Về nghe giai thoại trăm năm

Lâu lắm rồi tôi mới ghé nhà công tử bởi những lần về Bạc Liêu vội vàng quá. Lần này, anh bạn thuở thiếu thời đang dạy Văn ở một trường trung học của tỉnh mời tôi ly cà phê sáng tại Dinh thự công tử và những giai thoại cứ thế sống lại trong ký ức tôi…

Tôi còn nhớ rất rõ từng lời của cha tôi - một ông giáo tiểu học - đã kể cho nghe không biết bao nhiêu lần về công tử Bạc Liêu: “Công tử Bạc Liêu là người có học, du học tận bên Pháp. Ông nức tiếng ăn chơi khắp lục tỉnh Nam Kỳ, khắp Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt…”. Sau này, đi đây đó, tôi giới thiệu là người Bạc Liêu và thật ngỡ ngàng, bất ngờ bởi nói tới Bạc Liêu là ai cũng nói “quê công tử Bạc Liêu”. Mà quả thật, cái danh công tử Bạc Liêu nó đã vang xa và trở thành nhiều giai thoại. Dạy học, viết văn, làm báo ở Biên Hòa khá lâu, bạn bè tôi hè nào cũng “đặt hàng” về xứ miền Tây một chuyến để tận mắt chứng kiến, nghe những giai thoại “truyền kỳ” về công tử: “Bạc Liêu giấc mơ tình yêu. Dân gian ca rằng Bạc Liêu là xứ cơ cầu. Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu. Nghe danh Công Tử Bạc Liêu. Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.

Người bạn dạy Văn kể cho tôi nghe một bất ngờ mà hồi nào giờ tôi chưa từng biết đến. Tổ tiên công tử Bạc Liêu đã từng sống và lập nghiệp ở đất Biên Hòa, Đồng Nai. Bạn cho biết: “Công tử Bạc Liêu tên là Trần Trinh Huy, ông còn có các tên gọi khác là Ba Huy hay Hắc công tử vì ông có nước da đen sánh cùng Bạch công tử Lê Công Chước ở tỉnh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang là một cặp Hắc - Bạch công tử ăn chơi khét tiếng xứ Nam Kỳ vào những năm của thập niên 30, 40. Ông Trần Trinh Trạch, cha của công tử Bạc Liêu gốc là người Minh Hương”. “Bạc Liêu là xứ cơ cầu. Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Hai câu ca dao dân gian truyền miệng nói đến sự có mặt của người Triều Châu trên đất Bạc Liêu vào cuối thế kỷ 19. Năm 1679, tổ tiên ông Trần Trinh Trạch theo tướng Trần Thượng Xuyên đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố. Sau đó, cha ông chạy về ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu sinh sống, tìm đất khẩn hoang, lập nghiệp và sinh ông tại đây.

Chúng tôi đến Cái Dầy vào buổi chiều hoàng hôn trôi trên sông thật thanh bình, yên ả. Đã lâu rồi tôi mới có dịp trở lại vùng quê mênh mông lúa đồng này. Dưới bóng chiều tà, người bạn dạy văn cứ say mê nói bao giai thoại truyền miệng của người dân xứ Bạc Liêu về công tử. Cái duyên đã đưa đẩy ông nội công tử từ Biên Hòa về tận miệt Bạc Liêu xa xôi tìm và mở đất khẩn hoang rồi sinh cha ông và sau này đến ông để giờ đây không chỉ người dân lục tỉnh khi nhắc đến Bạc Liêu là nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu.

Đào Khởi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202407/ve-nghe-giai-thoai-tram-nam-ea956c8/