Về Mường Lựm hôm nay
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp về thăm xã Mường Lựm, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Yên Châu. Dọc hai bên đường đi là những ruộng lúa đang ngả màu chín vàng, trải dài trên các sườn đồi là những vườn mận, xoài trĩu quả đang vào mùa thu hoạch.
Tự hào với những trang sử vẻ vang của quê hương, đồng chí Quàng Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm xã giới thiệu: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bà con nghèo lắm vì nằm tách biệt, xa trung tâm huyện, ra vào chỉ có con đường mòn rất hiểm trở, phải qua nhiều đèo cao, suối sâu. Nhưng cũng chính nơi đây, bà con các dân tộc luôn bền gan, quyết chí đi theo Đảng, nuôi giấu chở che cán bộ. Ngày đó, các đảng viên của Chi bộ đã tuyên truyền, vận động người dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, khai hoang trồng lúa, ngô; cùng thanh niên xung phong mở đường về xã để đi lại thuận tiện hơn, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần thống nhất đất nước...
Từ những đảng viên ban đầu, đến nay, Đảng bộ xã Mường Lựm có 269 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi bộ trực thuộc; tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, phát huy vai trò của người đảng viên cùng nhân dân xây dựng bản mường ngày càng phát triển.
Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác thế mạnh của địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp...
Xã phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, như: Trồng lúa nước, rau màu, nuôi trồng thủy sản tại các bản vùng thấp; trồng cây chè, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi đối với các bản vùng cao.
Đến nay, nhân dân trong xã đã chuyển đổi gần 300 ha cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng mận hậu, xoài, nhãn, chanh leo, với sản lượng đạt 1.200 tấn quả/năm. Đặc biệt, những năm qua, tranh thủ những nơi thuận lợi về nguồn nước, bà con trong xã đã canh tác 60 ha lúa nước; trong đó, chủ yếu trồng giống lúa đặc sản nếp tan Mắc Đươi, đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Xã cũng vận động bà con đã tập trung chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gần 42.000 con gia súc, gia cầm các loại; tận dụng trên 30 ha mặt nước để nuôi và đánh bắt thủy sản.
Là hộ đạt danh hiệu "Sản xuất kinh doanh giỏi" của xã nhiều năm liền, anh Vừ Lao Phổng, bản Ôn Ốc đã đưa cây mận hậu vào trồng hơn 10 năm nay, cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Phổng chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình hoàn toàn dựa vào trồng ngô, lúa nương, thu nhập thấp lắm. Nhận thấy khí hậu mát mẻ, phù hợp với cây mận, chanh leo, tôi đã cải tạo 2 ha đất đồi để trồng. Sau khi được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và áp dụng phương pháp rải vụ. Trung bình mỗi năm thu 30 tấn quả, trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.
Còn tại bản Nà Lắng, nhiều năm qua, gia đình anh Hà Văn Thức đã thành công với mô hình nuôi vịt cổ xanh. Anh Thức cho biết: Năm 2020, được Đoàn xã tổ chức cho tham quan mô hình nuôi vịt cổ xanh ở huyện Thuận Châu và được Huyện đoàn Yên Châu hỗ trợ 400 con vịt giống để nuôi thử nghiệm. Sau 5 tháng chăm sóc, xuất bán, trừ chi phí lãi hơn 50 triệu đồng. Tôi tiếp tục đầu tư cải tạo ao, chuồng, mua thêm con giống để mở rộng quy mô chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, gia đình nuôi 2-3 lứa vịt bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện, trừ chi phí lãi gần 120 triệu đồng.
5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân tích cực đóng góp công sức, tiền của hoàn thành đổ bê tông trên 10 km đường liên bản, nội bản; kiên cố hóa hơn 80% kênh mương thủy lợi; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tất cả 7 bản đều có nhà văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân từ 3-5%/năm...
Hiện nay, Mường Lựm đang được huyện đầu tư xây dựng tuyến đường từ trung tâm xã đến xã Tân Lập, huyện Mộc Châu dài trên 8 km; thu hút các đơn vị đầu tư khu nghỉ dưỡng tại hồ Mường Lựm gắn với tiềm năng để phát triển du lịch; qua đó, mở ra cơ hội giao thương hàng hóa được thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
Vinh dự và tự hào, năm 2018, địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ nơi đây.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/ve-muong-lum-hom-nay-HukaQElVg.html