Về miền quê Ngọc Chiến: Kỳ II: Những người 'đứng mũi chịu sào'

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những cảm nhận của chúng tôi về những người 'đứng mũi chịu sào' tại xã vùng cao Ngọc Chiến khi tiếp xúc, trò chuyện và được chứng kiến cách họ giải quyết công việc tại cơ sở.

Sáng tạo và thuyết phục

Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ cho rằng: 65 chủ trương hay còn gọi là các “dự án 0 đồng” nhận được sự đồng thuận cao của bà con là do đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn, cũng như khát vọng vươn lên để có cuộc sống mới. Thêm nữa, còn là cách cán bộ tuyên truyền, thuyết phục để nhân dân đồng thuận vào cuộc. Vì vậy, những việc Đảng ủy xã đề ra đều thuận buồm, xuôi gió và đạt được hiệu quả cao, đúng như Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ (thứ nhất bên phải), trao đổi với bà con về mở rộng đường nội bản.

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ (thứ nhất bên phải), trao đổi với bà con về mở rộng đường nội bản.

Để đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào thực tế cuộc sống hiệu quả, Bí thư Đảng ủy xã đã đề xuất thành lập 15 tổ công tác “Ngày thứ bảy về với dân” tại 15 bản của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, mỗi tổ từ 3-5 người, phụ trách 1 bản. Tuy nhiên, không chỉ ngày thứ bảy, mà hầu như tất cả các ngày trong tuần, chỉ trừ khi họp, hay giải quyết các công việc tại trụ sở xã, thành viên các tổ công tác, kể cả Bí thư Đảng ủy xã lại về bản, cùng bà con san nền, cuốc đất, làm đường giao thông, bờ kè, xây mương thủy lợi, hướng dẫn cách sắp xếp đồ đạc gọn gàng, dọn vệ sinh nhà ở sạch sẽ...

Ông Lèo Văn Lả, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ngọc Chiến, Tổ trưởng tổ công tác “Ngày thứ bảy về với dân” phụ trách bản Đông Xuông, chia sẻ: Chúng tôi thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân; nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cùng với Chi bộ, Ban quản lý bản bàn bạc, tìm hướng giải quyết, sau đó đưa ra cuộc họp toàn thể nhân dân xin ý kiến, tạo sự đồng thuận cao để thực hiện. Ví dụ, việc tìm nguồn kinh phí để tạo hình bằng đá suối trên tất cả các tuyến đường nội bản, với những hình ảnh mang đậm nét văn hóa truyền thống về con người, phong cảnh Ngọc Chiến. Sau khi tổ công tác, Chi bộ và Ban quản lý bản bàn và đưa ra cuộc họp bản, đã nhận được sự thống nhất cao là sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng của bản. Cũng nguồn tiền này, hiện bà con đang trồng 700 chậu hoa để hai bên lề đường trục bản, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, thu hút khách du lịch.

Một góc bản Lướt, xã Ngọc Chiến.

Một góc bản Lướt, xã Ngọc Chiến.

Cũng câu chuyện sáng tạo trong cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương vào thực tế cuộc sống, có thể kể đến việc thực hiện chủ trương số 27 của Đảng ủy xã về tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp, Đảng ủy xã đã chọn bản Kẻ làm điểm. Mục đích chọn bản Kẻ làm điểm là bởi, khi thành công sẽ thuận lợi hơn trong việc nhân rộng mô hình. Đảng ủy xã đã chỉ đạo Tổ công tác về bản “cùng ăn, cùng ở”, hướng dẫn bà con vệ sinh cá nhân; cách sắp xếp đồ đạc gọn gàng; thu gom rác thải; làm chuồng chăn nuôi ra xa nhà ở; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh... Phân tích sâu sắc lợi ích của việc ăn, ở hợp vệ sinh cho bà con.

Khoe với chúng tôi kết quả của việc thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã, Trưởng bản Kẻ Lò Văn Luấn phấn khởi: Bây giờ bản Kẻ đã trở thành điểm sáng của xã về vệ sinh môi trường. Bản có 72/74 hộ dân đã chuyển đàn gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở và đổ bê tông nền gầm sàn; gia đình nào cũng có lò đốt rác mini hoặc hố chứa rác thải sinh hoạt. 100% hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tệ nạn nghiện rượu đã giảm rất nhiều. Hiện, bà con đang chung sức xây dựng không gian văn hóa và giới thiệu đặc sản rượu cần của dân tộc La Ha (bãi đá lẩu xá), tạo điểm đến cho khách du lịch.

Trên đường dẫn chúng tôi đến khu vực cây sa mu trên 1.000 năm tuổi, ông Lò Văn Toạn, bản Nà Tâu, khoe rằng, tại đây đã xây dựng được nhà thờ cây thần sa mu, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của dân bản. Ngày mồng 7 tết nguyên đán hàng năm, dưới gốc cây tổ chức các mâm cơm, đại diện các gia đình trong toàn xã về gặp mặt. Việc làm này tăng thêm tình đoàn kết của nhân dân trong xã và tạo không khí phấn khởi để bước vào năm lao động sản xuất với mong muốn đạt kết quả cao.

Dưới gốc cây sa mu hơn 1.000 năm tuổi, chúng tôi nhận thấy khoảnh đất xung quanh cây được chia thành 36 ô, các ô đều xếp bằng đá suối. Gốc cây sa mu sần sùi, cổ kính, có 1 cây si tầm gửi mà người dân nói rằng mọc từ phía trên thân cây rồi mới xuống đất, giờ cũng trở thành cây cổ thụ. Ngay cạnh đó là nhà thờ được làm bằng gỗ sa mu. Quả đúng như lời ông Toạn nói, chủ trương xây dựng nhà thờ tại đây không chỉ đáp ứng nguyện vọng của người dân mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Nói về những kết quả đạt được của việc thực hiện các chủ trương của Đảng ủy xã, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ khiêm tốn: Với phương châm “ý Đảng, lòng dân”, các chủ trương đều xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Những kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của tập thể cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã, của toàn thể cán bộ, đảng viên và sự chung sức, đồng lòng của người dân.

Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Dù không kể về bản thân, nhưng chúng tôi hiểu, trong kết quả mà Ngọc Chiến đạt được hôm nay, không thể không nhắc đến những người “đứng mũi chịu sào” ở xã, mà vai trò quan trọng là người “cầm lái con thuyền” trong hành trình đổi mới - Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ.

Anh Sỹ khá có duyên với Ngọc Chiến, bởi trước đây anh từng là giáo viên dạy học tại xã, nên phần nào đã hiểu về con người và vùng đất này. Cách đây 3 năm, khi được phân công đi cơ sở, anh đã xin về Ngọc Chiến, với mong muốn cùng người dân “đánh thức” những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Khu bãi đá Lẩu Xá, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến.

Khu bãi đá Lẩu Xá, bản Kẻ, xã Ngọc Chiến.

Đặt chân trở lại Ngọc Chiến, việc đầu tiên anh làm là thường xuyên về các bản nắm bắt tình hình thực tế, những tâm tư nguyện vọng của người dân, về tiềm năng lợi thế của từng bản. Trên cơ sở đó bàn bạc, Đảng bộ xã chỉ đạo các bản chọn hướng tập trung phát triển từ việc khai thác lợi thế của từng bản. Từ đó, xây dựng và ban hành 65 chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của xã sát với từng bản, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Bí thư Đảng ủy xã cũng có cách “dân vận” riêng. Đơn cử như có trường hợp người dân chưa hiểu, chưa đồng thuận, anh Sỹ trực tiếp về bản gặp gỡ, lắng nghe những khúc mắc của họ và giải thích cặn kẽ; phân tích những lợi ích mang lại từ việc thực hiện chủ trương của xã. Anh còn tranh thủ vai trò của người có uy tín trong dòng họ để thuyết phục. “Mưa dầm thấm sâu” khi đã hiểu, người dân đó không những tích cực hưởng ứng mà còn vận động những người xung quanh mình tham gia, ủng hộ.

Chia sẻ về vai trò của cán bộ đi cơ sở, anh Sỹ tâm sự: Tôi luôn nghĩ, về cơ sở công tác phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự gắn bó với địa phương theo đúng nghĩa “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ và lấy dân làm gốc với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Có lẽ đây là bí quyết giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ đi cơ sở trong suốt thời gian vừa qua.

Trao đổi kinh nghiệm trồng cỏ voi.

Trao đổi kinh nghiệm trồng cỏ voi.

Từng được biết anh Bùi Tiến Sỹ từ khi còn là Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường La, chúng tôi nhận thấy ở anh vẫn là tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình, nhưng dường như có sự trưởng thành hơn rất nhiều, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ. Gương mặt sạm nắng ghi dấu thời gian anh lặn lộn về các bản, cùng người dân mở rộng các tuyến đường, lắp đặt cột điện thắp sáng làng quê, làm cổng chào bản, xây dựng các nhà thờ bản... tạo điểm đến cho du khách tham quan, trải nghiệm.

Thay cho lời kết

Ý Đảng được bắt nguồn từ thực tế của đời sống và những mong muốn, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, do đó những chủ trương đúng, trúng luôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Cùng với đó, cán bộ phát huy vai trò “đầu tầu”, tâm huyết, trách nhiệm trong đổi mới, phát triển bền vững, người dân có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, tiến bộ đang hiện hữu ở miền quê Ngọc Chiến.

Hồng Luận, Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ve-mien-que-ngoc-chien-ky-ii-nhung-nguoi-dung-mui-chiu-sao-49909