Về nhà thơ Nguyễn Quốc Toản: Có một nhà thơ chuyên 'vác tù và hàng tổng'
Đó là nhận xét của nhà văn Lê Tự, một trong những người bạn của nhà thơ Nguyễn Quốc Toản. Ông cho biết, nhà thơ Nguyễn Quốc Toản về hưu mới có thời gian toàn tâm, toàn ý với văn chương, thơ phú, nhưng ngoài ra ông còn tìm hiểu, giúp đỡ những gia đình thực sự khó khăn trong tổ dân phố, thậm chí có trường hợp ông bỏ tiền túi ra để giúp đỡ các gia đình.
Quốc Toản làm thơ rất hay, nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ nhớ, nhưng bên cạnh thơ, ông cũng sáng tác nhiều thể loại: bút kí, phóng sự, ghi chép, tùy bút, tản văn. Nói chung, ông Toản là người đa tài, nhưng cũng là người có tâm, chuyên đi “vác tù và hàng tổng”…
Nguyên quán ở Phố Hiến (Hưng Yên), nhưng sinh ra ở Sơn Tây, xứ Đoài mây trắng, nên nhà thơ Quốc Toản xem Sơn Tây như quê hương thứ hai của mình. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Quốc Toản, con cụ Nguyễn Văn Khuông, sinh thời là Chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước. Cụ Khuông là một cán bộ lão thành cách mạng, từng bị địch bắt và bị tù ở nhà tù Côn Đảo. Từ truyền thống gia đình như vậy, ông gia nhập quân đội, từng là sĩ quan, rồi làm giảng viên Học viện Hậu cần, sau thuyên chuyển tiếp tục làm nhà giáo tại Trường sĩ quan ô tô, nay là Trường Trung học kĩ thuật xe máy. Ông về hưu với quân hàm Thượng tá, tiếp tục làm thơ, viết văn và viết facebook với nickname Quốc Toản Sơn Tây.
Gặp chúng tôi, ông không nói nhiều về sự nghiệp văn chương, thơ phú mà say sưa kể chuyện về những chuyến ông đi làm từ thiện. Ông cho biết, sau khi về hưu, có thời gian ông được bầu làm Tổ trưởng dân phố, mà ông nói đùa là được chọn làm “lí trưởng”. Ông kể, khi nhận bàn giao thấy danh sách các hộ nghèo không hợp lí, ông bỏ công sức xác minh, tìm hiểu lại và lập danh sách mới, trong đó có những hộ không đạt tiêu chí hộ nghèo, thì ông vận động họ để loại ra khỏi danh sách, còn những hộ nghèo thật mà chưa được bình xét, ông đưa vào để họ được hưởng chính sách hỗ trợ, nhằm thoát nghèo. “Tôi thấy nhiều hộ nghèo, nhưng họ ngại khai hồ sơ, cũng có hộ không biết khai như thế nào, nên bỏ tiền túi mua hồ sơ, rồi khai hộ và mang đến cho các hộ chỉ việc kí, hoặc là điềm chỉ vào rồi mang nộp cho phường”, ông Toản cho biết.
Ông Hoàng Trọng Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, nơi gia đình nhà thơ Quốc Toản đóng chân, góp chuyện: “Ông Toản có nhiều đóng góp với địa phương. Chúng tôi quý mến ông ở phong cách sống, rất hòa đồng, giản dị nhưng cũng rất quyết liệt, tâm huyết với công việc được giao. Tôi thấy ông Toản là người có trách nhiệm với công việc, giải quyết mọi việc sắc sảo, hiệu quả. Khi còn làm Tổ trưởng dân phố, Bí thư Chi bộ, ông Toản quan hệ với bà con ở khu phố rất tốt. Tôi có may mắn được đi cùng làm từ thiện với ông Toản nhiều chuyến tại Sơn La, Bảo Yên…”.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng nhận xét: Nhà thơ Quốc Toản là nghệ sĩ đa tài, vừa làm thơ, viết văn; vừa quay phim, chụp ảnh. Ở lĩnh vực nào ông cũng có thành công nhất định. Về thơ, tác phẩm của Quốc Toản rấy gần gũi với đời thường và với những người lính. Thơ ông câu từ không bí hiểm, rất dung dị nhưng có nét hiện đại. Thơ của ông làm theo kiểu truyền thống, nên rất dễ đọc, dễ nhớ. Ngoài làm thơ, viết văn, Quốc Toản còn say mê chụp ảnh, những bức ảnh của ông được rất nhiều người thích.
Ông cho biết, ông bắt đầu sự nghiệp văn chương muộn hơn lớp nhà văn, nhà thơ cùng thời, nhưng tính đến nay cũng có gần 40 năm sáng tác. Qua các tác phẩm của ông, cảm nhận mỗi vùng đất, mỗi con người mà ông gặp gỡ, cũng tựa như nàng thơ mà ông hết lòng trân quý, nâng niu như chất xúc tác để ông đưa vào tác phẩm. Do đó, sau gần 40 năm sáng tác, Quốc Toản để lại cho văn đàn nhiều tác phẩm đẹp, mang đậm cốt cách, cá tính của ông.
Nhà thơ Quốc Toản từng thành công ở các tập thơ: “Tạ lỗi với thời gian”, “Trở mùa”, “Khát gió”. Nhờ sự ra đời của các tập thơ này, năm 2005 ông chính thức được gia nhập, trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tây (cũ), nay là hội viên Hội Nhà văn TP Hà Nội. Từ năm 2007 trở đi, ông gặt hái nhiều “quả ngọt” xứng đáng: Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Trãi, trao cho tập thơ Khát gió; Giải thưởng cuộc thi thơ tỉnh Hà Tây năm 2007; được tặng thưởng cuộc thi kí, phóng sự do Báo Người Hà Nội tổ chức năm 2009.
Trong những sáng tác của ông, ấn tượng khá mạnh nằm trong tác phẩm “Bạn tôi”. Quốc Toản có hai bài thơ đều lấy nhan đề là “Bạn tôi”, nhưng một trong hai bài đó có ấn tượng khá mạnh, viết về một người bạn đồng ngũ, nghỉ hưu về quê hương làm nghề thổi kèn đám ma. Ông kể, ông với người bạn đó từng đồng ngũ, rồi bẵng đi đã lâu không gặp, nhưng không biết cụ thể địa chỉ gia đình ở đâu, chỉ biết ở huyện Thái Thụy. Lần đó ông có chuyến công tác ở huyện này, chủ trương tranh thủ đi tìm bạn, nhưng không biết tìm nơi đâu? “Tôi mới nghĩ, ông bạn này rất thích ăn thịt chó, nên cứ mò đến các quán thịt chó dò hỏi, may ra. Thế mà tìm được địa chỉ. Buổi tối hôm đó tôi tìm đến nhà, ở đây cứ đến sẩm tối các gia đình đóng cửa im ỉm. Tôi gọi cửa mãi không thấy ai mở, cuối cùng phải xưng tên ông ấy mới ra mở cửa. Gặp tôi ông ôm chầm lấy, rồi chúng tôi tâm tình với nhau đến hết đêm. Sau đó về tôi mới sáng tác bài thơ Bạn tôi”, ông Toản kể.
Bằng chất giọng trầm, ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ đó: “Về thăm bạn cùng quân ngũ/Hỏi hết chuyện gần, chuyện xa/Hưu rồi, làm gì cho xã?/Bạn cười, thổi kèn đám ma/Tớ vốn là dân văn nghệ/Không quen sổ sách, giấy tờ/Vợ con gàn, tớ mặc kệ/Bỏ ngoài tai đến bây giờ/Tiếng khóc hòa trong tiếng nhạc/Tiếc thương tăng gấp muôn lần/Có người nhờ tớ khóc hộ/Nỗi đau như thể vơi dần/Những khi ngồi chơi xơi nước/Phồng mồm trợn mắt cho vui/Vợ con lén sang hàng xóm/Mang theo cả chuỗi tiếng cười/Lắm lúc nhớ đồng đội cũ/Chết có trống kèn gì đâu?/Tớ thổi chiêu hồn tử sĩ/Bỗng thấy tim mình quặn đau/Trung tá hưu đã từ lâu/Vẫn còn máu văn nghệ sĩ/Chẳng có điều gì vô lí/Khi mình thổi kèn đám ma”. Quốc Toản cười: “Tôi được báo đăng cho bài này, gửi báo cho ông bạn, ông bạn làm hai mâm chiêu đãi, khoe được Quốc Toản làm thơ dành cho mình”.
Nói về Quốc Toản Sơn Tây, nhà văn Lê Tự nhận xét: Quốc Toản là nhà thơ, nhưng cũng là người lính, nên sống rất chân thành, giản dị. Đối với anh em, bạn bè, Quốc Toản luôn nhiệt thành, chu đáo và rất dễ gần. Đối với sự nghiệp văn chương, ông luôn chu đáo với các hoạt động. Giờ ông là thành viên của Chi hội Hà Đông – Sơn Tây, thuộc Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 2006 ông về hưu với quân hàm Thượng tá, nhưng chất lính vẫn tràn đầy trong con người ông. Quốc Toản là người chịu khó đi, để trải nghiệm cuộc sống và camt thông sâu sắc với nhân tình thế thái. Chính vì thế, những trang viết của ông luôn mang hơi thở của đời sống xã hội. Ông Toản cho biết, thực tế ông làm thơ từ rất sớm, năm 1969 ông đã được dự trại sáng tác của thiếu nhi tỉnh Hà Tây, bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí thiếu nhi của tỉnh.
Làm thơ, viết văn, viết báo, viết kịch bản rồi làm đạo diễn, quay phim, chụp ảnh, làm MC, đọc thơ, hát, ngần ấy công việc cũng cho thấy ông là người đa tài, đa cảm. Không chỉ viết, ông còn say mê với nhiếp ảnh, rong ruổi nhiều nơi, ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống. Ông lưu giữ được nhiều bức ảnh quý, được ông chụp trong những chuyến đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc. Năm 2012 ông tổ chức triển lãm, với 60 bức ảnh, thành công, gây tiếng vang với giới nghệ thuật, ảnh của ông được sử dụng nhiều trên các báo và tạp chí.
Rất dễ nhận thấy, thơ của Quốc Toản có chất bay bổng, vần điệu mang tính âm nhạc. Quốc Toản có nhiều bài thơ được phổ nhạc, trong đó có bài Hà Nội của tôi, do nhạc sĩ Đoàn Bổng phổ nhạc, được dàn nhạc của Pháp sử dụng biểu diễn trong dịp kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Như vậy để biết, nhà thơ Quốc Toản cũng có tình yêu sục sôi với Hà Nội. Hà Nội qua con mắt ông đẹp như tranh vẽ. Ông cho biết, tình yêu Hà Nội luôn đầy ắp trong ông, nhất là với Hồ Tây, nơi ông từng viết và được nhạc sĩ Đức Vượng phổ nhạc thành bài hát “Lẻ bóng Hồ Tây”, nói về tình yêu lứa đôi, về cuộc sống, về con người đối với Hà Nội.
Ở tuổi xế bóng, nhà thơ, cựu chiến binh Quốc Toản vẫn trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Dường như bấy nhiêu năm cống hiến cho nghệ thuật, với ông chỉ tựa như một giấc mơ thiên thần, nơi người con xứ Đoài được thỏa mình vùng vẫy trong cái đẹp đẽ, si mê của ngôn từ, của những nốt nhạc thăng trầm và cả sắc màu tuyệt diệu của ống kính.
H.L
Trái tim người lính