Vẻ ngoài mới của Chùa Cầu gây tranh cãi, đơn vị trùng tu khẳng định không thay đổi
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý trái chiều về 'diện mạo' mới của Chùa Cầu (Hội An) sau gần hai năm trùng tu. Nhiều netizen cho rằng di tích Chùa Cầu sau khi sửa chữa trông 'quá mới', không còn giữ được nét cổ kính và đặc trưng của di tích này.
Chùa Cầu (Hội An) là di tích quốc gia đặc biệt, được các thương nhân Nhật Bản xây dựng giữa thế kỷ 17. Đến nay, Chùa Cầu đã có lịch sử hơn 400 năm. Để tôn tạo và sửa chữa, cuối năm 2022, dự án trùng tu Chùa Cầu đã được khởi công với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Đến hiện tại, dự án gần như hoàn tất và chuẩn bị khánh thành vào tháng 8 sắp tới. Tuy nhiên, những hình ảnh đầu tiên về công trình này sau trùng tu lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều tài khoản nhận định, diện mạo của Chùa Cầu sau khi tu sửa đã làm mất đi vẻ cổ kính, nhuốm "màu thời gian" của ngôi chùa đã hơn 400 năm tuổi:
- Nhìn mặt cầu sơn màu trắng có vẻ chưa phù hợp lắm, làm mất đi vẻ cổ xưa.
- Đang là di tích có nét cổ, có nét của lịch sử tự nhiên, giờ sơn màu sáng quá.
Tuy nhiên, vẫn có không ít quan điểm đứng về phía đội ngũ chịu trách nhiệm tu sửa di tích này. Tài khoản Threads @jangkeu cho rằng, mục đích của trùng tu, sửa chữa là để bảo tồn một di sản, không phải để tạo ra những sản phẩm thuận theo thị hiếu của đám đông.
"Mình nghĩ mọi người đã nhìn thấy Chùa Cầu trong một diện mạo quá lâu, khiến nhiều người bị "đóng đinh" và tin rằng công trình này vốn dĩ phải như thế. Nhưng hình ảnh, đặc điểm gốc của ngôi chùa này trong quá khứ như thế nào, chúng ta vẫn chưa thấy. Trong khi việc khôi phục hiện trạng ban đầu mới là mục đích của bảo tồn, trùng tu một công trình." - @jangkeu.
Trước luồng ý kiến tranh cãi về vẻ ngoài của Chùa Cầu, chia sẻ với báo Người Lao Động, đại diện UBND TP Hội An cho biết, để có thể tiến hành tu bổ công trình này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tiến hành lấy ý kiến, tham khảo từ rất nhiều nguồn, từ tư liệu lịch sử đến các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật... để đảm bảo tính nguyên bản và khoa học của công trình.
Về phía đơn vị chịu trách nhiệm chính trong dự án tu sửa Chùa Cầu, thông tin với VOV, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng khẳng định việc trùng tu được thực hiện bài bản, khoa học.
Đại diện của đơn vị này cũng cho biết, mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Việc phục hồi màu sắc của phần kiến trúc bên trong và phần ngói của Chùa Cầu không thể tránh khỏi khiến di tích có phần "mới hơn" nhưng đều đảm bảo được tính nguyên gốc và nguyên tắc trong tu bổ di tích.
Ngoài ra, đơn vị chủ trì dự án tu bổ cũng khẳng định, không hề có việc Chùa Cầu được quét thêm màu sơn mới để trông "trầm" hơn như nhiều tài khoản, nguồn tin đã đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Thực chất, đây chỉ là một công đoạn trong quá trình sơn quét vôi, hoàn tất các công đoạn cuối cùng trước khi khánh thành công trình vào ngày 3/8/2024 sắp tới.