Về miền quê Ngọc Chiến: Kỳ I: Những bứt phá mạnh mẽ

Vài năm trở lại đây, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, có cái tên dễ thương 'Miền quê cổ tích' nhận được sự quan tâm của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế khi lựa chọn điểm đến trong hành trình du lịch Sơn La, Tây Bắc.

Ngọc Chiến không chỉ hấp dẫn bởi những danh lam thắng cảnh thiên nhiên ban tặng, mà còn đặc biệt bởi những công trình, điểm du lịch độc đáo, được tạo nên từ chính bàn tay, khối óc và sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây.

Những chủ trương đi vào cuộc sống

Nằm ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển, Ngọc Chiến được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng, với khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình 23 độ C. Xã có 13 khu khoáng nóng; hơn 10 km dòng suối Chiến hiền hòa, trong xanh. Trên 300 ha đồi thông bon sai, loại thông tự nhiên chỉ riêng có ở Ngọc Chiến; hơn 2.650 ha cây sơn tra mùa hoa nở trắng núi rừng, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Trên 1.000 ha cây chè cổ thụ trong rừng nguyên sinh, cùng hệ thống thác nước, hang động phong phú, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ; cây sa mu trên 1.000 năm tuổi, truyền thuyết đôi cây tình yêu... và nét văn hóa dân tộc truyền thống phong phú. Tất cả đã tạo cho Ngọc Chiến những lợi thế, tiềm năng riêng có và là điều kiện quan trọng để phát triển.

Mô hình cọn nước thu hút khách du lịch tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Mô hình cọn nước thu hút khách du lịch tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Quả thật, chỉ trong thời gian ngắn, những tiềm năng, lợi thế của Ngọc Chiến được ví như “công chúa ngủ trong rừng” đã được “đánh thức”. Theo người dân trong xã, sự “thức dậy” này phần lớn là do thực hiện các chủ trương của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế, xã hội. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ, chia sẻ: Trước khi ban hành các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của xã, Đảng bộ xã đã nghiên cứu rất kỹ tình hình thực tế, tiềm năng lợi thế, cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, khi ban hành, đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên việc hiện thực hóa các chủ trương khá thuận lợi.

65 chủ trương của Đảng ủy xã Ngọc Chiến được chia thành 6 nhóm: Nhóm chủ trương về lĩnh vực kinh tế; nhóm chủ trương về đường giao thông; nhóm chủ trương về lĩnh vực văn hóa - xã hội; nhóm chủ trương về du lịch; nhóm chủ trương về an ninh trật tự và nhóm chủ trương lĩnh vực khác. Người dân Ngọc Chiến gọi 65 chủ trương này là các “dự án 0 đồng”, bởi tất cả nguồn kinh phí đều do nhân dân đóng góp, triển khai thực hiện và hưởng lợi.

Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La họp triển khai thực hiện các chủ trương.

Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La họp triển khai thực hiện các chủ trương.

Các chủ trương đều tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Đơn cử như chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với “trồng cỏ voi diệt cỏ dại”; huy động xã hội hóa xóa nhà tạm, nhà dột nát; chủ trương về đường giao thông nông thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, xa khu dân cư; tuyên truyền, vận động mỗi hộ dân xây 1 lò đốt rác mini, hoặc có hố chứa rác thải sinh hoạt; tuyên truyền, vận động nhân dân làm nhà vệ sinh tự hoại... Đến nay, xã đã hoàn thành được 31 chủ trương, tạo nên diện mạo nông thôn mới cho vùng quê vùng cao Ngọc Chiến. Song, hơn hết là đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân, cũng như sự đồng thuận cao trong phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

Đổi mới từ niềm tin và sự quyết tâm

Về Ngọc Chiến lần này, đi đến đâu, cũng cảm nhận được niềm tin của người dân đối với những chủ trương của Đảng ủy xã đề ra trong phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, gia đình nào cũng đồng lòng, chung sức thực hiện, tạo nên “làn gió” mới làm thay đổi những tập quán lạc hậu trong đời sống và sản xuất, biết khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

Tại bản Đông Xuông, không còn nhà ở tạm; 100% các tuyến đường ngõ xóm và đường vào hộ gia đình được đổ bê tông sạch sẽ. Dọc các tuyến đường được tạo hình và ghép bằng đá suối, với những hình ảnh về con người, phong cảnh thiên nhiên của xã, bắt mắt và độc đáo. Trưởng bản Lò Văn Lôn không giấu niềm vui: Những công trình này do nhân dân trong bản đóng góp tiền, công lao động xây dựng để tạo cảnh quan và phát triển du lịch. Bây giờ hầu hết người dân trong bản không còn thiếu ăn nữa, mà bàn nhau cách để làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.

Người dân bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến trồng cỏ voi nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

Người dân bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến trồng cỏ voi nuôi trâu, bò nhốt chuồng.

Trong câu chuyện, Trưởng bản Đông Xuông tâm đắc với chủ trương của Đảng ủy xã về “trồng cỏ voi diệt cỏ dại”, lấy thức ăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng làm hàng hóa. Khoát tay chỉ diện tích cỏ voi cao hơn đầu người ở gần nhà, anh nói: Chủ trương này đã mang lại cho người dân nhiều lợi ích, đó là tăng nguồn thức ăn cho đại gia súc; cỏ không sử dụng hết có thể bán với giá từ 100-120 nghìn đồng/gánh; loại cỏ này có thể tận dụng trồng ở diện tích đất bạc màu. Hơn nữa, việc nuôi trâu, bò nhốt chuồng còn tạo được nguồn phân để bón cho cây trồng, hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân hóa học. Đông Xuông hiện có 35 ha cỏ voi, duy trì nuôi trên 300 con trâu, bò. Như vậy, trung bình mỗi hộ dân nuôi 2 con trâu, bò làm hàng hóa (bản có 151 hộ dân). Nguồn thu này đã góp phần tăng thu nhập cho bà con, hiện bản chỉ còn 12 hộ nghèo.

Thăm bản Phày, đi trên con đường trục bản được đổ bê tông rộng rãi phong quang, trong đó có khoảng 150m được người dân xây bể nuôi cá koi ở bên lề đường, chúng tôi cảm nhận được quyết tâm đổi mới để có cuộc sống tốt hơn của người dân nơi đây. Anh Lường Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản, tự hào: Tuyến đường này đã đổ bê tông từ năm 2017, nhưng mặt đường chỉ rộng từ 2,5-3m. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ xã về mở rộng tuyến đường từ bản Phày đi vùng kinh tế bản Lướt - bản Nà Tâu - bản Mường Chiến, Ban quản lý bản tổ chức họp nhân dân để bàn bạc, thống nhất việc mở rộng tuyến đường. Với suy nghĩ đẹp bản, đẹp nhà mình, bản cần đến đâu, bà con tự nguyện hiến đất đến đó. Vì vậy, các hộ dân sống hai bên tuyến đường đã dỡ bỏ hàng rào, chặt cây ăn quả, hiến hơn 4.000 m² đất để mở rộng mặt đường lên từ 5-8m.

Hợp lòng dân, bà con tin và làm theo, tự nguyện góp tiền, hiến đất, góp công sức để mở rộng 4,5 km đường trục bản; xây bể nuôi cá koi làm điểm du lịch; đến việc trồng 28 ha cỏ voi lấy thức ăn nuôi trên 300 con trâu, bò; chăm sóc 700 con lợn trên 2 tháng tuổi; đưa giống lúa mới vào thâm canh trên 40 ha ruộng, sản lượng đạt khoảng 200 tấn thóc, bảo đảm an ninh lương thực.

Tuyến đường từ bản Phày nối đến bản Lướt - Bản được Đảng ủy xã chọn xây dựng điểm phát triển du lịch cộng đồng. Hiện bản Lướt có 5 homestay, phục vụ khách du lịch từ ăn, ngủ, tắm khoáng, tham quan du lịch trải nghiệm. Bản còn thành lập 3 đội văn nghệ phục vụ du khách, với các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Khu suối khoáng nóng bản Lướt, xã Ngọc Chiến.

Khu suối khoáng nóng bản Lướt, xã Ngọc Chiến.

Ghé thăm homestay Suối khoáng Ngọc Chiến của gia đình chị Quàng Thị Lãi tại trung tâm bản Lướt. Chị Lãi xởi lởi kể về quá trình gia đình chị đầu tư xây dựng Homestay: Sau khi được bồi dưỡng đào tạo nghề du lịch mở tại xã, dạy nấu ăn các món dân tộc; dạy tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài. Tôi tham gia tất cả các lớp này để có kiến thức phát triển dịch vụ du lịch.

Bây giờ homestay của gia đình chị Lãi có 8 phòng nghỉ; 2 bể tắm; du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc. Nếu khách du lịch có nhu cầu sẽ được hướng dẫn đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Rất mừng là, những ngày nghỉ lễ, homestay của gia đình thường đón trên 100 khách du lịch/ngày. Trừ chi phí, thu nhập của gia đình chị đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Những con số “biết nói”

Đến thời điểm này, Ngọc Chiến đã hoàn thành 31 chủ trương (dự án “0 đồng”), với tổng giá trị với gần 235 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành 133 tuyến đường bê tông, dài 96,3 km; xóa được 33 nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng khu tâm linh phục vụ nhân dân và gắn với phát triển du lịch gồm 4 nhà thờ; 15 bản có sân vận động rộng từ 1.500 m² trở lên; xây dựng 2.200 cột điện thắp sáng làng quê; 15 cổng chào bản; xây dựng điểm du lịch chong chóng khổng lồ, guồng nước ven suối Chiến...

Những cây gỗ to hàng trăm năm tuổi tại khu rừng bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến đang được bảo tồn.

Những cây gỗ to hàng trăm năm tuổi tại khu rừng bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến đang được bảo tồn.

Những chủ trương sát với cuộc sống đã khơi dậy sự khát khao đổi mới và sự đồng thuận cao của người dân, Ngọc Chiến đang bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Lương thực bình quân đạt gần 667 kg/người/năm; 2.657 ha cây ăn quả trên đất dốc, sản lượng đạt 8.500 tấn quả các loại, trị giá hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 75%; tổng đàn vật nuôi hơn 65.000 con. Đặc biệt, Ngọc Chiến đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, với 25 homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi và tắm khoáng cho khoảng 50.000 lượt khách/năm... Trung bình mỗi năm giảm được 8,87% hộ nghèo, hiện xã còn 16,06% hộ nghèo; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong kết quả chung này, có vai trò rất lớn của những người cầm lái con thuyền đổi mới ở xã vùng cao nơi đây.

(còn nữa)

Hồng Luận - Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-mien-que-ngoc-chien-ky-i-nhung-but-pha-manh-me-49886