Về miền văn hóa tâm linh, đất Phật
Nói đến lễ hội Tây Thiên là nói đến Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - chính Vương phi Hùng Chiêu Vương thứ VII. Tương truyền, bà là người có công giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị.
Khi mất, bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước nên được sắc phong làm Quốc Mẫu. Và cũng chính tại núi Tây Thiên, nơi bà hóa, nhân dân đã dựng nên đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của bà.
Cứ vào ngày 15/2 âm lịch hằng năm, nhân dân trong vùng lại tưng bừng, phấn khởi cùng sắc cờ, tiếng trống, chiêng rộn ràng trong Lễ hội Tây Thiên, dâng lên Mẫu nén hương thơm cùng lễ vật quê hương để tỏ lòng thành kính, biết ơn và cầu xin Quốc Mẫu phù hộ cho đồng bào được bình an, hạnh phúc. Lễ hội đã thu hút hàng vạn du khách thập phương và trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh.
Nghi thức lễ trong Lễ hội Tây Thiên mang những nét độc đáo riêng, gồm: Lễ cáo, lễ rước và lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên. Riêng phần lễ cáo bao giờ cũng diễn ra trước lễ chính khoảng 5 ngày.
Trong 3 ngày, từ ngày 15 - 17/2 âm lịch, nhân dân và khách thập phương sẽ được tham gia phần tế lễ trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc, gồm rước kiệu, múa Xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất giang sơn... Phần hội cũng có rất nhiều hoạt động phong phú như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, hội vật, cùng các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn miền bán sơn địa.
Nét đặc biệt ở Lễ hội Tây Thiên còn được thể hiện ở các điệu hát chèo, hát văn và những làn điệu dân ca truyền thống bản địa như: làn điệu Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, Sình ca của dân tộc Cao Lan... Những lời ca, tiếng hát hòa cùng nhạc cụ truyền thống thể hiện sinh động đời sống tinh thần của nhân dân, ca ngợi công lao to lớn của Quốc Mẫu Tây Thiên, tình yêu Tổ quốc và không khí hăng say lao động sản xuất.
Để bảo tồn và phát huy văn hóa lễ hội Tây Thiên, những năm qua, tỉnh đã quan tâm dành nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích; cải tạo cảnh quan và xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ kết nối các đền, chùa, bảo tháp, sân trung tâm lễ hội.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ Khu danh thắng Tây Thiên, trong đó, phải kể đến hệ thống cáp treo do Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng xây dựng. Tuyến cáp này đã giúp du khách thuận tiện hơn trong hành trình “đến với Phật, về với Mẫu”.
Anh Nguyễn Văn Giang, một du khách ở tỉnh Bắc Giang cho biết: "Tôi đến đây nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng có cảm giác an lạc, tâm hồn thư thái. Tây Thiên giờ có nhiều đổi thay so với trước đây. Một số ngôi đền, chùa được tu bổ uy nghi hơn; môi trường sạch đẹp, mọi thứ đều ngăn nắp, nền nếp và nhất là đường du xuân từ Đền Thỏng đến Đền Thượng thuận lợi nhờ có hệ thống cáp treo... Chắc chắn đây sẽ là địa điểm mà tôi và cả gia đình sẽ đến thêm nhiều lần nữa".
Năm 2022, do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Lễ hội Tây Thiên không tổ chức phần hội mà chỉ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên. Lễ dâng hương được tổ chức đúng vào ngày 15/2 âm lịch. Các nghi thức được tổ chức theo đúng văn hóa truyền thống, với phương châm tiết kiệm, tôn nghiêm, trang trọng.
Đồng chí Đỗ Quốc Trọng, Trưởng ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên cho biết: Để lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên diễn ra ý nghĩa, an toàn, UBND huyện Tam Đảo đã xây dựng kịch bản và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho nghi lễ. Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ dâng hương đã được các cơ quan chuyên môn của huyện Tam Đảo chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, từ cơ sở vật chất đến nhân lực, lễ vật…
Về với Tây Thiên vào ngày giỗ Quốc Mẫu (15/2 âm lịch) là về với miền văn hóa tâm linh, đất Phật. Ngoài được hòa mình vào cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, du khách còn được hoan hỉ bởi sự từ bi, quảng đại của Phật và lòng bao dung, chở che nhân từ của Quốc Mẫu Tây Thiên.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75114/ve-mien-van-hoa-tam-linh-dat-phat.html