Về nguồn học sử

Chương trình 'Về nơi khởi nguồn' do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với các cơ quan, đơn vị vừa tổ chức tại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng) để lại cảm xúc và ấn tượng rất sâu sắc với không chỉ những người tham dự. Ngoài khuôn khổ của hoạt động gặp mặt, giao lưu, tri ân, chương trình còn là hoạt động giáo dục truyền thống, một cách dạy và học lịch sử trực quan sinh động, rất hiệu quả và có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Thật xúc động, tự hào khi ngay tại rừng Trần Hưng Đạo linh thiêng-nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của QĐND Việt Nam, cán bộ, phóng viên Báo QĐND cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT, đồng bào các dân tộc địa phương cùng tề tựu, ôn lại truyền thống 80 năm vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng. Càng ý nghĩa hơn khi ở nơi cội nguồn linh thiêng, chính những cựu chiến binh, tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân đã trực tiếp “truyền lửa” cho thế hệ sau với nhiều bài học lịch sử quý báu. Những cựu chiến binh, anh hùng, dũng sĩ ấy, nay “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” thật dung dị và gần gũi, nhưng chính họ đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, được tạc vào lịch sử dân tộc.

Các đại biểu trò chuyện cùng thế hệ trẻ và đồng bào huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tại nơi rừng thiêng Trần Hưng Đạo.

Các đại biểu trò chuyện cùng thế hệ trẻ và đồng bào huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tại nơi rừng thiêng Trần Hưng Đạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Dẫu vậy, những năm gần đây, việc dạy và học lịch sử đang có nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn. Đặc biệt, sự thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc của một bộ phận lớp trẻ ngày nay vô tình nảy sinh những tình huống nhầm lẫn thật đáng xấu hổ, thậm chí là nguy hại. Điều đó càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải giảng dạy và trang bị những kiến thức lịch sử cơ bản để mỗi người dân Việt Nam đều phải am tường lịch sử dân tộc và tự hào với lịch sử hào hùng ấy. Vấn đề đặt ra là phương pháp dạy để khơi dậy được niềm đam mê với lịch sử.

Từ hoạt động của Báo QĐND vừa qua và nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai, có thể thấy rằng, về nguồn để giáo dục truyền thống, để dạy và học lịch sử đã và đang góp phần khơi dậy cảm hứng nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử trong thế hệ trẻ. Đặc biệt là được gặp, được nghe những “pho sử sống”, những người đã trở thành một phần của lịch sử kể lại lịch sử là một trải nghiệm đặc biệt vô cùng quý báu. Mỗi câu chuyện của các nhân vật lịch sử, các tướng lĩnh, anh hùng là nguồn cảm hứng to lớn, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, trao truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Hôm nay (19-8), kỷ niệm 79 Cách mạng Tháng Tám thành công. Trải qua ngần ấy chiều dài lịch sử, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự cống hiến, hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Thời gian qua đi, mọi thứ rồi sẽ đổi thay, nhưng, những sự kiện lịch sử và những nhân vật lịch sử cùng với tên tuổi và chiến công của họ sẽ sống mãi với lịch sử dân tộc. “Uống nước” thì phải “nhớ nguồn”, “Ăn quả” phải “nhớ người trồng cây”, đó là những đạo lý căn bản, là những phẩm chất căn cốt mà mỗi người phải có được. Và bài học đầu tiên mà mỗi người phải luôn ghi tạc, đó là phải biết, phải hiểu, phải luôn luôn ghi nhớ, trân trọng nguồn cội, khắc ghi lịch sử.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ve-nguon-hoc-su-790030