Về miền xứ đạo trù phú, an lành

Nhiều năm qua, cộng đồng Công giáo tại Nghệ An tích cực đồng lòng đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương. Cuộc sống miền quê xứ đạo ngày một trù phú, an lành có dấu ấn đậm nét của 'hạt nhân' là những thủ lĩnh vùng giáo.

Lương, giáo chung tay

Chúng tôi về giáo xứ Vạn Thủy (xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ngay từ cổng vào giáo xứ là “Đường cờ đại đoàn kết” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quỳnh Lưu phối hợp với linh mục quản xứ và bà con giáo dân xây dựng. Mỗi cột đèn điện cao áp sẽ có một lá cờ Tổ quốc được treo lên. Dẫn chúng tôi đi tham quan các công trình nông thôn mới như bể cấp nước sạch, cống ngăn nước, đoạn đường xanh-sạch-đẹp, linh mục quản xứ Phan Văn Thắng nhớ lại: “Lúc tôi về Vạn Thủy, nơi đây đang là một giáo họ, một vùng thấp trũng, nước mặn đồng chua. Đường vào giáo họ là đường đất lầy lội; môi trường sinh thái ô nhiễm; bà con chưa có nước sạch sử dụng, đường làng chưa có đèn chiếu sáng... Vạn Thủy được nâng từ giáo họ lên giáo xứ vào năm 2020, diện mạo đổi thay từ đường sá cao ráo, rộng rãi; nước sạch về tận từng gia đình; cây xanh rợp bóng mát khắp nơi; đêm đến đèn điện chiếu sáng làng quê như phố phường”.

Thời điểm này, bà con giáo dân Vạn Thủy đang đồng loạt ra quân tháo dỡ các công trình kiên cố, hiến đất để mở rộng đường giao thông. Bà Nguyễn Thị Kỳ, Hội trưởng Hội Phụ nữ xóm 12, cũng là giáo dân giáo xứ Vạn Thủy, một trong những hộ điển hình tiêu biểu trong phong trào hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới, chia sẻ: “Toàn bộ 40 hộ giáo dân có tuyến đường nâng cấp chạy qua đều đồng thuận hiến một phần đất thổ cư của gia đình để mở rộng, nâng cấp đường làng. Mỗi hộ hiến từ 30 đến 40m² đất ở, trị giá hàng chục triệu đồng. Nhiều hộ dân mới làm nhà, làm cổng xong rất đẹp nhưng khi thực hiện chủ trương làm đường thì đều vui vẻ, đồng loạt phá dỡ để làm lại con đường cho thẳng, khang trang, rộng rãi".

Đến giáo xứ Làng Nam (xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), ngay từ đầu làng đã nghe dậy hương thơm của cốm và mật mía hòa quyện. Hỏi ra mới biết, tại đây có làng nghề bánh cốm Đông Thuận. Nghề làm bánh cốm đem lại thu nhập ổn định, nhà nào cũng có của ăn của để, xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái học hành đầy đủ, mua được ô tô để làm ăn, đi lại. Có điều kiện kinh tế, bà con giáo xứ tích cực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2022 đến nay, giáo xứ Làng Nam, xóm 10, xã Nghi Trung đã nhận về hơn 850 tấn xi măng do Nhà nước cấp để xây dựng nông thôn mới.

Quân dân giáo xứ Vạn Thủy chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ĐỨC VƯỢNG

Quân dân giáo xứ Vạn Thủy chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ĐỨC VƯỢNG

Từ huyện Nghi Lộc, chúng tôi ngược lên huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) đến thăm giáo họ Trung Hậu tại xóm 6, xã Tân Sơn. Đồng chí Trần Ngọc Cảnh, Bí thư Chi bộ kiêm xóm trưởng chia sẻ: “Xóm 6 có 105 hộ/372 hộ là giáo dân thuộc giáo họ Trung Hậu, một trong những nơi đầu tiên trong xã người dân chung tay đóng góp để làm hệ thống điện chiếu sáng đường làng. Làng nghề mộc Trung Hậu được công nhận vào năm 2016, đến nay, phát triển tốt với gần 40 hộ dân làm nghề, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ thủ công, gỗ mỹ nghệ, đem về thu nhập cao, rất nhiều gia đình có cuộc sống khá giả”. Được biết, giáo họ Trung Hậu cũng là địa chỉ tiêu biểu thực hiện mô hình đoàn kết lương-giáo chung tay xây dựng nông thôn mới; mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự tiêu biểu của tỉnh Nghệ An.

Những người đi đầu, nêu gương

Từ năm 2016 đến nay, bà con giáo dân tỉnh Nghệ An đã hiến 124.093m² đất, tháo dỡ 84.308m tường bao, đóng góp 71.263 ngày công và 307,9 tỷ đồng, 46,3km đường giao thông bê tông, góp phần làm thay đổi cảnh quan, diện mạo quê hương, nhiều xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Trong 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh thì có 252 xã có đông đồng bào Công giáo; 273/501 xóm giáo đạt chuẩn văn hóa. Đồng bào Công giáo tham gia đóng góp xây dựng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sĩ, ủng hộ xây dựng, tu sửa hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Để khơi dậy được sự đồng thuận, đoàn kết, đồng lòng của bà con xứ đạo, việc quan trọng nhất là các địa phương đã gần gũi với các cơ sở, tổ chức tôn giáo, phát huy được vai trò của những giáo dân “kính Chúa, yêu nước”. Họ là những linh mục tiến bộ, giáo dân đảng viên gương mẫu, gương sáng trong phát triển kinh tế. Lời nói uy tín và việc làm tiên phong của họ đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân xứ đạo, cùng chung sức chung lòng xây dựng đời sống văn minh.

 Cán bộ, nhân dân giáo xứ Phú Yên (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) treo Cờ Tổ quốc vào dịp Quốc khánh đất nước. Ảnh: LÊ QUYẾT

Cán bộ, nhân dân giáo xứ Phú Yên (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) treo Cờ Tổ quốc vào dịp Quốc khánh đất nước. Ảnh: LÊ QUYẾT

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới không tránh khỏi những ý kiến chưa đồng thuận của người dân, nhất là trong việc hiến đất, mở đường... Để đả thông tư tưởng cho giáo dân, trong các buổi giảng giáo lý, linh mục Phan Văn Thắng (giáo xứ Vạn Thủy, huyện Quỳnh Lưu) đã khéo léo lồng ghép nhắc nhở bà con tích cực xây dựng nông thôn mới, đồng thời chính linh mục cũng gương mẫu đi đầu để cho mọi người noi theo. Mới đây, để nâng cấp trục đường liên thôn, linh mục Phan Văn Thắng đã tiên phong phá dỡ hơn 100m² đất và hàng rào, cổng của nhà thờ. Thông qua việc làm và những lời nói giản dị, nhẹ nhàng của người quản xứ, bà con giáo dân Vạn Thủy đã tích cực góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, các hộ dân thuộc giáo xứ Vạn Thủy đã hiến hơn 1.000m² đất để xây dựng các công trình nông thôn mới. Trò chuyện với chúng tôi, linh mục Phan Văn Thắng bày tỏ: “Là linh mục quản xứ, tôi ý thức được mình là cầu nối giữa chính quyền và bà con giáo dân; hết sức phối hợp để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước như Bác Hồ từng nói: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” và Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt: “Anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Tại giáo họ Trung Hậu (xã Tân Sơn, huyện Đô Lương), đồng chí Trần Ngọc Cảnh là giáo dân rất đặc biệt khi đảm nhận cương vị Bí thư Chi bộ kiêm xóm trưởng xóm 6. Được kết nạp Đảng vào năm 2002, đến nay đã hơn 20 năm theo Đảng, đồng chí Trần Ngọc Cảnh đã khẳng định được vai trò thủ lĩnh trong xây dựng mối đoàn kết lương-giáo, khơi dậy sự đồng lòng của bà con giáo xứ để xây dựng quê hương. Giáo họ Trung Hậu trước đây còn gặp nhiều khó khăn, đường sá nhỏ hẹp, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, nhân dân đi lại khổ cực. Việc làm để lại ấn tượng đầu tiên của đồng chí là con đường nhựa chính của xóm dài gần 2km được hoàn thiện, sạch sẽ, rộng rãi, lại thêm tuyến đèn cao áp được thắp sáng vào ban đêm nên người dân đi lại an toàn hơn trước rất nhiều. Đồng chí Trần Ngọc Cảnh đã tự nguyện đóng góp tiền của gia đình để xây dựng nông thôn mới, vừa làm vừa vận động. Khi đường đã khang trang, đèn điện mang ánh sáng vui tươi về làng, bà con nhận được lợi ích thiết thực thì ngày càng đồng lòng, ủng hộ để cùng đồng chí Trần Ngọc Cảnh chung tay xây dựng xóm làng.

Đến giáo xứ Phú Yên (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu), chúng tôi ấn tượng với anh Dương Hà Nam, một giáo dân đi đầu trong phát triển kinh tế của địa phương. Vào dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, anh là người nhắc nhở từng hộ giáo dân treo cờ Tổ quốc trước cổng nhà và chính anh là người cẩn thận treo từng lá cờ Tổ quốc tại các khu vực công cộng của thôn xóm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương rồi được kết nạp Đảng. Với tư duy táo bạo và nhạy bén, anh đã đầu tư xây dựng bến cá để khai thác kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản. Mỗi năm, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương; đóng góp, ủng hộ nhiều vật chất và cả tinh thần cho phong trào xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội, là người có tiếng nói uy tín trong bà con giáo xứ.

Diện mạo miền quê xứ đạo đổi thay không chỉ từ những cái hữu hình như hạ tầng cơ sở, cảnh quan môi trường, đời sống đi lên mà chúng tôi cảm nhận rõ ràng tư tưởng, tình cảm của bà con giáo dân cũng gần gũi, cởi mở hơn. Tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong trẻo, miền quê xứ đạo hôm nay thật trù phú, bình yên.

HOÀNG HOA LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ve-mien-xu-dao-tru-phu-an-lanh-746026