cao. Nắng chói chang như rang những cồn cát trắng, nhưng dường như không làm nản lòng hàng triệu trái tim khắp cả nước hướng về dải đất Anh hùng với tinh thần tri ân. Trong dòng chảy đó, Ban Biên tập tin Kinh tế - TTXVN đã tổ chức chuyến đi về nguồn và tri ân Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy Anh hùng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Đây là sự kiện được lãnh đạo Ban Biên tập tin Kinh tế dành nhiều tâm huyết với mong muốn tri ân công lao, sự hy sinh cao cả của các nữ pháo binh Ngư Thủy trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Với tinh thần "tiếp nối là không quên", đây là dịp để thế hệ phóng viên, biên tập viên trẻ chúng tôi hiểu thêm về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của các thế hệ đi trước.

Đoàn khởi hành khi Hà Nội còn đang chìm trong giấc ngủ. Thành viên trong Đoàn phần lớn là các biên tập viên mảng Quốc tế, tuổi đời còn rất trẻ và cũng là lần đầu tiên đến với dải đất Anh hùng trong một hành trình tri ân.

Biên tập viên Mai Ly chia sẻ: "Vẫn biết khí hậu miền Trung những ngày này khắc nghiệt, nhưng điều đó không làm em lo lắng. Điều em lo lắng hơn cả là chuẩn bị trang phục và những thông tin về một thời kỳ hào hùng đó. Mặc dù chưa đến nơi đây bao giờ, song em nghĩ đó là nơi thiêng liêng và mình cần sửa soạn thật trang trọng".

Sau chặng đường dài, xe chúng tôi đã đến Can Lộc, Hà Tĩnh và dừng chân tại Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong năm xưa đã ngã xuống như một huyền thoại của dân tộc.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Trong kháng chiến, nơi này từng được mệnh danh là “tọa độ chết”. Theo thống kê, năm xưa mỗi mét vuông đất nơi đây phải "gánh" 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm lên tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.

Mười cô gái thanh niên xung phong đã có mặt tại Ngã ba Đồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Với khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn đã không làm khuất phục ý chí của những tấm lòng quả cảm.

Bức thư gửi mẹ đầy xúc động của chị Võ Thị Tần đã thể hiện ý chí ấy, trong thư có đoạn: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

"Mười phím đàn dưới cỏ". Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

"Mười phím đàn dưới cỏ". Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Dải đất Can Lộc hôm nay trải dài một màu xanh bát ngát, điểm thêm màu tím thủy chung của những bông sim. Mười ngôi mộ bé nhỏ phủ đầy hoa trắng, xếp hàng trang nghiêm, lặng lẽ như "mười phím đàn dưới cỏ" đang ngân lên khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành lại non sông.

Rời Can Lộc, Đoàn chúng tôi xuyên qua những miền cát trắng để đến mảnh đất Quảng Bình viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới bóng thông xanh trên con đường dẫn đến khu mộ Đại tướng, một sự ngạc nhiên và tôn kính trong tôi trào dâng khi đứng trước ngôi mộ đất có bia đá khắc tên Đại tướng trên một ngọn đồi nhỏ hướng ra biển. Đến nơi đây, tôi càng thêm tôn kính về một con người, một nhân cách. Một cảm giác bình yên, giản dị và quá đỗi tự hào.

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đơn sơ trên một ngọn đồi nhỏ hướng ra biển. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đơn sơ trên một ngọn đồi nhỏ hướng ra biển. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Như đoán được ý nghĩ của tôi, một thành viên trong Đoàn nói: "Đây là tâm nguyện của Đại tướng khi còn sống. Đại tướng là vậy, sống một cuộc đời giản dị, trở về với đất mẹ cũng vẫn hành trang ấy".

Những con người bình thường đã làm nên những điều phi thường ở mảnh đất đầy khốc liệt này. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc. Tiếp tục hành trình đến với "Những cô gái Ngư Thủy" ở nơi "chang chang cồn cát", lòng tự nhủ hãy trân trọng và biết ơn sự hy sinh của những chàng trai, cô gái "Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép"./.

>> Xem tiếp bài 2: Anh hùng toàn những gái xuân xanh

Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ve-mien-ky-uc-hao-hung-bai-1-hanh-huong-ve-coi/129322.html