Về Nam Hòa nghe chuyện gia phong
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai rộng rãi đã góp phần làm thay đổi quan điểm sống của nhiều hộ ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Gia phong ổn định, hiện tượng gia trưởng, độc đoán, trọng nam khinh nữ được thay thế bằng nếp sống bình đẳng, mọi người tôn trọng nhau và biết cách ứng xử đúng chuẩn mực.
Theo Chủ tịch UBND xã Nam Hòa Lê Văn Lâm: Từ năm 2020, địa phương vinh dự được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. 300 hộ dân ở các xóm Quang Trung, Gốc Thị và Chí Son tham gia, nay trở thành nòng cốt tuyên truyền, vận động bà con trong vùng cùng thực hiện. Nội dung Bộ tiêu chí đề cao vai trò, chức năng của gia đình, trong đó nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội... Đến nay, Bộ tiêu chí được triển khai rộng khắp trên toàn xã và đi vào đời sống hằng ngày trong mỗi gia đình.
Xã Nam Hòa có 22 xóm, với gần 2.600 hộ, hơn 11.550 nhân khẩu, 70% là đồng bào người dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đạt gần 52 triệu đồng/người/năm 2023. Số hộ nghèo giảm từ 6% năm 2022 xuống còn 3,6% năm 2023…
Kinh tế phát triển, người dân có cuộc sống ổn định, tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, nhất là trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Quý Sông, 77 tuổi, người cao tuổi có uy tín ở xóm Gốc Thị, phấn chấn nói: Tôi có 4 con, 7 cháu, 2 chắt. 4 thế hệ chung sống dưới cùng mái nhà. Ngày lễ, tết tập hợp đông đủ ngồi chật 2 mâm cơm, nhưng chưa bao giờ mọi người trong nhà to tiếng với nhau. Các con, cháu, chắt trên dưới thuận hòa, biết kính trên, nhường dưới, biết chia sẻ với nhau công việc trong gia đình.
Đến xóm Chí Son, hỏi chuyện tham gia thực hiện Bộ tiêu chí, ông Hoàng Văn Long, Trưởng xóm, cho biết: Triển khai thí điểm năm 2020, xóm có 120/223 hộ đăng ký hưởng ứng; đến nay thì gần 100% số hộ tham gia. Bởi nội dung Bộ tiêu chí gần gũi với cuộc sống thường ngày trong mỗi gia đình. Hiểu cụ thể là vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; ông bà, cha mẹ gương mẫu, yêu thương; con với cha mẹ, cháu với ông bà lễ phép, hiếu thảo; anh, chị em hòa thuận, chia sẻ.
Dừng lời lấy cho tôi xem cuốn sổ tay truyền thông thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp, giây lát, ông Long tiếp tục câu chuyện: Đọc các nội dung ghi trong Bộ tiêu chí, người dân chúng tôi hiểu rõ nghĩa hơn giá trị và cách ứng xử trong gia đình như thế nào cho đúng đạo nhà. Có tôn ti trật tự, nhưng không phải bằng cách ép buộc kiểu gia trưởng, độc đoán.
Có mặt ở đó, ông Hoàng Văn Hòa, 68 tuổi, bên vợ là bà Tống Thị Vòn, góp vui: Hiện trong nhà có 4 thế hệ chung sống, trên dưới thuận hòa. Bản thân lên chức cụ, song 2 vợ chồng chúng tôi luôn bảo ban nhau biết sống phù hợp với thời cuộc. Không ép tụi trẻ theo nếp… “ngày xưa”, thậm chí nhờ các cháu hướng dẫn sử dụng công nghệ trên điện thoại thông minh. Bằng cách này, các thành viên trong gia đình được gần gũi, từ đó tạo ra cơ hội chia sẻ, nhắc nhở con, cháu trong nhà sống có trên dưới, trước sau.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm: Xã Nam Hòa có hơn 1.000 hộ từ 3-4 thế hệ chung sống dưới cùng mái nhà. Đương nhiên giữa các thế hệ có sự cách biệt về tuổi tác, theo đó là tâm lý, sở thích, quan niệm sống có khác nhau. Nhất là ở thời đại công nghệ thông tin, khoảng cách khác biệt giữa các thế hệ càng lớn, nếu các thành viên thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau thì gia đình phai lạt đi giá trị là tổ ấm.
Chính vì thế, Bộ tiêu chí được coi như cẩm nang, nhắc nhở mỗi người biết tôn trọng bản thân, gia đình, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong gìn giữ, xây dựng tổ ấm ngày càng bền chặt. Hơn nữa, Bộ tiêu chí đã cụ thể hóa, rõ ràng chi tiết về các mối quan hệ cũng như kỹ năng ứng xử trong gia đình. Trong hầu hết các gia đình ở xã Nam Hòa không xảy ra xích mích, to tiếng đến mức tổ hòa giải phải đến nhà can thiệp. Cuộc sống có ý nghĩa hơn khi không khí ấm áp được tạo nên từ mỗi mái ấm gia đình, lan tỏa rộng rãi trong khu dân cư, tình nghĩa xóm giềng cũng trở nên gần gũi, thân thiện, góp phần xây dựng thành công một xã hội văn minh, phồn thịnh.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202409/ve-nam-hoa-nghe-chuyen-gia-phong-821107e/